Ngay sau khi ông chủ của Sky Mining, công ty tiền ảo lớn nhất tại Việt Nam được cho là đã bỏ trốn sang nước ngoài, hàng ngàn nhà đầu tư, trong đó có không ít người dân tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang đứng trước nguy cơ mất “cả chì lẫn chài”.

Trước đó vào đầu tháng 6/2018, Báo Lâm Đồng đã phản ánh thực trạng nhiều người dân trên địa bàn tỉnh gần như “mất trắng” vì đầu tư vào đồng tiền ảo khác nhau trên mạng Internet từ cuối năm 2017 và đầu năm 2018. Vậy nhưng, câu chuyện buồn là không ít nông dân tiếp tục “sập bẫy” mua máy đào tiền ảo, một loại biến tướng đầu tư đa cấp tinh vi.

Đầu tư vào máy đào của Công ty Sky Mining khiến cả ngàn nhà đầu tư, trong đó có nhiều người nông dân có nguy cơ mất trắng. Ảnh: C.P

Lao đầu vào “vết xe đổ”

Việc ông Lê Minh Tâm, Tổng Giám đốc Sky Mining (hay còn gọi là HTX Bầu trời công nghệ) đột ngột “biến mất” không lời giải thích, trong khi cơ sở đặt máy đào Bitconin tại TP Hồ Chí Minh cũng bị dọn đi đâu không rõ, làm cả trăm người “mất ăn mất ngủ”. Ông Đoàn Văn Duy, một người dân đầu tư “trâu cày” gần 300 triệu đồng vào hệ thống Sky Mining (ngụ xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh) buồn bã cho biết, hiện trên các group kín về tiền ảo trong Facebook, Zalo, các nhà đầu tư đã không thể liên lạc được với ông Tâm, đặc biệt là việc rút tiền lãi hơn 2 tuần qua (bắt đầu từ ngày 26/7).

“Buồn và xấu hổ với mọi người quá. Năm trước (cuối năm 2017), tôi chơi Bitconnect coin (gọi tắt BCC) mất gần 200 triệu, nên hai tháng trước muốn gỡ lại tôi đã bấm bụng đầu tư mua máy đào Bitcoin vì nghĩ an toàn hơn, nhưng nói thật giờ tôi đã gần như mất hết hi vọng” – ông Duy cho biết và chia sẻ thêm đã bỏ 280 triệu đồng vào Sky Mining, trong khi mới nhận được lãi trả từ công ty được đúng 20 triệu đồng.

Tương tự như ông Duy, theo ông T.D.H ngụ tại xã Lộc Đức (huyện Bảo Lâm), tháng 2/2018, ông được một người quen tên Sinh giới thiệu Sky Mining là tổ chức khai thác tiền ảo lớn nhất Việt Nam (website của công ty này là www.skymining.world).

Hệ thống này yêu cầu người đầu tư chuyển tiền để mua máy đào với giá thấp nhất là 1.000 USD, tương đương với 1 ví, sau 1 tháng có thể lấy lại được vốn. Trường hợp đầu tư trong vòng 1 năm, mức vốn và lời được hệ thống chi trả lên tới 300%. Sau khi đóng tiền theo gói và ví như trên, công ty sẽ xuất máy cho người mua và sau đó người mua ký gửi máy cho cơ sở của công ty dưới TP Hồ Chí Minh có địa chỉ cụ thể để nhà đầu tư an tâm, bắt đầu việc đào tiền ảo (coin).

“Họ hứa sau 15 – 18 tháng, khi hoàn thành chu kỳ lợi nhuận 300% so với gói đào ban đầu, chúng tôi sẽ trả máy lại cho Sky Mining. Tôi được chỉ dẫn như vậy nhưng cũng đầu tư tiền thông qua anh Sinh. Khi biết được thông tin giám đốc bỏ trốn thì mới lãnh được vỏn vẹn 17 triệu tiền lãi trên tổng vốn bỏ ra gần 150 triệu đồng” – ông H. tiết lộ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ông Duy, ông H. không phải là những người duy nhất lỗ nặng khi đầu tư vào máy đào của Sky Mining. Mặc dù gần như không rành về mạng Internet, thậm chí có người còn mù chữ, nhưng điểm chung là người dân tại đây đã nghe theo một số người trong xã nói có thể thu lãi gấp 2-3 lần số tiền bỏ ra trong thời gian ngắn, nên không ngần ngại bán nông sản, vay nợ để đưa cho “người quen” đầu tư vào các gói tiền ảo.

