Tỉnh Lâm Đồng vừa phát hiện ổ dịch tả lợn Châu phi đầu tiên tại thôn An Bình, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng và đang tích cực triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch.

Sáng ngày 25/6, đại diện UBND huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, đơn vị vừa phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tại địa phương.

Cụ thể, ổ dịch này xuất hiện từ hai trang trại chăn nuôi của gia đình bà Nguyễn Thị Phượng và ông Nguyễn Lượng (thôn An Bình, xã Liên Hiệp) với tổng đàn của hai hộ khoảng 1.840 con. Tính đến sáng ngày 25/6 địa phương đã tiến hành tiêu hủy 16 con heo mẹ mắc bệnh.

Lực lượng chức năng tiến hành cân để tiêu hủy lợn mắc bệnh.

Ông Lê Nguyên Hoàng – Phó chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết: ” Ngày 21/6, sau khi tiếp nhận tin báo có heo của hai hộ gia đình trên bị chết, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Nông nghiệp huyện phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, hướng dẫn tiêu hủy số lượng heo chết. Bên cạnh đó, địa phương đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm gửi cơ quan chức năng xét nghiệm xác định nguyên nhân heo bị chết. Đến chiều ngày 22/6, Chi cục Thú y vùng V có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn Châu Phi”.

Huyện Đức Trọng đang thử nghiệm phương pháp tiêu hủy lợn dịch bằng cách đốt.

Ngay sau đó, UBND huyện Đức Trọng đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn nhằm huy động toàn bộ hệ thống chính trị tại địa phương trong công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện, trọng tâm là địa bàn xã Liên Hiệp.

Hiện nay, địa phương đang thực hiện các bước tiêu độc, khử trùng cho hai trang trại lợn phát hiện dịch. Song song với đó hai chốt kiểm dịch động vật tại điểm đầu xã (thôn An Hiệp) và điểm cuối xã (thôn An Tĩnh) nằm trên quốc lộ 27 cũng được tăng cường giám sát.

Các chốt kiểm dịch động vật được tăng cường hoạt động, túc trực ngày đêm.

Đức Trọng được xem là huyện có số đàn lợn lớn nhất tỉnh với khoảng 92.000 con, trong đó chăn nuôi trang trại có 91 hộ với 59.500 con. Như vậy, tính đến sáng ngày 25/6, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở 60/63 tỉnh thành trên cả nước. 

Văn Long (Báo Dân Việt, 25/06/2019)