Trước kiến nghị của một số phụ huynh Trường Tiểu học Lộc Sơn 2 (phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) về việc nên dừng Mô hình trường học mới (VNEN) với lý do mô hình này đang bộc lộ một số khuyết điểm, phóng viên Báo Lâm Đồng đã ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc nên tiếp tục hay dừng mô hình VNEN.

Một lớp học theo Mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Lộc Sơn 2

Nhiều bất cập?

Chị Phạm Thị Lệ Hồng có con đang học lớp 2 tại Trường Tiểu học Lộc Sơn 2 chia sẻ: Sau 6 tuần con bắt đầu học theo mô hình trường học mới, tôi thấy có nhiều điều bất cập. Bất cập đầu tiên đó chính là sách mua rất khó khăn. Nếu phụ huynh mua trễ hoặc con làm mất sách trong quá trình học thì không có sách để mua. Không những vậy, giữa sách cũ và sách mới có độ chênh nhau về số trang và một số nội dung khiến các em cũng như phụ huynh gặp không ít khó khăn.

Cũng có con học lớp 2, chị Đinh Thị Mừng thì lại gặp những khó khăn khác. Chị Mừng chia sẻ: Theo chương trình VNEN thì các con mất nhiều thời gian hơn về học ứng dụng và người lớn cũng phải dành thời gian học cùng con. Trong khi đó, bản thân tôi và rất nhiều phụ huynh khác làm công việc lao động chân tay nên không đủ trình độ cũng như không có nhiều thời gian để theo sát con em mình. Chính vì vậy, việc học của các cháu bị ảnh hưởng rất nhiều. Nếu học theo chương trình cũ hiện hành thì tôi có thể hỗ trợ cho cháu được nhiều hơn.

Anh Phùng Trọng Hoàng là người có cả 3 con đang theo học tại Trường Tiểu học Lộc Sơn 2 với các lớp 2, 4, 5 đưa ra nhận định: Tham gia chương trình VNEN đòi hỏi thời gian tự học của các cháu nhiều. Do đó, đối với những cháu khá giỏi thì dễ theo kịp chương trình, còn những cháu yếu hơn thì rất khó hiểu bài. Ngoài ra, chương trình VNEN chỉ học 4 năm ở cấp tiểu học sau đó lên cấp 2 thì không tiếp tục nữa cũng làm điều khiến phụ huynh băn khoăn.

Chị Nguyễn Thị Thìn, Hội trưởng Hội Phụ huynh khối 2 cho biết: Để học theo chương trình VNEN thì mỗi lớp phân thành 5 hoặc 6 nhóm ngồi theo bàn hình chữ U. Tuy nhiên, do diện tích phòng học chật nên lối đi lại rất hẹp, rất khó đi. Nhiều cháu ngồi bàn phía trong phải leo qua cả bàn ghế mới ra ngoài được. Trước những bất cập trên, nhiều phụ huynh đã có kiến nghị gửi đến ban giám hiệu nhà trường đề xuất ngừng chương trình VNEN. Những phụ huynh này cũng đề xuất nhà trường nên lấy ý kiến của phụ huynh theo hình thức phiếu kín để xác định thực sự nguyện vọng của phụ huynh có cho con em tiếp tục tham gia học chương trình này hay không. “Bản thân tôi có con học lớp 2. Ngày nào cả 2 mẹ con đều vật lộn với chương trình, học 11 giờ đêm mới xong và ngày nào cũng như ngày nào cứ vào bài học là con tôi lại khóc vì không hiểu bài” – chị Thìn chia sẻ.

Hầu hết các phụ huynh đều có chung niềm băn khoăn là tại sao nhiều trường trên địa bàn TP Bảo Lộc, mà gần nhất là Trường Tiểu học Lộc Sơn 1, đã dừng Mô hình VNEN chỉ sau 1 năm áp dụng, còn Trường Tiểu học Lộc Sơn 2 vẫn tiếp tục duy trì?

Vẫn đang duy trì tốt?

Cô Trần Thị Đông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc Sơn 2, cho biết: Nhà trường áp dụng Mô hình VNEN từ năm học 2013 – 2014 với khối lớp 2 và đến nay, từ khối 2 đến khối 5 đều đã thực hiện mô hình này. Theo cô Đông, thực hiện VNEN thì nội dung chương trình không thay đổi mà chỉ thay đổi phương pháp giảng dạy. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức đánh giá, tổ chức các chuyên đề cấp thành phố, qua đó cho thấy chất lượng được đảm bảo tốt hơn, các em học sinh tự tin hơn trong giao tiếp, tự học theo hướng dẫn của giáo viên tốt hơn. Sau 7 năm triển khai thì chương trình vẫn đang duy trì tốt. Lý giải những thắc mắc của phụ huynh, cô Đông cho rằng cuối mỗi năm học, nhà trường đều tổ chức họp cha mẹ học sinh và yêu cầu giáo viên triển khai đến với những phụ huynh có con em bắt đầu lên lớp 2 về việc giảng dạy chương trình VNEN. Từ đó đến nay chưa có phụ huynh nào có bất cứ ý kiến gì. Còn về sách thì thay đổi hàng năm và giá một bộ sách lại cao hơn so với sách thông thường nên nhà trường vận động phụ huynh sử dụng lại sách cũ nên có độ chênh về hình thức, gây khó khăn cho học sinh cũng như cho nhà trường. Cô Đông khẳng định: “Nhà trường vẫn tiếp tục duy trì chương trình VNEN theo hướng cái gì tốt và có lợi cho học sinh thì thực hiện. Tuy nhiên, nếu để chuyển hẳn qua chương trình VNEN thì không làm được vì cơ sở vật chất chưa đáp ứng.

