Cây hoa hồng từ 10 tới 30 năm tuổi có giá cả chục triệu đồng/gốc đang là mục tiêu nhiều kẻ xấu nhòm ngó, tìm cách trộm cắp. Chỉ trong vòng mấy tháng qua, trên địa bàn TP Ðà Lạt đã xảy ra không dưới 10 vụ mất trộm hồng cổ, trong khi các đối tượng trộm cắp được ghi nhận có tổ chức và manh động.

Kẻ trộm đột nhập cưa mất cây hồng cổ Sa Pa 15 năm tuổi của gia đình bà Phương tối ngày 1/8. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngang nhiên trộm hồng cổ

Gần đây nhất, vào tối ngày 3/8, kẻ trộm đã đột nhập vào khuôn viên gia đình chị Đỗ Quyên (đường Phan Bội Châu, Phường 1, TP Đà Lạt) đào trộm và lấy đi một gốc hoa hồng mà gia đình đã dày công chăm sóc tới 17 năm. Theo chị Quyên, hằng năm cây hoa hồng cổ nguồn gốc Sa Pa của gia đình chị đều nở hoa rất đẹp, trùm lên hàng rào tạo nên không gian, điểm nhấn cho ngôi nhà. Chính vì vậy, khi phát hiện cây hồng quý bị kẻ trộm cắt tan tành cả nhà đều tiếc nuối.

Trước đó, ngày 1/8, một nhóm trộm cũng đã đột nhập vào khuôn viên gia đình bà Trần Thị Mai Phương (đường Trần Bình Trọng, Phường 5, TP Đà Lạt), cưa trộm một gốc hoa hồng 15 năm tuổi đang ra hoa rất đẹp. Bà Phương mô tả, kẻ trộm rất bình tĩnh và chuyên nghiệp. Ngay sau vụ trộm, gia đình kiểm tra nhanh camera thì phát hiện: tầm 0 giờ ngày 1/8, trước sân nhà xuất hiện một thanh niên tầm 30 tuổi, mặt che khẩu trang, trèo qua cổng đột nhập vào sân, sau đó dùng cưa cắt ngang thân cây và đào luôn phần gốc. “Giá trị cây hồng không quá lớn nhưng mất đi một vật mình chăm sóc tỉ mỉ nhiều năm nên cảm giác rất hụt hẫng. Trước giờ khu vực tôi ở chưa từng xảy ra tình trạng mất trộm gốc hồng như thời gian gần đây” – bà Phương cho biết.

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn TP Đà Lạt xảy ra không dưới 10 vụ người dân bị mất trộm gốc hồng cổ… chủ yếu diễn ra tại địa bàn Phường 1, 2, 5… Trong số các vụ trộm, có gia đình mất nhiều cây hồng gần 30 năm tuổi, có giá trị 30 triệu đồng/gốc. Công an TP Đà Lạt nhận định, đây là loại trộm cắp tài sản mới xuất hiện trên địa bàn. Gốc hoa hồng bị mất trộm thường được các gia đình trồng làm cảnh, trang trí trước nhà và làm hàng rào cách đây hàng chục năm nên rất dễ dàng để kẻ trộm để ý.

Thông thường những gốc hồng có gốc lớn, được mua về để ghép với các loại hồng giống mới nhập ngoại, tạo thành thế dáng theo chủ ý của người chơi và bán lại với giá rất cao. Tuy nhiên, chủ sở hữu những gốc hoa hồng cổ này thường không hay biết giá trị thực của nó mà chỉ xem đó là loại hoa trang trí ở bờ rào trước cổng vào nhà. Lợi dụng điều này, kẻ trộm dễ dàng theo dõi và trộm hồng cổ dễ dàng hơn các loại tài sản khác.

Trộm có tổ chức

Trao đổi với Báo Lâm Đồng, thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Đội Điều tra tổng hợp – Công an TP Đà Lạt thông tin, liên quan đến nạn trộm gốc hoa hồng cổ, vào giữa tháng 7/2018, từ nguồn tin của quần chúng, Công an TP Đà Lạt đã vào cuộc điều tra, bắt giữ tại hiện trường 4 đối tượng đều ngụ tại TP Đà Lạt chuyên đào trộm gốc hoa hồng. Kết quả điều tra bước đầu xác định, tối ngày 15/7/2018, 4 thanh niên trên đã đột nhập vào gia đình ông Hồ Phước Đức (ngụ khu Hòn Bồ, Phường 12, TP Đà Lạt) để đào trộm hai gốc hoa hồng cổ Sa Pa nhiều năm tuổi. Ngoài ra, khám xét một điểm tại khu Nam Hồ, Công an TP Đà Lạt phát hiện thêm 15 gốc hoa hồng cổ khác đang được nhóm trộm này cất giấu tại đây. Bước đầu, 4 đối tượng khai nhận, những gốc hồng trên được đào trộm tại các điểm công cộng về chăm sóc cho nảy mầm rồi bán lại cho các điểm kinh doanh hoa cây cảnh trên địa bàn. Công an TP Đà Lạt đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 thanh niên trên để phục vụ công tác điều tra, làm rõ vụ án.

Theo ông Nguyễn Văn Thể, một người chơi cây cảnh lâu năm trên địa bàn TP Đà Lạt, do khí hậu thời tiết phù hợp, lạnh quanh năm nên người dân trồng các loại hồng Sa Pa, Pháp, Anh, New Zealand… phát triển tốt và hiếm nơi nào có số lượng hồng cổ lớn như tại Đà Lạt.

Đặc biệt là thời gian qua, cây hồng ghép giữa hồng cổ và hồng dại có giá trị từ 5 tới 10 triệu bán khá chạy. Các chủ vườn thường cần một lượng lớn thân hồng dại có gốc khỏe, bắt rễ nhanh và ghép với các mắt của hồng cổ Sa Pa, Hải Phòng, Pháp và các giống ngoại nhập khác nên có thể là nguyên nhân khiến nhiều đối tượng đi săn lùng, trộm của người dân về bán lại. “Hiện các cơ sở cây cảnh, lượng hồng cổ bán ra tăng mạnh, chủ yếu tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội… nên giá hồng cổ, hồng cổ ghép sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới” – ông Thể nhận xét.

C.Phong (Báo Lâm Đồng, 8/8/2018)