Ngày 12-2, tỉnh Đồng Nai và Công ty cổ phần BT20-Cửu Long đã khởi động xây dựng nút giao Dầu Giây thuộc dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 20 đoạn Dầu Giây đi Bảo Lộc.

Phối cảnh cầu vượt nút giao Dầu Giây
Phối cảnh cầu vượt nút giao Dầu Giây

Cầu vượt nút giao Dầu Giây được xây dựng dọc theo quốc lộ 1A, cầu có 10 nhịp, mỗi nhịp dài 34,6 mét, chiều rộng 16 mét, gồm 4 làn xe.

Phần nút giao được mở rộng cả trên quốc lộ 1A và quốc lộ 20, mở rộng các bán kính đảm bảo tốc độ cho xe đi với 60 km/giờ.

Bên cạnh việc xây cầu vượt, nhà đầu tư còn mở rộng quốc lộ 20 đoạn qua huyện Thống Nhất, Đồng Nai dài 1,5 km tính từ nút giao Dầu Giây về hướng Đà Lạt. Phần đường này sẽ được mở rộng với chiều rộng 20,5 mét, với 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, đồng thời xây dựng mương thoát nước dọc 2 bên và chiếu sáng đô thị có dải phân cách ở giữa đường.

Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là gần 299 tỉ đồng, bằng nguồn vốn dư thuộc dự án khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 đoạn Dầu Giây-Bảo Lộc. Dự kiến, nút giao Dầu Giây sẽ hoàn thành vào tháng 3-2018.

Phát biểu tại lễ khởi động, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch tỉnh Đồng Nai, cho biết ngã tư Dầu Giây là nút giao kết nối giữa 3 tuyến đường gồm quốc lộ 20 với quốc lộ 1A và đường tỉnh 769. Vì vậy, mật độ xe đi qua ngã tư rất lớn. Việc mở rộng quốc lộ 20 đoạn đầu tuyến cũng góp phần thúc đẩy phát triển đô thị mới huyện Thống Nhất của tỉnh Đồng Nai.

Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, cầu vượt và nút giao Dầu Giây sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Đồng Nai.

Trước đó, dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 20 có tổng mức đầu tư 5.264 tỉ đồng đã hoàn thành vào tháng 4-2015. Sau khi hoàn thành dự án còn dư khoảng 1.200 tỉ đồng (tương tương 60 triệu đô la Mỹ), trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, được sự cho phép của Bộ Giao thông Vận tải và đơn vị cho vay vốn, phần vốn dư sẽ được dùng xây dựng nút giao Dầu Giây (đoạn giao giữa quốc lộ 1A và quốc lộ 20) có cầu vượt nhằm giảm ùn tắc giao thông tại nút giao này.

Số vốn còn dư cũng được dùng để xây dựng tuyến tránh thành phố Bảo Lộc dài hơn 15 km nhằm giảm lượng xe tải nặng vào trung tâm thành phố Bảo Lộc.

Quốc lộ 20 qua hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng là tuyến đường huyết mạch nối TPHCM với khu vực Tây Nguyên. Sau khi nâng cấp sẽ giúp thời gian di chuyển bằng ô tô từ TPHCM lên thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chỉ còn 5 giờ thay vì phải 8-9 giờ so với trước đây.

Lê Anh (Theo Thesaigontimes.vn, 12/2/2017)