Mặc dù lượng cung đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng tại TP Ðà Lạt và vùng phụ cận, nhưng cả đoàn xe biển kiểm soát Lâm Ðồng xuôi đèo đi xa gần 100 cây số để chở cát về rừng. Phóng viên Báo Lâm Ðồng đã đeo theo những chuyến xe đêm “ăn cát” và phát hiện nhiều điểm bất thường cũng như dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.

Kỳ 1: Rầm rập xe chở cát quá tải trên cung đường Ninh Thuận – Lâm Ðồng

Khoảng 18h chiều hằng ngày, lúc trời sâm sẩm tối, hàng chục lượt xe tải 4 giò (trục) chất cát xây dựng cao như chóp nón rồng rắn từ đèo Sông Pha (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) bò lên thị trấn D’Ran (huyện Ðơn Dương), sau đó tỏa đi các ngả đường về TP Ðà Lạt, huyện Ðức Trọng, Lạc Dương…

Rất nhiều doanh nghiệp nhập cát tại Ninh Thuận có giá rẻ hơn so với địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Trích từ clip

Ngoài câu chuyện suốt 1 năm nay đoàn xe “khủng” chở cát quá tải làm ảnh hưởng tuyến Quốc lộ 27, 20, cày nát các cung đường dân sinh lân cận, người dân cũng đặt ra câu hỏi về nguồn gốc cát xây dựng có giá rất rẻ tại Ninh Thuận mà các doanh nghiệp trên Lâm Đồng nhập về số lượng lớn thay vì mua từ các bãi cát có giấy phép khai thác trên địa bàn tỉnh? Trong vai làm phụ xe cho một xe tải 4 giò chuyên chở cát quá tải từ Ninh Thuận lên Lâm Đồng, chúng tôi đã vào cuộc điều tra, làm rõ tình trạng xe quá tải cũng như các chiêu trò mua bán cát có nhiều dấu hiệu lách thuế của một số doanh nghiệp.

Chạy ầm ầm cả đêm

18h10 phút ngày 15/10, như mọi ngày tại khu vực đầu đèo Ngoạn Mục một đoàn xe 4 giò ba chiếc nối liền nhau bắt đầu ì ạch bò từ chân đèo lên thị trấn D’Ran. Cả ba chiếc xe 4 giò trên đều mang biển kiểm soát (BKS) Lâm Đồng (49C-157..; 49C-176..; 49C-153…) không chỉ cơi nới thùng xe mà còn chất cát có ngọn trên thùng. Đây là dấu hiệu rất rõ về chở quá tải trọng so với quy định. Khi tới đoạn đường bằng thị trấn D’Ran một chiếc rẽ về phía QL 27 đi huyện Đơn Dương, hai chiếc còn lại bắt đầu gài số chạy với tốc độ “rùa bò” lên đèo D’Ran hướng về TP Đà Lạt. Hết đợt xe đầu tiên, chỉ khoảng 30 phút sau, chúng tôi tiếp tục chứng kiến 3 chiếc xe 4 giò khác cũng mang BKS Lâm Đồng chở cát quá tải nặng nề chạy lên đèo Sông Pha nhằm thẳng hướng QL27 về Đơn Dương, Đức Trọng.

Không chỉ chạy cát lẻ tẻ từng ngày, từ ngày 29/9 tới 14/10, chúng tôi có mặt trên tuyến QL27 đoạn qua thị trấn D’Ran và chứng kiến ít nhất gần 100 lượt xe tải cơi nới thùng chở cát có ngọn từ dưới đèo Sông Pha lên, sau đó chạy rầm rộ trên nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Điểm chung là các xe tải 4 giò đều đăng ký BKS Lâm Đồng, cụ thể các xe: 49C-167.11; 49C-136.88; 49C-167.14; 49C-141.89; 49C-176.56; 49C-152.33;… và mỗi xe thường chạy ít nhất 2 tua mỗi đêm, thậm chí có xe chạy 5 tua/đêm tùy theo vị trí đổ cát ở đâu.

Ðiều đáng ngạc nhiên, trong suốt 2 tuần theo bám liên tục hàng loạt xe 4 giò chở cát quá tải chạy qua nhiều cung đường trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng nhưng chúng tôi ghi nhận lực lượng CSGT, TTGT của các địa phương không tiến hành kiểm tra trường hợp nào trong số các xe chúng tôi bám theo ghi hình.