Theo một lãnh đạo huyện Bảo Lâm, UBND huyện từ đầu năm 2018 đã chỉ đạo Công an huyện nắm bắt tình hình, tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới người dân trên địa bàn các xã về nguy cơ từ các mô hình tiền ảo biến tướng theo kiểu kinh doanh đa cấp.

“Tại xã Lộc Đức và rải rác các xã chúng tôi có nắm bắt một số người dân chơi tiền ảo cuối năm 2017, đầu năm 2018 nhưng chưa xảy ra vấn đề phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Riêng về thông tin hệ thống Sky Mining, giám đốc bỏ trốn gần đây khiến nhiều người chơi vỡ nợ, chúng tôi sẽ cho rà soát trên địa bàn số người dân đầu tư vào loại hình này để có kế hoạch tuyên truyền, cảnh báo phù hợp” – vị lãnh đạo huyện Bảo Lâm cho biết.

Trong khi đó, Công an huyện Di Linh nhận định: Rất khó khăn để thống kê số lượng các nhà đầu tư (người chơi) “máy cày” vào Công ty Sky Mining trên địa bàn vì gần như người dân vỡ nợ đều không trình báo tới chính quyền, công an xã vì họ biết không có bất kỳ văn bản, giấy tờ pháp lý nào chứng minh việc mua bán. Trường hợp người dân mua máy đào theo hợp đồng, một cán bộ Công an huyện cho biết, khi giám đốc công ty có dấu hiệu bỏ trốn, tẩu tán tài sản nhà đầu tư cần làm đơn tới Cơ quan công an, nơi công ty đăng ký kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh để được giải quyết theo quy định pháp luật.

Còn chơi thì còn mất trắng

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào đầu tháng 6 mới đây, trả lời các câu hỏi lo ngại về đồng tiền ảo gây ảnh hưởng tới nhiều người dân của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định hiện nay luật pháp Việt Nam chưa cho phép lưu hành tiền ảo dưới mọi hình thức tại Việt Nam. Phó Thủ tướng cho biết khi có thông tin liên quan đến việc nhiều người dân mua máy về đào Bitcoin, xảy ra nhiều vụ việc phức tạp, xuất hiện thẻ cào để thanh toán trên mạng, tiền ảo biến tướng kinh doanh đa cấp,…đặc biệt là vụ 32.000 người nghi bị lừa thông qua mô hình đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin với số tiền lên tới 15.000 tỷ đồng mà Bộ Công an đã khởi tố; Thủ tướng đã kịp thời có chỉ đạo, ban hành đề án giao Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, bộ, ngành liên quan nghiên cứu khuôn khổ quản lý tiền ảo.

Tuy nhiên, tình trạng nhập máy đào Bitcoin vẫn còn sôi động. Theo số liệu từ Bộ Tài chính là 15.600 máy được nhập về từ năm ngoái cho đến nay, trong đó nhập về Hà Nội 6.000 máy, TPHCM là hơn 9.000, còn lại là Đà Nẵng. Hiện, Bộ Tài chính đã có đề xuất dừng nhập những loại máy này, song cũng cần phải xem xét kỹ thêm cơ sở pháp lý.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, khi đồng tiền ảo Bitcoin mất giá, việc đào Bitcoin sẽ không còn đủ chi phí để trang trải, dẫn đến việc các chủ công ty máy đào bỏ trốn cũng là điều hiển nhiên. Trên thực tế, Sky Mining không phải là vụ việc duy nhất mới đây mà đã có nhiều hình thức biến tướng sụp đổ như: ifan “bốc hơi” cùng 15.000 tỷ đồng, VNcoin với hàng nghìn tỷ đồng hay AOC, 3M, Questra.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định, từ trước đến nay, chưa có đồng tiền nào trên thế giới mất giá nhanh như đồng Bitcoin. Tiền ảo biến mất, sàn giao dịch bỏ trốn, chỉ còn người đầu tư phải gánh chịu mọi hậu quả. Ngoài những vụ việc đã được lên tiếng, hiện còn có nhiều hoạt động biến tướng tiền ảo bằng nhiều phiên bản khác nhau mà giai đoạn đầu đã có dấu hiệu lừa đảo.

Nhiều chuyên gia tài chính đều khẳng định, trong khi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chưa đưa ra được khung pháp lý chi tiết về tiền ảo, các công ty kinh doanh biến tướng thành mô hình đa cấp tinh vi thì người chơi chịu rủi ro rất cao, thậm chí nhiều đồng tiền ảo người dân còn chơi thì còn “mất trắng”.

C.Phong (Báo Lâm Đồng, 9/8/2018)