Gần 7 năm trời ròng rã, bà Huỳnh Thị Huệ (43 tuổi, thôn Hà Lâm, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà) sống cùng hai con phải chịu cảnh vào nhà mình bằng cách… trèo qua bức tường đá dài 13 m, cao 1,2 m do ông Hoàng Xuân Huy, thôn Ðạ Sa, xã Liên Hà xây lên từ năm 2010.

Bức tường đá ông Huy xây lên gần 7 năm nay làm bà Huệ không có lối đi vào nhà

Trong khi đó, chính quyền xã Lâm Hà và UBND huyện Lâm Hà tới thời điểm này vẫn chưa có một cách giải quyết “thấu tình đạt lý”, để tiếp diễn tranh chấp kéo dài và xảy ra xô xát giữa hai bên.

Chúng tôi về nhà bà Huỳnh Thị Huệ vào ngày 3/10, tới con đường liên thôn sâu tít dưới chân núi dốc đổ xuống lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2 mới tới con đường đất nhỏ tranh chấp giữa bà Huệ và ông Huy. Con đường này rộng khoảng 3 m, dài khoảng hơn 300 m kéo xuống một triền dốc. Và ở vị trí cuối đường là bức tường ông Huy xây bằng đá sừng sững chắn ngang lối vào nhà bà Huệ. Ngôi nhà duy nhất ở cuối đường đi, nằm lọt thỏm dưới con suối thôn Hà Lâm.

Chia sẻ với Báo Lâm Đồng, bà Huệ bức xúc trình bày vụ việc: Năm 2007, gia đình bà có 1,2 ha cà phê nằm sâu dưới con suối thuộc thôn Hà Lâm, xã Liên Hà. Miếng đất này bà Huệ mua của ông Trần Bá Lới. Hiện tại, con đường đất chiều ngang 3 m nối ra đường liên thôn được UBND xã Liên Hà xác nhận là đất của ông Bùi Quang Tiến. Ông Tiến cũng là người mua rẫy từ ông Trần Bá Lới đã làm đơn xác nhận con đường trên thuộc phần đất bà Huệ. Hiện ông Tiến đã yêu cầu bà Huệ làm các thủ tục để tách thửa đất có con đường với đất nhà ông.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 10/2010, ông Hoàng Xuân Huy bất ngờ xây hàng rào bằng đá dài 13 m, cao khoảng 1,2 m, có cắm mảnh trai sắc nhọn phía trên chắn ngang con đường vào nhà bà. Theo ghi nhận tại hiện trường vụ việc, vì đây là con đường một bên là triền suối, một bên là đất cà phê của hộ dân khác cũng có triền dốc cao nên cách vận chuyển cà phê, phân bón, vật dụng duy nhất của bà Huệ và người dân là dùng sức người mang vác từ vườn ra bức tường đá, sau đó chất lên xe máy để sẵn phía trên mới có thể chạy ra thôn Hà Lâm.

Theo hồ sơ vụ việc, bà Huệ khiếu kiện từ đầu tháng 1/2011, nhưng phải đến ngày 19/12/2012 sau khi khảo sát thực địa, đo đạc lại địa điểm xảy ra tranh chấp, UBND xã Liên Hà đã ra thông báo xác định ông Huy rào đường trái phép. Ngoài ra, UBND xã Liên Hà còn ra hai thông báo và một công văn với nội dung tương tự, yêu cầu gia đình ông Huy giải tỏa con đường cho gia đình bà Huệ và người dân đi lại. Thế nhưng, hàng rào chưa được giải tỏa thì ngày 26/7/2013, UBND xã Liên Hà đột ngột ra thông báo hủy bỏ bốn văn bản ban hành trước đó.

Theo ông Trần Văn Doanh – cán bộ tư pháp xã Liên Hà, ban đầu khi giải quyết tranh chấp xã xác nhận và ra quyết định cho rằng, con đường thuộc thửa đất số 29 không phải của gia đình ông Huy mà là đường đi chung của các hộ dân, có trên bản đồ đo đạc của địa chính xã (bản đồ địa chính số 64). Đồng thời, có một thời gian do bà Huệ gửi đơn khiếu kiện lên Tòa án Nhân dân huyện Lâm Hà nên thời điểm đó sau khi tiếp nhận đơn của bà Huệ, đi kiểm tra thực địa Tòa án cho rằng, con đường thuộc thửa đất số 29 là đường liên thôn nên không giải quyết khiếu kiện về mặt hành chính giữa hai hộ. Chính vì vậy, UBND xã mới ra các quyết định chưa thống nhất trong cách giải quyết. Tuy nhiên, do quá trình đo đạc của địa phương có sai sót, vị trí xác định chưa chính xác nên mới đây nhất tháng 10/2016, UBND huyện Lâm Hà tiến hành đo đạc lại xác định trong Văn bản 231/UBND, thửa đất số 29 là con đường đi riêng của hộ ông Hoàng Xuân Huy.

“Ðây là vụ việc tranh chấp đất đai phức tạp, chúng tôi bây giờ không thể khẳng định ai đúng ai sai, vì việc này phải để Tòa án Nhân dân huyện phân xử. Nhiệm vụ của xã là tiến hành hòa giải giữa hộ bà Huệ và ông Huy nhưng do mâu thuẫn giữa hai bên nên nhiều lần hòa giải đều không có kết quả”. Ông Trần Văn Doanh – cán bộ tư pháp xã Liên Hà cho biết.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Huy khẳng định: “Đây là con đường riêng vào rẫy nhà tôi chứ hoàn toàn không phải đường đi chung như bà Huệ nói. Tôi có đầy đủ giấy tờ chứng minh. Về lý do tôi xây bức tường năm 2010 vì đoạn cuối đường vào vườn cà phê đất trũng, tôi xây để kè lại. Còn việc bà Huệ không có đường đi hay không tôi không quan tâm”. Cũng theo ông Huy, ngay mép đường thửa đất số 29 thuộc sở hữu của nhà ông là vườn cà phê của ông Huỳnh Văn Nhân (em ruột bà Huệ) nhưng lại không chịu bán đất cho chị gái để mở đường đi chung. Trong trường hợp ông Nhân nhượng lại 2 m đất cho bà Huệ để mở đường đi lại rộng hơn (khoảng 5 m) thì ông sẽ đồng ý hạ bức tường, để thuận tiện cho bà Huệ đi lại.

Còn theo UBND huyện Lâm Hà, trước mắt huyện yêu cầu chính quyền xã Liên Hà kết hợp với phòng, ban liên quan vận động hòa giải ông Huy phá bỏ bờ taluy để bà Huệ có đường đi. Trường hợp hòa giải không được, cách giải quyết của huyện là đề nghị bà Huệ gửi đơn yêu cầu mở lối đi qua bất động sản liền kề tới Tòa án Nhân dân huyện để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

C.Thành – T.Linh (Báo Lâm Đồng, 6/10/2017)