Chưa kịp mừng khi tuyến đường liên thôn được hoàn thành đưa vào sử dụng thì hàng trăm hộ dân xã Hòa Bắc (huyện Di Linh) lại phải ứa nước mắt nhìn đường bị xe chở cát trọng tải lớn ngày ngày băm nát.

Tuyến đường bị xe quá tải cày nát làm cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: H.Đường

Ðường nhỏ “cõng” xe lớn

Tuyến đường liên thôn nối các Thôn 9, 10 và 11 thuộc xã Hòa Bắc (Di Linh) đi vào khu vực lòng hồ Thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi có chiều dài gần 4 km do Ban Quản lý rừng (BQLR) phòng hộ Hòa Bắc – Hòa Nam làm chủ đầu tư, được thảm nhựa cấp phối và bê tông, với tổng kinh phí xây dựng gần hơn 9 tỷ đồng. Cuối năm 2015, sau khi hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng, BQLR Hòa Bắc – Hòa Nam đã bàn giao tuyến đường này cho UBND xã Hòa Bắc quản lý.

Tuyến đường được xây dựng với mục đích chính là phục vụ nhu cầu đi lại vận chuyển hàng hóa của người dân địa phương và nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), phòng chống cháy rừng của BQLR Hòa Bắc – Hòa Nam. Cũng từ đây, xuyên suốt tuyến đường này có nhiều biển hạn chế trọng tải xe trên 6 tấn được gắn để “cấm” xe trọng tải lớn lưu thông nhằm bảo vệ đường.

Thế nhưng, ngay sau khi đưa vào sử dụng, chưa phục vụ cho nhu cầu của người dân và Ban BQLR được bao nhiêu thì bị xe chở cát trọng tải từ 30 – 40 tấn thi nhau chạy cả ngày lẫn đêm khiến tuyến đường bị băm nát chỉ trong một thời gian ngắn.

Qua thực tế của chúng tôi cho thấy, toàn bộ tuyến đường hầu như bị băm nát, xới tung. Không những “ổ voi” “ổ gà” mà phần lớn mặt đường bị sụt lún do bánh xe trọng tải lớn tạo thành những rãnh sâu 0,5 m. Trời mưa xuống thì nhiều đoạn bị ngập trong bùn đất trơn trượt. Còn trời nắng thì bụi bay mù mịt phủ kín cả một vùng quê vốn yên bình. Hiện tại, đoạn bị sình lầy nhất là phần đường đi qua Thôn 11 (dài khoảng 1 km).

Bà Hoàng Thị Hạnh (ngụ Thôn 11, xã Hòa Bắc) phản ánh: “Đường vừa làm xong thì xe chở cát trọng tải lớn chạy ngày, chạy đêm băm nát cho đến tận bây giờ. Đường bê tông, nhựa nóng mà giờ chẳng khác gì ruộng lúa, ao bùn. Những ngày mưa, người dân chúng tôi đi bộ còn chẳng nổi nói gì đi xe đạp, xe máy. Hơn tuần nay trời nắng ráo, người dân chúng tôi chở cà phê nhưng vì đường quá xấu nên bị té ngã liên tục. Còn học sinh đi học, nhiều cháu còn bị mất cả dép vì sụp phải vũng bùn…”.

Ông Lã Văn Trình (ngụ Thôn 11, xã Hòa Bắc) bức xúc: “Vì quá bức xúc trước tình trạng xe trọng tải lớn chở cát ngày đêm cày nát đường liên thôn, nhiều lần người dân chúng tôi đã kéo nhau ra chặn xe yêu cầu cơ quan chức năng vào giải quyết. Sau đó, thấy các đơn vị khai thác cát có sửa đường, nhưng họ chỉ đổ đá cho có “lệ” để xe họ đi chứ chúng tôi đi không được.

Phớt lờ cam kết với xã

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại trên lòng hồ Thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi (thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng) đang có 2 đơn vị khai thác cát hoạt động là Công ty TNHH Tiến Phong và DNTN Lê Tám. Cả 2 đơn vị này đều được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép nạo vét lòng hồ và tận thu khoáng sản (cát). Để khai thác cát, DNTN Lê Tám và Công ty Tiến Phong đã đóng 2 tàu hút cát cỡ lớn có trọng tải trên 70 m3/tàu. Mỗi ngày, 2 đơn vị này khai thác từ 150 – 200 m3 cát tại lòng hồ Thủy điện rồi vận chuyển đi tiêu thụ. Nói như vậy có nghĩa lượng cát mà 2 đơn vị này đã và đang khai thác tại đây là rất lớn. Trong khi đó, theo quan sát của chúng tôi, việc nạo vét lòng hồ Thủy điện chưa thấy động tĩnh gì nếu không muốn nói là chưa triển khai.

Bãi khai thác cát của Công ty Tiến Phong và DNTN Lê Tám. Ảnh: H.Đ

Với lượng cát “khổng lồ” được 2 đơn vị khai thác suốt thời gian qua thì việc xe chở cát trọng tải lớn qua lại cày nát tuyến đường là điều hiển nhiên khó tránh khỏi. Một lãnh đạo BQLR Hòa Bắc – Hòa Nam cho biết: “Giờ phải gọi tuyến đường này là ao bùn hay “bãi chiến trường” thì đúng hơn. Đường bị xuống cấp nghiêm trọng không chỉ làm cuộc sống người dân bị đảo lộn, mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác QLBVR của đơn vị chúng tôi. Sau khi phát hiện, chúng tôi kiến nghị bằng văn bản, UBND huyện Di Linh đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc và yêu cầu 2 đơn vị khai thác cát có phương án sửa chữa trả lại hiện trạng đường để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ QLBVR”.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: “Ngay sau khi được UBND tỉnh cấp phép nạo vét lòng hồ và tận thu khoáng sản, UBND xã đã yêu cầu Công ty Tiến Phong và DNTN Lê Tám ký cam kết để bảo vệ tuyến đường. Trong thời gian qua, về phía Công ty Tiến Phong, họ vẫn làm theo cam kết tu sửa đường theo định kỳ. Tuy nhiên do xe trọng tải lớn chạy quá nhiều nên cứ sửa xong là lại hư hỏng. Riêng, DNTN Lê Tám thì việc tham gia sửa chữa đường rất hạn chế, nhiều khi họ “phớt lờ” cam kết. Hiện tại, đường không thể đi lại được nữa, nên chúng tôi đang yêu cầu 2 đơn vị ngừng hoạt động vận chuyển cát để sửa lại đường”.

Cũng theo ông Phát, hiện tại trên tuyến đường này có 2 cây cầu, nhưng chỉ có trọng tải 13 tấn. Vì vậy, việc xe chở cát 30 – 40 tấn chạy như hiện nay thì nguy cơ xảy ra sự cố cầu sập là khó tránh khỏi. Địa phương mong muốn cơ quan chức năng có biện pháp yêu cầu 2 đơn vị khai thác cát tu bổ, sửa chữa lại đường như hiện trạng ban đầu giúp người dân ổn định cuộc sống; đồng thời, cần có “chế tài” yêu cầu 2 đơn vị khai thác cát hạn chế trọng tải. Đây là việc làm cấp bách cần giải quyết để tránh những hậu quả có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Hải Đường (Báo Lâm Đồng, 8/12/2017)