Sau gần nửa tháng phát hiện heo bị bệnh, đến nay trên địa bàn huyện Ðạ Tẻh đã ghi nhận có 16 hộ chăn nuôi, với tổng cộng gần 200 con heo bị bệnh (nghi lở mồm long móng – LMLM). Hiện tại, Ðạ Tẻh đang tập trung tối đa mọi nguồn nhân lực để phòng, chống, khống chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Cán bộ thú y huyện Đạ Tẻh phun xịt tiêu độc, khử trùng bao vây các ổ bệnh trên đàn heo. Ảnh: K.Phúc

Diễn biến phức tạp

Theo thống kê, Đạ Tẻh là địa phương có đàn vật nuôi (gia súc, gia cầm) đứng đầu 3 huyện phía Nam của tỉnh. Trong đó, có khoảng 13.000 – 14.000 con heo được nuôi theo hộ gia đình và trang trại nhỏ lẻ; khoảng 10.000 con trâu, bò và gần 180.000 con gia cầm (gà, vịt)… Nếu kể cả các trang trại lớn, riêng đàn heo ở Đạ Tẻh luôn dao động từ 35.000 – 45.000 con. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được địa phương quan tâm thực hiện theo định kỳ. Tuy nhiên, từ đầu mùa khô năm 2019 đến nay, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh xảy ra trên đàn heo tại Đạ Tẻh.

Theo ông Phạm Xuân Tiện – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN – PTNT) huyện Đạ Tẻh cho biết, vào ngày 8/2, thông qua công tác theo dõi của lực lượng thú y cơ sở đã phát hiện đàn heo của 1 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại thị trấn Đạ Tẻh có dấu hiệu mắc bệnh. Sau khi nắm bắt được thông tin, Phòng đã tiến hành xác minh và tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng phòng, chống bệnh; đồng thời, tiến hành các biện pháp tuyên truyền để người dân nắm bắt tình hình và tác hại của dịch bệnh trên đàn vật nuôi để chủ động phòng, chống. “Mặc dù địa phương đã vào cuộc quyết liệt, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên diện rộng, song qua thống kê đến ngày 20/2 (sau 12 ngày phát hiện heo bị bệnh), đến nay toàn huyện đã phát hiện và ghi nhận có tới 16 hộ chăn nuôi với 180 con heo bệnh và nghi bị LMLM). Trong đó, thị trấn Đạ Tẻh là địa phương có số lượng heo mắc bệnh nhiều nhất với hơn 170 con; xã Hà Đông có 3 con và xã Triệu Hải có 9 con heo mắc bệnh. Hiện 89 con heo mắc bệnh nặng đã được tiêu hủy. Số heo mắc bệnh còn lại đang được theo dõi điều trị” – ông Tiện cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 21/2, trên địa bàn thị trấn Ðạ Tẻh tiếp tục xuất hiện heo của 3 hộ dân bị các triệu chứng của bệnh LMLM.

Trong đó, riêng hộ Thẩm Thị Nhâm (ngụ Tổ dân phố 1A, thị trấn Đạ Tẻh) có đến 21 con heo bị bệnh nặng phải tiêu hủy ngay trong ngày. Điều đó cho thấy, tình hình dịch bệnh trên đàn heo ở Đạ Tẻh đang diễn biến phức tạp, khó lường và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bà Thẩm Thị Nhâm nói trong nước mắt: “Gia đình tôi không có ruộng vườn, nên nguồn thu nhập chính dựa vào chăn nuôi heo. Mấy năm nay, gia đình nuôi 3 con heo nái, rồi tự gây đàn để nuôi heo thịt phát triển kinh tế. Trong lúc heo đang được giá và gia đình tôi đang có 21 con heo thịt trong thời kỳ vỗ béo (từ 55 – 60 kg/con), đang yên đang lành đột nhiên cả đàn heo bỏ ăn và xuất hiện các triệu chứng như mọng nước ở mõm, lưỡi, môi, miệng và giữa các ngón chân… Thấy vậy, tôi liền báo với cán bộ thú y tới kiểm tra, đồng thời tiến hành các biện pháp chữa trị cho heo như tiêm thuốc, dùng muối, chanh… sát trùng cho heo. Nhưng sau 3 ngày, bệnh không thuyên giảm mà càng nặng thêm và cả đàn bỏ ăn hẳn. Tôi đành ngậm ngùi phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy toàn bộ 21 con heo mắc bệnh. Nhìn cả đàn heo bị tiêu hủy, gây thiệt hại hàng chục triệu đồng mà ứa cả nước mắt, nhưng đành chịu”.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Kim Sơn (ngụ Tổ dân phố 4D, thị trấn Đạ Tẻh) cũng vừa tiêu hủy 1 con heo nái và 10 con heo con mắc bệnh, ước tính thiệt hại khoảng 20 triệu đồng.

