Kìa, Làng cùi Di Linh vẫn cứ như xưa nay. Vẫn treo cả “tiểu đô thị” ấy trên núi đồi, nương theo núi đồi, giữa mùa khô này hay mùa mưa vừa qua, và như bao mưa mưa-khô cũ mòn ở cao nguyên Di Linh…

Trên đất nước Việt Nam, làng mạc, phố thị được hình thành từ hạ lưu các dòng sông châu thổ đến làng mạc ven biển, núi non. Đặc điểm bất thuận của địa hình nhiều khi là lợi thế để tổ chức dân cư, sáng tạo nên những làng, khu phố độc đáo, có hồn, mang bản sắc riêng cho xứ sở. Ta có thể nhìn thấy điều ấy từ thí dụ dưới đây, và lạ hơn ở đó không chỉ là nghệ thuật kiến trúc…

Làng cùi Di Linh
Làng cùi Di Linh

Kìa, Làng cùi Di Linh vẫn cứ như xưa nay. Vẫn treo cả “tiểu đô thị” ấy trên núi đồi, nương theo núi đồi, giữa mùa khô này hay mùa mưa vừa qua, và như bao mưa mưa-khô cũ mòn ở cao nguyên Di Linh trước nữa. Nhiều nóc nhà rải ra, nhấp nhô trên nhiều cung bậc của khu đồi rộng chừng bốn chục hécta thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Không hể có sự san bằng hay cải biến địa hình nào ở đây cả.

Dựa vào thế đất tự nhiên để cấy nhà, cất nhà, nên những mái nhà như những tổ chim treo trên vách núi. Kiến trúc mượt mà, nhấn nhá, cây cối êm ái, tràn đầy sắc màu của hoa. Sự tinh tế và sạch sẽ cứ thế uốn lượn quanh những con đường, lối đi. Những tổ nhà nhỏ nhắn cho những tiểu gia đình, với thứ kiến trúc đặc sắc riêng là sự biến tấu sâu sắc khi hòa trộn giữa kiến trúc biệt thự kiểu Pháp với nhà sàn của sắc dân K’ho Sêré của cao nguyên Di Linh.

Ở chỗ khác nữa, là những khối nhà cho nhóm những người bệnh cùi đã giảm tịnh dưỡng. Ngay khu khám chữa bệnh, khu phục hồi thể hình cho bệnh nhân, rồi trường mẫu giáo, nhà ăn cũng chen trong thảo mộc, và cứ lửng lơ giữa núi non. Và cái giáo đường, nà nguyện nhỏ với tháp chuông thô mộc là nơi cho cư dân của làng sinh hoạt tâm linh điểm thêm một dấu nhấn thanh tao. Còn ven các sườn đồi, quanh các mái nhà là những mảnh vườn cà phê nho nhỏ rải ra đây đó đang vào mùa trái chín, với khá nhiều dân của làng đang canh tác, lao động để kiềm sống và rèn dưỡng sức khỏe.

Đến cái nghĩa trang riêng của làng cũng từ tốn ấm áp trong hình dáng, kiến trúc mộ phần, khéo léo trong bố trí. Nghĩa rằng, Làng cùi này là một không gian sống và chết tách biệt, lẻ loi với cộng đồng chung của chúng ta. Tất cả, là một bản giao hưởng của sống và chết, của tình yêu thương, sự lắng nghe, sẻ chia, sóng ngầm và êm ả dưới bóng trời đất này. Vì như thấy ngay ngay trước mắt đây, cư dân của làng đi lại thong dong, an nhiên, cầm rau, cầm gạo, vác cuốc, gùi, xà gạt…

Trên những khoảng sân có những ông lão, bà cụ đang ngồi, và đây đó dăm ba người phụ nữ đang cho lũ trẻ ăn cạnh cầu thang. Và trong những căn nhà trên đỉnh đồi cao hơn, người bệnh thì đang được chẩn trị, thuốc men, băng bó. Toàn bộ tinh thần của không gian này là bay lên chứ không chùng xuống như số phận người cùi, nét vui tươi, an lạc tràn đầy. Đạt đến tầm tư tường này là điều khó trong kiến trúc.

Không gian sống cho những người hẩm hiu, bé mọn, cùng đường, tận đáy cõi người mà chất lượng cứ như “đô thị” cho giới thượng lưu nhiều tiền ở Sài Gòn, Hà Nội ngày nay.

***

Người gần xa trong nước lâu nay vẫn cứ gọi là “Trại cùi” Di Linh, dù gần đây người ta đã treo bảng nơi chân đồi là “Trung tâm điều trị phong Di Linh”. Tên “Trại cùi” giờ đã hóa thân thương, không còn câu nệ ý nghĩa nữa rồi, cứ gọi thế, như một kỷ niệm chưa chết, bởi người bình thường nào rành xứ Di Linh mà không từng muốn ghé đây chơi, vãn cảnh, và đôi trai gái nào ở thị trấn huyện lỵ Di Linh bây giờ ngày cưới nhau không đưa vào không gian tuyệt mỹ này để chụp ảnh Làng cùi này như bài thơ kiến trúc hoàn hảo. Rằng, nó có kịch bản, qui hoạch ngay từ đầu, và những nhát cuốc thi công đầu tiên đã tuân theo mục tiêu bài bản, mực thước, tử tế đó.

