Ông Hoàng Quý, một lão nông 60 tuổi (trú tại 941 Hùng Vương, khu 7, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, Lâm Đồng) được bà con nông dân trong thị trấn tín nhiệm, ủy quyền bảo vệ quyền lợi trước tòa đã cãi thắng 5 vụ Cty CP chè – cà phê Di Linh kiện nông dân nhận khoán.

Ông Hoàng Quý, lão nông ở thị trấn Di Linh.
Ông Hoàng Quý, lão nông ở thị trấn Di Linh.

Đất dân khai hoang thành đất nhà máy

Cty CP chè – cà phê Di Linh (205 Hùng Vương, khu 11 thị trấn Di Linh) vốn được cổ phần hóa từ Nhà máy chè 2/9. Do các hộ dân nhận đất khoán của Nhà máy chè 2/9 không chịu nộp sản phẩm khoán cho Cty CP chè – cà phê Di Linh nên năm 2012 Cty này đã khởi kiện 5 hộ dân ra Tòa án ND huyện Di Linh đòi các hộ dân trả sản phẩm khoán và diện tích đất giao khoán cho dân.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, các hộ dân đều quyết định ủy quyền ông Hoàng Quý – một lão nông trồng chuối, bơ trong thị trấn ra tòa cãi hộ. Ngay khi nhận lời giúp dân, ông Hoàng Quý đã miệt mài nghiên cứu kỹ hồ sơ và các quy định pháp luật liên quan.

Ông Hoàng Quý cho biết, tìm hiểu nguồn gốc đất của 5 hộ dân này thì ông nhận thấy đều là đất có nguồn gốc hoang hóa vô chủ, nghèo kiệt chỉ có cây thân thảo mọc lúp xúp và cỏ Mỹ. Năm 1990 bà con bắt đầu khai hoang, cải tạo đất trồng cà phê.

 Trụ sở Tòa án ND huyện DI Linh, Lâm Đồng.
Trụ sở Tòa án ND huyện DI Linh, Lâm Đồng.

Đến năm 2003, Nhà máy chè 2/9 “tuyên bố” đây là đất của nhà máy do Nhà nước giao và yêu cầu nông dân phải ký hợp đồng giao khoán, nộp sản phẩm khoán 11%. Do nghĩ Nhà máy chè cũng là Nhà nước và nộp khoán sản phẩm cũng là đóng thuế cho Nhà nước nên bà con ký hợp đồng và nộp sản phẩm.

Năm 2005, Nhà máy chè 2/9 được CPH thành Cty CP chè – cà phê Di Linh. Ông Hoàng Quý cho biết: “Việc CPH nhà máy, dân không được biết. UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi đất của Nhà máy chè 2/9 (trong đó có phần đất nhận khoán của dân) giao cho Cty CP, dân cũng không được biết. Dân không được chính quyền tỉnh giải quyết quyền lợi gì. Trong khi đó tôi chứng minh với tòa và phía Cty CP cũng phải thừa nhận tài sản trên đất gồm nhà cửa, các công trình phục vụ sản xuất, cây trồng đều là tài sản của dân. Việc Cty CP đòi sản phẩm khoán và đòi lại cả đất của bà con là điều vô lý”.

Trước sự bảo vệ quyết liệt và phản tố của ông Hoàng Quý, phía Cty CP chè – cà phê Di Linh đã buộc phải rút nội dung đòi lại đất khoán ra khỏi đơn kiện.