Ông Phan Xuân An, Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lộc Sơn 2, cho biết: Sau khi nghe ý kiến kiến nghị của một số phụ huynh, Hội ghi nhận để đến cuộc họp cuối năm nay sẽ xin ý kiến tổng thể của tất cả cha mẹ học sinh về việc nên tiếp tục hay dừng lại chương trình VNEN.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Bảo Lộc cho biết: Từ năm học 2012-2013, sau 1 năm Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm chương trình VNEN thì Bảo Lộc cũng áp dụng chương trình này. Trường Tiểu học Lê Quý Đôn là trường đầu tiên thực hiện thí điểm. Sau một thời gian triển khai, nhiều trường trên địa bàn TP đã ngừng chương trình này chủ yếu vì lý do không đảm bảo về cơ sở vật chất. Đến nay, còn 12/26 trường tiểu học thực hiện chương trình VNEN với 77 lớp từ lớp 2 đến lớp 5. Cái khó khi thực hiện chương trình VNEN chính là yêu cầu về cơ sở vật chất, phải đảm bảo mỗi lớp 1 phòng và sĩ số không quá 30 em. Thế nhưng, trên thực tế, hiện tại các trường áp dụng VNEN đều có sĩ số từ 35 em/lớp trở lên. “Bất kỳ mô hình nào cũng có hai mặt và Bộ Giáo dục và Đào tạo khi tổng kết cũng đã khẳng định chương trình VNEN triển khai còn nóng vội, hiệu quả chưa cao vì làm ồ ạt, không làm trúng đích. Do đó, Bộ không yêu cầu tất cả các trường thực hiện mà giao cho các trường có đủ điều kiện thực hiện cho phù hợp. Trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo Bảo Lộc tiếp tục duy trì thực hiện chương trình VNEN theo chỉ đạo của cấp trên đối với những đơn vị trường học có đủ điều kiện thực hiện và thực hiện có hiệu quả. Riêng đối với ý kiến của phụ huynh Trường Tiểu học Lộc Sơn 2, Phòng sẽ xem đây là những ý kiến tương tác để cùng nhau nhìn nhận lại chương trình VNEN. Tuy nhiên, đây chỉ là nhóm số ít phụ huynh nên nếu các phụ huynh vẫn kiên quyết không muốn cho con mình học chương trình VNEN thì sẽ tạo điều kiện để chuyển trường cho con em mình” – ông Hữu cho biết thêm.

Cô Trần Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, cho biết: Trong 3 năm đầu nhà trường được sự tài trợ của Ngân hàng thế giới để triển khai chương trình VNEN nên cũng có những thuận lợi bước đầu. Bên cạnh đó, thuận lợi của nhà trường là quy mô trường nhỏ chỉ với 10 lớp, sự đồng thuận của phụ huynh cao và đội ngũ giáo viên mạnh dạn đổi mới. Khi học xong cấp 1, các em lại tiếp tục được học chương trình VNEN tại Trường THCS Phan Chu Trinh trên cùng địa bàn. Chương trình VNEN có nhiều ưu điểm như: Nội dung không thay đổi nhưng đã lược bỏ được tất cả những kiến thức hàn lâm, cô đọng những thức kiến thức cơ bản. Khi tham gia chương trình này, nhiều em học sinh rụt rè, ít nói, thụ động đã trở nên mạnh dạn theo thời gian. Tuy nhiên, đối với những trường có số học sinh mỗi lớp quá đông, giáo viên không bao quát hết thì sẽ bộc lộ những yếu kém và cơ sở vật chất không được đảm bảo cũng là một trở ngại lớn. Theo cô Hiền, đối với những trường đang thực hiện chương trình VNEN thì nên tiếp tục duy trì để dễ dàng bắt nhịp với Chương trình phổ thông năm 2018 sẽ được áp dụng đối với học sinh lớp 1 từ năm học tới. Bởi lẽ, 80% chương trình này giống với chương trình VNEN nên các trường đang theo chương trình VNEN sẽ có những thuận lợi hơn.

Đông Anh (Báo Lâm Đồng, 17/10/2019)