Cán bộ thú y huyện Đạ Tẻh phun xịt tiêu độc, khử trùng bao vây các ổ bệnh trên đàn heo. Ảnh: K.Phúc

Tập trung phòng, chống dịch

Để đối phó với tình hình dịch bệnh đã và đang diễn ra, nhiều ngày qua, Trung tâm Nông nghiệp (TTNN) huyện Đạ Tẻh đang cắt cử cán bộ thú y chia làm 2 ca liên tục tiến hành phun xịt thuốc tiêu độc, khử trùng tại các ổ bệnh và trên diện rộng. Đồng thời, phối hợp với các hộ dân có heo mắc bệnh nặng tiến hành tiêu hủy và sát trùng khu vực tiêu hủy. Trong khi đó, lực lượng khuyến nông viên cơ sở được giao nhiệm vụ theo dõi sát sao đàn gia súc, gia cầm để kịp thời báo cáo khi phát hiện các trường hợp vật nuôi bị bệnh. Đối với người chăn nuôi, bà con cũng đang khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để phòng, chống dịch bệnh như rắc vôi bột sát trùng, vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin phòng bệnh và phun xịt thuốc khử trùng…

Bà Ngô Thị Nga – Giám đốc TTNN huyện cho biết: “Suốt hơn 10 ngày qua, chúng tôi đang tập trung mọi biện pháp để phòng, chống dịch bệnh trên đàn heo. Trung tâm đã huy động tổng lực cán bộ thú y tiến hành phun xịt tiêu độc khử trùng bao vây các ổ bệnh để hạn chế nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng. Trong ngày 21/2, chúng tôi đã tiếp nhận từ Chi cục Thú y 300 lít thuốc khử trùng và đang khẩn trương cắt cử người chia ca phun xịt khử trùng; trong đó, đặc biệt chú trọng phun xịt tại các ổ bệnh mới, các khu vực công cộng như chợ, bến xe và các điểm giết mổ gia súc. Tuy nhiên, qua công tác nắm tình hình thì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu thuyên giảm”.

Cũng theo bà Nga, song song với việc thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng, Trung tâm cũng đã phát hơn 2.000 tờ rơi, tài liệu và phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện liên tục phát các bản tin về tác hại của bệnh LMLM và các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, cán bộ thú y phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra hoạt động giết mổ và buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Ông Phạm Xuân Tiện – Trưởng phòng NN – PTNT huyện Đạ Tẻh khuyến cáo: “Để tập trung phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, địa phương rất cần sự đồng hành phối hợp chặt chẽ của người dân. Bà con cần theo dõi sát sao đàn vật nuôi (đặc biệt là đàn heo), khi phát hiện các triệu chứng lạ, phải nhanh chóng phối hợp với lực lượng thú y và cơ quan chức năng để kiểm tra và có hướng xử lý kịp thời theo quy định. Tuyệt đối bà con không được “giấu dịch”. Theo đó, huyện sẽ thống kê số lượng heo bị bệnh phải tiêu hủy để có phương án đề xuất, hỗ trợ cho người dân theo quy định”.

Cùng với Đạ Tẻh, tại 2 huyện lân cận có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh là Cát Tiên và Đạ Huoai cũng đang tập trung triển khai các biện pháp tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, từ đầu năm 2019 đến nay, địa phương đã tiến hành gần 10 đợt phun xịt tiêu độc, khử trùng trên diện rộng (200 lít thuốc/đợt phun xịt). Địa phương hiện có khoảng 14.000 con heo, 12.000 con trâu, bò và khoảng 140.000 gia cầm. “Để kiểm soát dịch bệnh, địa phương đang triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều cách như: Tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động phòng, chống dịch; chỉ đạo các trạm, chốt kiểm soát hoạt động thường xuyên lò giết mổ và mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm… Đến thời điểm hiện tại, địa phương chưa phát hiện trường hợp gia súc, gia cầm nào mắc bệnh” – ông Phúc cho biết thêm.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Thắm – Giám đốc TTNN huyện Đạ Huoai, cho hay: “Hiện tại, tình hình phòng, chống dịch bệnh đang được địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả nên chưa phát hiện trường hợp vật nuôi nào có dấu hiệu mắc bệnh. Theo đó, địa phương đang triển khai đợt cao điểm phun xịt thuốc tiêu độc, khử trùng trên toàn bộ các xã, thị trấn của huyện với khoảng 780 lít thuốc. Theo đó, phương châm “5 không” (không giấu dịch, không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh, không vận chuyển gia súc, gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc và không vứt xác gia súc, gia cầm ốm, chết ra ngoài môi trường xung quanh) đang được triển khai tới từng hộ chăn nuôi”.

Hải Đường (Báo Lâm Đồng, 25/02/2019)