Trong khi đó, nhiều con đường xe quá tải chở cát đi qua, mặt đường xuất hiện nhiều “ổ voi, ổ gà”, đường bụi bặm thường xuyên khiến người tham gia giao thông, người dân sinh sống dọc các tuyến đường trên không khỏi bức xúc.

Ông Đào Văn Hạnh (53 tuổi, người dân sinh sống dọc QL27, thị trấn D’Ran) cho hay, xe chở cát quá tải thường chạy rất ẩu về đêm, đặc biệt là thời điểm sau 20h thường chạy bạt mạng qua các đoạn đường bằng phẳng làm nhiều người dân như ông cảm thấy bất an. “Chúng tôi để ý các xe tải xuống đèo từ sáng sớm và ngày nào xe cũng chạy. Từ 18h tới 5h sáng thì bắt đầu nối đuôi nhau chạy lên, cứ cách mươi phút thì có 1 xe. Chúng tôi không hiểu ở thị trấn D’Ran có một chốt CSGT túc trực ban ngày nhưng ban đêm lại để xe quá tải tung hoành thời gian dài như vậy?” – ông Hạnh đặt câu hỏi.

Ngay tại TP Đà Lạt, nhiều xe chở cát quá tải từ Ninh Thuận lên đã khiến một số con đường xe đi qua bị ảnh hưởng nặng. Tiếp tục đeo bám, chúng tôi ghi nhận vào khoảng 19h40 ngày 16/10, chiếc xe 4 giò BKS: 49C-157.48 chở cát có ngọn từ thị trấn D’Ran qua khu vực Trạm Hành, đi thẳng về đường Hùng Vương, sau đó quẹo về Ngã tư Phan Chu Trinh, Nguyên Tử Lực và cuối cùng đổ cát tại một bãi tập kết lớn trên đường Mai Anh Đào (Phường 8). Một số xe khác thì chạy tắt qua đường Phạm Hồng Thái về khu vực Phường 8 hay chạy thẳng Trần Hưng Đạo, Hoàng Văn Thụ và đổ cát tại bãi đất trống tại khu vực Phường 4. Nhiều người dân khu vực Phường 8, Phường 10 phản ánh do có nhiều xe quá tải chạy liên tục nên con đường Phạm Hồng Thái, Nguyên Tử Lực đã xuống cấp nhanh chóng, xuất hiện rất nhiều “ổ gà”, mặt đường nhựa nhiều vị trí bị sụt lún, loang lổ.

Doanh nghiệp đua nhau mua cát Ninh Thuận

Ngày 12/10, chúng tôi theo chân Bình còi, tên lóng tài xế xe tải BKS: 49C-032…, chuyên chở cát từ các hầm khai thác cát sông tại huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) về bãi tập kết cát tại xã Phú Hội (huyện Đức Trọng). Tại hầm cát L.M nằm cách QL27 không xa thuộc huyện Ninh Sơn… mới 17h chiều nhưng chúng tôi quan sát có ít nhất 20 chiếc xe 4 giò mang BKS Lâm Đồng đậu rải rác quanh đó chờ tới giờ vào hầm.

Ngồi chờ tới lượt xe “ăn cát”, Bình còi lý giải lý do tại sao hàng loạt xe phải chạy vào ban đêm: “Ban ngày CSGT làm gắt, phải đợi đêm xuống mới dễ dàng chở cát về Lâm Đồng được vì xe nào cũng quá tải cả”. Theo Bình còi giải thích, đối với xe 4 giò quy định của cơ quan chức năng về thiết kế thùng, trọng lượng xe (cả xe và cát) chở được tối đa là 31 tấn. Tuy nhiên, gần như 100% xe tải loại 4 giò chở cát từ Ninh Thuận về Lâm Đồng đều chở đầy nóc và nằm ở mức 40 tới 47 tấn/xe. “Nếu không chở quá tải, đường xa trừ chi phí xăng xe, các loại phí khác… thì lỗ nặng, không ai bỏ không công sức ra chạy” – Bình khẳng định chắc nịch.

