Thị trấn D’Ran, mảnh đất nhỏ nằm dưới chân đèo D’Ran vốn nổi tiếng với những vườn hồng trĩu cành, với những vườn dứa cayen thơm ngọt. Và từ những cây dứa quê này, một chàng trai trẻ đã tìm được hướng đi của mình, đồng thời đồng hành cùng bà con quê hương. Đó là Nguyễn Hồng Toản, người con quê hương Phú Thuận, D’Ran, Đơn Dương.

Vườn dứa trồng theo VietGAP. Ảnh: D.Q

Dứa cayen là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc thù, đã được cấp chứng nhận thương hiệu của Đơn Dương và thị trấn Dran là địa bàn trồng dứa cayen trọng điểm. Với tổng diện tích trồng dứa hiện tại khoảng 100 ha, trong đó có 75 ha đang cho thu hoạch, dứa cayen vừa là cây chuyên canh, vừa là cây xen canh với một số loại cây khác như: hồng, cà phê. Dứa cayen D’Ran thơm, ngọt, trái lớn vốn nổi tiếng xưa nay. Tuy nhiên, do thị trường, những trái dứa vàng thơm nhiều lúc phải lao đao vì giá cả xuống thấp. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất của dứa, của hồng, chàng trai trẻ Nguyễn Hồng Toản quyết tâm sản xuất ra những loại đặc sản quê mình để giới thiệu rộng đến người tiêu dùng cả nước. Sản phẩm mà Toản và cộng sự chọn chính là hồng và dứa cayen. Toản bảo: “Quê em thì chỉ có hồng với dứa, em mong muốn mang trái dứa đi khắp mọi miền tổ quốc và xa hơn nữa là vươn ra thị trường thế giới với sản phẩm dứa sấy dẻo của mình”. Từ khát vọng ấy, thương hiệu Dranrosa ra đời với hai sản phẩm chính là hồng và dứa sấy dẻo.

Với công nghệ sấy dẻo trái cây học hỏi được, Toản và những người bạn đã xử lý những trái dứa cayen xù xì thành những lát dứa dẻo còn giữ nguyên hương thơm ngọt ngào và vị ngọt chua đậm đà. Bởi vậy, nhiều đơn hàng đã tới với Dranrosa. Hiện tại, Dranrosa chế biến với công suất sấy khô 250 kg/ngày. Dranrosa thu mua dứa của nông dân D’Ran làm nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào. Chị Huỳnh Thị Thanh Hường, một nông dân trồng dứa ở thôn Phú Thuận, D’Ran đang cung cấp hàng cho Dranrosa chia sẻ: “Xưa giờ trồng dứa chỉ bán ra chợ hay bán cho thương lái, từ khi Toản thành lập công ty sấy dứa thì bán cho em nó ổn định hơn, không sợ dội hàng rớt giá”.

Đặc biệt chú trọng tới nhu cầu của người tiêu dùng, Toản chia sẻ: “Dứa vốn là cây trồng ít bệnh hại nhưng chúng tôi mong mỏi đưa tới cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất. Hiện Dranrosa đang trồng hơn 3 ha dứa theo hướng Vietgap, dứa hữu cơ để làm vùng nguyên liệu và cũng định hướng cho bà con trồng dứa sạch, trồng hữu cơ để cho ra những sản phẩm tốt nhất. Sắp tới, chúng tôi hy vọng sẽ có được các loại giấy chứng nhận nông sản sạch để người tiêu dùng an tâm hơn về nguồn gốc sản phẩm”. Toản và bạn bè rất tích cực giúp đỡ nông dân quanh vùng canh tác dứa theo hướng hữu cơ để tạo ra một vùng nguyên liệu ổn định.

Sấy dứa. Ảnh: D.Q

Chế biến, bảo quản sau thu hoạch là vấn đề trăn trở của nhiều loại nông sản, bởi nếu chỉ dừng ở mức tiêu thụ sản phẩm thô, tươi thì sản lượng sẽ bị hạn chế. Do đó, sản phẩm dứa cayen sấy dẻo đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Ông Trần Thanh Vũ – Chủ tịch UBND thị trấn D’Ran đánh giá: “Hiện trên địa bàn, dứa cayen là cây trồng chủ lực của bà con nông dân, trước kia thì chỉ bán tươi nhưng từ khi có công ty sấy dẻo thì bà con có thêm kênh tiêu thụ nên chính quyền địa phương cũng hết sức quan tâm và mong muốn mô hình mở rộng để tiêu thụ hàng hóa cho bà con nông dân. Chúng tôi cũng tạo điều kiện hết sức để các bạn trẻ có thể tham gia giao lưu học hỏi các nơi nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật và chủ động tìm đầu ra cho các sản phẩm”.

Từ nhiệt tình của những người bạn trẻ, dứa cayen Đơn Dương có thêm một kênh tiêu thụ, những gói dứa sấy dẻo thơm ngọt theo chân người tiêu dùng đi khắp mọi miền tổ quốc. Thương hiệu dứa cayen lại biết đến với một diện mạo mới, và cũng đồng thời mở ra một cánh cửa mới để bà con nông dân có thể yên tâm hơn trong sản xuất.

Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng, 14/3/2018)