B’Lao xưa – Bảo Lộc ngày nay có lịch sử hơn 100 năm, kể từ khi Bác sĩ Alexander Yersin tìm đường thám hiểm cao nguyên Langbian vào những năm 90 của thế kỷ XIX. Những bài học thành công của Bảo Lộc có thể kể đến các yếu tố về tầm nhìn, thời cơ, quyết đoán; về quy hoạch đi trước; về tận dụng lợi thế và cơ hội.

Một góc đô thị Bảo Lộc ngày nay. Ảnh: N.V.H

Trong thành công có yếu tố thất bại

Sau Hội nghị Khoa học Tây Nguyên năm 1990 và các chuyến thăm, làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta đến Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam tại Bảo Lộc…, Huyện Bảo Lộc khi đó được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, với chỉ đạo định hướng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 1993 “… Xây dựng Bảo Lộc trở thành thành phố ngang tầm với các nước xung quanh ta…”, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và huyện Bảo Lộc bấy giờ đã dự báo được xu thế phát triển và hội nhập, tận dụng thời cơ, phát huy nội lực, xúc tiến các biện pháp đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, tạo đà phát triển. Hai Đồ án đầu tiên về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội và Quy hoạch chung thị xã Bảo Lộc 1995 – 2010 được thiết lập. Mặc dù hiệu quả của các quy hoạch này còn phụ thuộc vào thể chế, tiềm lực từng thời kỳ và những yếu tố chủ quan khác, nhưng đã xác định rõ các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế và không gian đô thị, góp phần tạo ra sự chuyển biến trong quản lý nhà nước của các cấp chính quyền – vốn theo kiểu quản lý hành chính nông thôn – sang thích nghi với quản lý đô thị. Bộ mặt đô thị được tạo dựng, các quy hoạch chi tiết và phân khu chức năng bước đầu đã cơ bản giúp kiểm soát được trật tự đô thị trong quá trình đô thị hóa. Nguồn thu từ quỹ đất cho đầu tư phát triển tăng mạnh. Dù là một đô thị trẻ, nhưng Bảo Lộc đã có tích lũy văn hóa lâu đời về sự sáng tạo các sản phẩm mang đậm dấu ấn, bản sắc riêng có của cao nguyên, đó là “Trà B’Lao”, “Cà phê Bảo Lộc”, các giống bơ ngon. Sau này, Bảo Lộc còn phát hiện và phát triển ngành kinh tế dâu tằm, tơ lụa; thương hiệu “Lụa tơ tằm Bảo Lộc” bắt đầu nổi tiếng. Bảo Lộc từng được mệnh danh là Thủ đô dâu tằm tơ Việt Nam, là thủ phủ ngành chè phía Nam Việt Nam, được nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài biết tới như một địa chỉ tiềm năng.

Bảo Lộc trong những năm thập niên 90 đã có bước phát triển nhanh về KT-XH so với nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, từ sau năm 2000, tốc độ phát triển của Bảo Lộc chưa tương xứng với tiềm lực. Bởi mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị Bảo Lộc vẫn nhạt nhòa, thiếu các nghiên cứu, ứng dụng khoa học (bao gồm cả khoa học xã hội và nhân văn) cho một mô hình tăng trưởng và kiến trúc đô thị. Duy trì bản sắc gặp khó khăn, phát hiện bản sắc mới chưa đạt mong muốn. Điều này cho thấy sự tùy tiện, loay hoay chưa khẳng định được nét riêng. Đó là bất cập trong thực hiện quy hoạch khi các quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung được lập đồ án thì rầm rộ nhưng khi đã được duyệt thì coi như xong nhiệm vụ. Việc công khai, tuyên truyền, tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá, chỉnh sửa, bổ sung các đồ án… chưa được coi trọng, chưa gắn với nguồn lực tài chính và sự quan tâm của xã hội. Dáng dấp kiến trúc, cảnh quan đô thị chưa định hình rõ nét, thiếu Điều lệ quản lý đô thị. Các khu phố mới nhanh lạc hậu hơn khu phố cũ, có nơi quy hoạch bị phá vỡ, lãng phí đầu tư…

Tìm bản sắc đô thị

Bản sắc đô thị là một khái niệm khá trừu tượng nhưng được nhiều nhà khoa học và quản lý đô thị nói tới. Bản sắc có được là nhờ tự nhiên (Bảo Lộc có khí hậu trong lành, ôn hòa, mát mẻ quanh năm); nhờ sự tích lũy của quá trình lao động gắn với địa danh, được chọn lọc, phát triển có thứ tự ưu tiên (như trà B’Lao, cà phê chồn Bảo Lộc…). Bản sắc có được nhờ những phát hiện mới được bổ sung trong quá trình phát triển (như dâu, tằm, tơ lụa Bảo Lộc, Bơ BL034, thác DamB’ri… và các phát hiện mới về văn hóa khác như lịch sử ra đời các ca khúc nhạc Trịnh Công Sơn từ B’Lao, Bảo Lộc…).

Về kinh tế học đô thị, bản sắc có thể hiểu là “chất” của sự tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đô thị; là “mô hình tăng trưởng” của đô thị. Từ năm 2014, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Bảo Lộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được lập nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tổ chức 2 cuộc Hội thảo khoa học xung quanh định hướng phát triển thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham dự của các nhà quản lý, nhà khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước. Đồ án quy hoạch và nhiều báo cáo khoa học có giá trị được trình bày tại hội thảo đều trăn trở đi tìm bản sắc đô thị Bảo Lộc – một điều tưởng đã có từ lâu. Các báo cáo của các nhà khoa học đã phân tích, chỉ rõ và đề xuất các giải pháp giữ gìn, phát triển và làm giàu các giá trị của bản sắc đô thị Bảo Lộc. Sau hội thảo, có ai đang tổ chức nghiên cứu, vận dụng? Nhân dân – chủ thể làm nên bản sắc – được thông tin gì, làm gì, bắt đầu từ đâu? Hy vọng, hội thảo là đốm lửa làm bùng lên khát vọng của toàn thể nhân dân tìm lại, xây dựng, phát triển, làm giàu bản sắc đô thị Bảo Lộc, để các báo cáo nghiên cứu khoa học nói trên không bị uổng phí.

Ths. NGUYỄN VÂN HẬU (Báo Lâm Đồng, 06/12/2018)