Nhiều năm qua, người dân ở thôn Nghĩa Hiệp 1, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng hằng ngày phải chịu sự “tra tấn” từ mùi hôi thối, sống trong ô nhiễm do bãi rác của huyện gây ra.

Theo ghi nhận của PV Môi trường và Đô thị VN điện tử, bãi rác Ka Đô nằm giữa cánh đồng xanh mướt hoa màu, cách khu dân cư khoảng 500m. Bãi rác lộ thiên này rộng khoảng 8ha, nằm cạnh nghĩa trang Ka Đô, ruồi muỗi bay vo ve, bao bì ni lông vương vãi khắp nơi.

Tại đây, có chứa đầy đủ các loại rác, chất thành “núi”, có khu vực chỉ được chôn lấp một cách sơ sài. Dù PV đứng cách xa đến vài trăm mét nhưng mùi hôi thối nồng nặc xộc thẳng vào mũi, theo gió đưa đẩy đến khắp vùng khiến không khí thực sự rất ngột ngạt.

Lối vào bãi rác Ka Đô.

Một người dân thôn Nghĩa Hiệp 1 bức xúc cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấptrên nhưng không ai giải quyết. Người dân cần bầu không khí trong lành, cần môi trường sạch sẽ để còn làm việc. Mang tiếng là huyện nông thôn mới nhưng không có ni một nhà máy xử lý rác. Rác thải cả huyện chở thẳng về đây đổ lung tung, không xử lý gì hết. Tại sao chúng tôi phải sống trong cảnh ô nhiễm từ nơi chứa chất thải của cả huyện gây ra? Liệu có công bằng cho chúng tôi?”.

“Trời đang nắng, chỉ cần có một cơn mưa, hay một cơn gió thoảng qua là cả xóm khỏi phải ăn cơm. Ruồi muỗi bay khắp nơi. Nhà lúc nào cũng phải đóng kín cửa. Họ hàng từ xa đến chơi, mặc dù nhà cửa rộng rãi nhưng cũng phải ra nhà ngh ngủ qua đêm, hôi quá mà”, người này tiếp tục kể về những khó khăn mà bãi rác gây ra cho gia đình.

Cũng chịu cảnh khổ sở tương tự, ông Đ. làm vườn bên cạnh bãi rác than vãn: “Anh thấy đó, rác chất cao như núi, mùi từ đó bốc ra, nói chuyện còn không dám tháo khẩu trang. Nhiều khi làm vườn mệt mỏi, muốn nghỉ trưa một tý phải trùm kín mền (chăn) không phải vì lạnh mà để chống muỗi và mùi hôi. Thuê người về làm chỉ được vài ngày là họ bỏ đi, hôi thối quá họ không chịu được”.

Các hố sâu được đào lên bên trong bãi rác nhằm chôn lắp rác thải một cách sơ sài.

Người dân cho biết, hàng ngày có hàng trăm xe rác từ khắp các vùng chở rác về đây tập kết. Rác lâu ngày ứ đọng chất đống thì đốt, mùi hôi thối, khét lẹt bủa vây những hộ dân sống xung quanh. Đã có trường hợp, người dân sống gần bãi rác phải bán nhà chuyển đi chổ khác sinh sống vì không chịu nổi ô nhiễm.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Tùng Châu, trưởng thôn Nghĩa Hiệp 1 cho biết: Khoảng 60 hộ dân thuộc thôn Nghĩa Hiệp 1 hằng ngày đang phải đối mặt với ô nhiễm từ bãi rác của huyện gây ra. Nhiều năm nay, rác khắp nơi cứ chở đến đấy vứt lung tung. Trong các cuộc họp, dân rất bức xúc, phản ánh bãi rác dữ lắm. Tôi có nghe bên chính quyền và công ty Môi Trường Xanh (chủ đầu tư dự án xây dựng tổ hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Ka Đô) nói là ngày 4/12 sẽ động thổ khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác, nhưng đến giờ này đâu có thấy gì đâu. Tôi chỉ hy vọng họ làm đúng như họ nói để người dân đỡ khổ, chứ bãi rác ấy ám ảnh người dân lâu rồi”.

Trao đổi với phóng viên, bà Ngô Thị Thanh Ca (cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) cho biết: Bãi rác Ka Đô đã có từ lâu, rác từ mọi nơi trong huyện đưa về đây, chôn lấp tự nhiên. Rác đổ xuống các hố trong bãi, được đốt bớt để giảm thể tích trước khi lấp đất.

Rác thải chất cao như núi, lâu ngày dồn ứ thành đống rồi đốt.

UBND huyện Đơn Dương đang triển khai dự án đầu tư xây dựng tổ hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, với nguồn vốn cố định đầu tư hơn 43 tỷ đồng, diện tích xây dựng gần 10ha, công suất hoạt động giai đoạn 1 xử lý từ 50 tấn đến 150 tấn rác mỗi ngày. Dự kiến đến cuối năm 2019 nhà máy xử lý rác đi vào hoạt động chính thức. Công ty TNHH Công nghệ Môi Trường Xanh Đà Lạt được chọn làm chủ đầu tư dự án.

“Chủ đầu tư đang trong quá trình triển khai các bước để xây dựng nhà máy xử lý rác. Nguồn kinh phí do UBND tỉnh cấp nên phải theo từng giai đoạn. Chúng tôi cũng mong muốn nhà máy xử lý rác sớm đưa vào sử dụng để người dân đỡ chịu cảnh ô nhiễm”, bà Ca nói.

Huyện Đơn Dương được công nhận là huyện nông thôn mới thứ 6 của cả nước và đầu tiên ở Tây Nguyên. Là đơn vị về đích từ cuối năm 2015, với 7/8 xã trong toàn huyện được công nhận xã nông thôn mới. Để làm được điều đó, huyện Đơn Dương phải đáp ứng được 19 tiêu chí theo Quyết định số 491/QĐ-TTg về việc ban hành bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký ngày 16/4/2009, trong đó có tiêu chí 17 về môi trường.

Đầy đủ các loại rác.

Là một địa phương đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới, được xem như cánh chim đầu đàn cho các địa phương khác ở Tây Nguyên noi theo, nhưng vấn đề vệ sinh môi trường tại khu vực bãi rác Ka Đô đang ở tình trạng báo động. Nếu tình trạng này không giải quyết dứt điểm, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới.

Môi trường và Đô thị VN điện tử sẽ tiếp tục sự việc.

Hoàng Bình (Theo Môi Trường & Đô Thị, 15/01/2019)