Một chiếc xe quá tải chở cát từ Ninh Thuận chạy qua Ngã tư Phan Chu Trinh, Nguyên Tử Lực (TP Đà Lạt) tối 16/10. Ảnh: Trích từ clip

Theo tìm hiểu, ngoài câu chuyện xe chở quá tải để kiếm thêm lợi nhuận thì lý do chính khiến các doanh nghiệp mua số lượng cát lớn từ Ninh Thuận về Lâm Đồng chính là giá cả. Ông H., chủ một chủ doanh nghiệp buôn bán cát tại TP Đà Lạt từng mua cát từ tỉnh Ninh Thuận cho chúng tôi biết, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khá nhiều mỏ cát được ngành chức năng cấp giấy phép hoạt động kinh doanh khai thác để phục vụ nhu cầu vật liệu xây dựng thiết yếu trên địa bàn. Mặc dù lợi thế là nguồn cát đủ đáp ứng nhu cầu, quãng đường vận chuyển ngắn, giảm giá thành… nhưng nhiều đơn vị vẫn mua cát từ tỉnh Ninh Thuận cách xa cả 100 km để về đem bán cho các doanh nghiệp xây dựng ở TP Đà Lạt và các vùng phụ cận.

“Giá là điểm mấu chốt. Ở một số hầm cát lớn Ninh Thuận họ bán với giá chỉ dao động từ 120.000 – 130.000 đồng/m3. Nếu doanh nghiệp tại Lâm Đồng yêu cầu có hóa đơn sẽ phải mất thêm 50.000 đồng/m3. Còn tại Lâm Đồng, cát vàng xây dựng tại bãi là 245.000 đồng/m3, nếu có hóa đơn đầy đủ là 345.000 đồng/m3. Mua tại địa phương vậy lời rất ít, trong khi nếu mua tại Ninh Thuận trừ tiền xăng, công cán thì tài xế, chủ doanh nghiệp đều có lời cao hơn” – ông H. nói và nhấn mạnh thêm chính do giá cát chênh lệch lớn, rẻ gần 2/3 so như trên nên nhiều doanh nghiệp tại Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng… đều đổ xuống mua cát tại Ninh Thuận hơn 1 năm nay.

Tiếp tục tìm câu trả lời vì sao lượng cát xây dựng được vận chuyển từ tỉnh Ninh Thuận lên Lâm Đồng với số lượng lớn như vậy, trưa ngày 10/10, chúng tôi đi cùng ông Chung, chủ doanh nghiệp buôn bán cát trên địa bàn huyện Đức Trọng tới gặp ông M. là chủ một mỏ cát L.M khá lớn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Ngay khi ông Chung đề cập mua 20.000 m3 cát không cần hóa đơn, ông Minh vui vẻ nói ngay: “Chỗ các cháu lấy bao nhiêu cũng được, lấy cả năm cũng không hết cát. Nếu không lấy hóa đơn chú để rẻ 120.000 đồng/m3, còn cát có hóa đơn chú lấy cháu 170.000 đồng/m3. Mấy cháu cứ nghe chú mua xe mới, chở cát chỗ chú đảm bảo là có lời”.

Sau khi ông Chung nói có khó khăn trong trường hợp mua không hóa đơn, ông M. tiếp tục chỉ dẫn cách hợp thức hóa để dễ dàng đối phó với việc CSGT kiểm tra xe đột xuất hay cơ quan chức năng kiểm tra thuế: “Cháu thành lập công ty chưa, nếu có công ty rồi sẽ làm hợp đồng với công ty chú, cứ ngày 26 hàng tháng bên bán sẽ xuất hóa đơn cho công ty, còn tiền thì chuyển vào tài khoản cá nhân. Khi nào có việc thì mình cần dùng cái này, còn lại cứ nhập bán bình thường” – ông M. mách.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Chung chỉ là một trong số hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mua cát tại các hầm cát lớn tại huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận suốt thời gian qua. Trong đó, chỉ có một số doanh nghiệp mua cát có hóa đơn chứng từ rõ ràng, số còn lại đều mua không có hóa đơn với giá 120.000 tới 130.000 đồng/m3 hay tìm nhiều cách hợp thức hóa nguồn cát mua về.

(Kỳ 2: Ðủ chiêu trò trốn thuế)

Phóng sự: NHÓM PV (Báo Lâm Đồng, 19/10/2018)