Ðam Rông được đầu tư các công trình nước sinh hoạt với nhiều tỷ đồng, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã xuống cấp, hư hỏng, bỏ hoang, trong khi người dân luôn đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, nhất là vào mùa nắng.

Công trình hồ lắng nước tự chảy của xã Đạ Long đã xuống cấp, dù nguồn nước dồi dào nhưng không thể cung cấp nước cho người dân. Ảnh: H. Y
Công trình hồ lắng nước tự chảy của xã Đạ Long đã xuống cấp, dù nguồn nước dồi dào nhưng không thể cung cấp nước cho người dân. Ảnh: H. Y

Theo chân cán bộ xã Đạ Long, chúng tôi đến thôn 3, một trong những thôn khan hiếm nước của xã. Người dân ở đây cho biết, công trình nước sinh hoạt thôn 3 xã Đạ Long được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2001, tổng mức đầu tư 708 triệu đồng, công suất thiết kế 178 hộ. Đầu mối lấy nước của công trình nằm tại công trình thủy lợi tiểu khu 72 và dưới khu sản xuất nên chất lượng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Do công trình được đầu tư xây dựng từ lâu, hiện nay công trình đã hư hỏng hoàn toàn không hoạt động được.

Hằng ngày ông Liêng Hót Ha Ly thôn 3, xã Đạ Long, vẫn phải đi bộ hàng cây số lấy nước về ăn uống, tắm giặt. Ông Ly cho biết cách đây khoảng 15 năm, Nhà nước đầu tư xây dựng cho thôn công trình nước sinh hoạt khi công trình nước sạch tự chảy hoàn thành đưa vào sử dụng, bà con phấn khởi lắm bởi cả ngàn đời nay mới có dòng nước mát lành về tận thôn. Nhưng khi công trình vừa hoàn thành, bàn giao cho thôn quản lý đã thấy hư hỏng, bỏ hoang từ đó đến nay.

Ông Ly bức xúc vì ở ngay cạnh bể nước mà người dân vẫn phải sống trong cảnh thiếu nước: “Nói cho đúng là thế này, khi họ đang thi công, đang làm thì nước dẫn về nhiều nhưng khi họ làm xong đi về không hiểu sao nước cũng chảy theo về luôn. Đường ống thì không hư nhưng mà tự nhiên tắt nước, không biết như thế nào”.

Sau nhiều năm chờ đợi chính quyền sửa chữa, nhiều người tự bỏ ra hàng triệu đồng thuê nhân công đào giếng tìm nguồn nước sạch. Anh Kră Jăn Ha Lương cho hay giếng ở khu vực này phải đào sâu 9-10 mét mới có nước, nhưng cứ đào đến nơi thì lại sập. Mấy năm nay anh Lương thuê người đào giếng ở nhiều nơi đều không có nước, phải đi xa lấy nước về dùng. Vào mùa mưa còn đỡ, đến mùa khô, phải dậy từ 3, 4 giờ sáng, lội bộ cả cây số lên núi xếp hàng, may ra lấy được 2 can nước mang về dùng. Anh Lương than thở hôm nào đi muộn, đành trở về tay không.

Những năm qua, từ nguồn vốn của Chương trình 135, 30a và các chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, huyện Đam Rông được đầu tư 15 công trình nước sinh hoạt và 1.000 giếng đào cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 35.093 người dân, chiếm tỷ lệ 68,25% người dân toàn huyện sử dụng hợp vệ sinh; trong 15 công trình nước sinh hoạt có 5 công trình được Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh đầu tư xây dựng và bàn giao cho địa phương quản lý vận hành. Thế nhưng, các công trình khi đưa vào sử dụng đã xuống cấp, trong khi đó, kinh phí để duy tu, sửa chữa các công trình này đang là một vấn đề nan giải đối với chính quyền địa phương.

Ông Lơ Mu Ha Póh – Chủ tịch UBND xã Đạ Long cho biết, toàn xã hiện có 2 công trình nước sinh hoạt thì cả 2 đều bị hư hỏng, xuống cấp không còn sử dụng được nữa. Nguyên nhân chính dẫn đến các công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng, ngoài nguồn nước đầu nguồn bị cạn kiệt, công tác duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức, thì còn do ý thức của người dân trong vấn đề khai thác và sử dụng còn kém.

Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông cho biết: “Tình trạng công trình nước sạch tự chảy không ai quản lý, khi hư hỏng nhỏ không ai sửa chữa, khắc phục, dẫn đến công trình nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 15 công trình nước tự chảy nhưng đã có 8/15 công trình xuống cấp không thể hoạt động được nữa. Một phần là do ý thức bảo vệ của người dân chưa cao, trong khi vai trò quản lý của chính quyền địa phương chưa được thực hiện. Cụ thể, lúc bàn giao công trình cho chính quyền địa phương quản lý đều có cam kết thu tiền nước của dân phục vụ cho công tác duy tu, bảo dưỡng nhưng do không có năng lực quản lý, hầu hết các xã đều không thực hiện việc thu tiền, nên khi xảy ra hư hỏng không có kinh phí sửa chữa. Thời gian qua, đã có nhiều văn bản kiến nghị sửa chữa, khắc phục công trình nước sạch tự chảy phục vụ bà con các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ thì tình trạng các công trình nước sạch tự chảy nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng sẽ còn tiếp tục tái diễn… Huyện đang chỉ đạo các ngành tiếp tục rà soát cung cấp nguồn nước cho nhân dân, đồng thời, vận động nhân dân đào giếng. Về phía huyện cũng sẽ hỗ trợ một phần kinh phí còn nhân dân đóng góp ngày công. Hàng năm, huyện cũng bỏ ra 200 triệu đồng để hỗ trợ cung cấp nước cho nhân dân”.

HOÀNG YÊN (Báo Lâm Đồng, 01/12/2016)