Một góc Làng cùi Di Linh
Một góc Làng cùi Di Linh

Nghĩa là nó có sự “tổ chức không gian”, tồ chức đô thị. Nó là một khu đô thị, như ngày nay ta hay gọi. Khu đô thị giữa rừng hoang, nó “hoang” đúng bản chất mà lúc ban đầu ấy trên bản đồ người Pháp chỉ ghi: “Đất hoang, bộ lạc Mọi”, và hiện trạng cư dân ở đây còn ghi nhận là “Những người Mọi không nói tiếng Việt; Chữ của họ chưa được nghiên cứu”. 1927, nó, Trại cùi/làng cùi Di Linh này ra đời, buổi mà đường lên cao nguyên còn hoang sơ, cách trở, vật liệu xây dựng và điều kiện thi công cực thiếu, khó, và con người còn trong gian khổ.

Vị thừa sai, linh mục Gioan Cassaigne chính là cha đẻ, “Kiến trúc sư trưởng” của cái làng côi cút vô danh này(Sau này nó được “nổi danh” là vì… “người cùi” ở trong đây, chứ nào ai để ý đến kiến trúc và giá trị kiến trúc của nó làm gì!), và là người sáng lập ra làng. Những dòng chữ ghi lại ký ức nay lưu lại ở Làng cùi về sự khởi đầu khốn khó về việc người linh mục thừa sai nói trên, Gioan Cassaigne, người Pháp, lưu lạc phương Đông vừa làm qui hoạch, thiết kế, tổ chức xây dựng, vừa làm luôn việc thợ mộc, thợ xây, thầy giáo, thầy thuốc, nông dân, đầu bếp… để hình thành nên “chỏm phố” này.

Dĩ nhiên, bên cạnh ông còn có sự trợ giúp sức lực từ những nhân công là người Mọi bị cùi. Hành trình kiến trúc của làng đi từ những nhà bằng tranh ban đầu, rồi xây dần, xây dần, vẫn kiên trì bám theo một kịch bản kiến tạo ban đầu, theo từng bước tìm kiếm được vật liệu lâu bền xi măng, sắt thép, để rồi hoàn hảo thấy được từ tám mươi năm qua. Nên công trình này mang một ý nghĩa kiến trúc lẫn cuộc đời, đậm đặc nhân văn. Bởi thế mà từ những thập niên 40 của thế kỷ trước, hình ảnh làng cùi Di Linh này đã xuất hiện trên các tờ báo lớn bên Pháp là dễ hiểu mà.

***

Nhờ tinh thần xác lập rõ cho làng là AMOR et CARITAS (Tình yêu và Bác ái) mà Làng cùi này bền bỉ ở cốt cách và băng qua mãi thời gian. Lại nhớ thêm, giữa những năm ba mươi ấy, tại một hội nghị ở Đà Lạt, chính vị tu sĩ Gioan Cassaigne (để cho thân thiện ông còn lấy tên Việt là “Sanh”, nên mọi người hay gọi ông ta là đức cha Sanh) này đã đề nghị mọi người từ nay gọi (và dùng từ) “người Thượng” chứ không được gọi là “người Mọi”- chỉ các sắc dân còn sống kiểu bộ lạc, mông muội ở cao nguyên nữa. Ông không muốn ai miệt thị những cộng đồng lạc hậu, mà ở đây là những người K’ho Sêré.

Rằng đó là những năm tháng mà ở trên vùng sơn nguyên Di Linh này, trong cộng đồng các sắc tộc bản địa bệnh nặng gì cũng đổ cho ma, gọi là “Ó ma lai”. Bệnh hủi, cùi với sự bòn mòn, lở loét cơ thể đến kỳ quái thì càng qui về cho ma, ma phá, “thành Ma”.

Nội thất một căn phòng
Nội thất một căn phòng

Cái Làng cùi này giờ vẫn thầm lặng, cơ bản vẫn tách biệt, khác thế giới nhiều màu ngoài kia. Tôi gọi nơi của nó là ngọn đồi đau thương mà “nổi tiếng”. Có gì đâu, bởi nó là nơi quần tụ và thấu hiểu người cùi và bệnh cùi suốt gần thế kỷ nay ở miền Nam này, nơi dung nạp sớm nhất trên lãnh thổ VN người cùi hủi. Nó thách thức những nhà làm đô thị ngày nay, về sự tinh tế và tính khoa học, nề nếp, cứ luôn hơn bất cứ con phố chốn thị thành nào được thiết kế và quản trị tốt nhất bây giờ. Vì nó hình thành trên sự khốn khó, ít tiền, tiết kiệm, mà vẫn cứ tử tế đến tận cùng. Nhưng dù đẹp về không gian, kiến trúc nó vẫn cứ cô đơn. Nó cô đơn, như chiều sâu bên trong của dân làng ở đây, cho dù họ có ở mọi lứa tuổi, ấu, nhi, bô lão, nam, nữ, thanh niên, và có những gia đình đã trải qua đến ba bốn thế hệ chung sống và ra đời.

***

Đã qua nhiều thành phố, khu phố, con phổ, đường phố cổ xưa, đến thành phố, khu phố, con phố tân thời, nhưng bao giờ quay về nhìn lại “phố người cùi” này, tôi vẫn thấy nó tử tế tuyệt đối, cho nhiều suy nghĩ về vai trò của kiến thiết, tổ chức không gian sống, không gian tồn tại cho con người. Hình như nó đã vượt qua kiến trúc, nó tích hợp nhiều cung bậc cảm xúc cùng những giá trị khác nữa ở cõi người chúng ta. Thì như giai điệu về người sáng lập ra làng đã chết ngay tại ngôi làng này, chết vì bị cùi do những người cùi ông mang từ xó núi xó rừng về để chữa trị lây sang cho ông, và phần mộ ông giờ vẫn ở đây nè.

Nguyễn Hàng Tình (Kiến thức gia đình số 20)