Dân thắng tuyệt đối ở cấp sơ thẩm

Trong các ngày 25, 26, 27.7.2016, Tòa án ND huyện Di Linh do thẩm phán Đinh Văn Sơn làm Chủ tọa phiên tòa đã mở 5 phiên xét xử sở thẩm vụ án dân sự xử “tranh chấp hợp đồng thuê quyền sử dụng đất và tranh chấp về quyền sở hữu tài sản” giữa Cty CP chè – cà phê Di Linh với 5 hộ dân bị đơn gồm: Hộ ông bà Nguyễn Thị Tâm, Hoàng Văn Minh; hộ ông Nguyễn Phúc; hộ ông bà Nguyễn Thị Xuyến, Hoàng Anh Thơ; hộ ông bà Đỗ Thị Thu Hà, Trần Xuân Hiển; hộ ông Trần Văn Luận, Trần Thị Tuyết. Ông Hoàng Quý đại diện theo ủy quyền bảo vệ quyền lợi của cả 5 hộ dân tại 5 phiên tòa.

Ông Hoàng Quý cho biết, sau khi tòa tuyên bác yêu cầu khởi kiện của Cty CP chè – cà phê Di Linh và chấp nhận yêu cầu phản tố của người dân, ông đã bị ốm mất mấy ngày vì “sướng quá”.

Án sơ thẩm của Tòa huyện Di Linh xử dân thắng kiện.
Án sơ thẩm của Tòa huyện Di Linh xử dân thắng kiện.

Ông Hoàng Quý cũng cho biết: “Sở dĩ dân thắng kiện là còn nhờ thẩm phán Đinh Văn Sơn rất am hiểu pháp luật và có tâm. Chẳng hạn, tại phiên tòa đại diện Cty CP cho rằng Nhà máy chè 2.9 được CPH thành Cty CP chè – cà phê Di Linh chỉ là chuyển tên của DN mà không gây thiệt hại gì đến tài sản của người dân được Hội đồng xét xử nhận định là “không đúng”. Vì việc CPH DN nhà nước không những chuyển tên của DN mà còn chuyển hình thức sở hữu tài sản. Phần tài sản của người dân về mặt pháp lý đã bị chuyển dịch theo diện tích đất, nếu chấp nhận việc Cty CP kế thừa quyền đối với những tài sản của người dân (không hề được xử lý khi thực hiện CPH) thì người dân đương nhiên mất tài sản”.

Một điều lo lắng được ông Hoàng Quý tâm sự với PV Báo Lao Động là kinh nghiệm từ vụ án của chính ông đã kéo dài 8 năm nay, người dân sẽ khó gặp thuận lợi ở cấp phúc thẩm. Ông Hoàng Quý cũng cho biết: “Sau khi tuyên cho dân thắng kiện, thẩm phán Đinh Văn Sơn đã tự viết đơn xin nghỉ việc. Tôi có hỏi anh Sơn vì sao xin nghỉ thì anh ấy nói tuyên cho dân thắng kiện cả 5 bản án thì trước sau họ cũng cho anh ấy nghỉ việc nên xin nghỉ trước vẫn hơn”.

Ông Hoàng Quý (bên phải ảnh) kể lại các vụ án với PV Báo Lao Động.
Ông Hoàng Quý (bên phải ảnh) kể lại các vụ án với PV Báo Lao Động.

Vụ kiện đòi tài sản ông Hoàng Quý là nguyên đơn diễn ra từ năm 2008 kéo dài đến nay, đã được Báo Lao Động phản ánh qua các bài: “Lâm Đồng: Kéo dài vụ án bằng chứng cứ bất hợp pháp” (LĐ số 77 ra ngày 7.4.2014) và Vụ “Lâm Đồng kéo dài vụ án chứng cứ bất hợp pháp”: Tòa huyện “bí trận” đành… trì hoãn xét xử” (LĐ&ĐS số 19 ra ngày 24.5.2015).

Cả hai phiên xét xử sơ thẩm ở Tòa án ND huyện Di Linh, ông Hoàng Quý đều thắng kiện. Thế nhưng lên cấp phúc thẩm thì Tòa án ND tỉnh Lâm Đồng cố tình chấp nhận chứng cứ giả mạo của bị đơn để xử ông thua kiện và hủy án. Nay vụ án quay trở lại xét xử ở cấp sơ thẩm nhưng Tòa án ND huyện Di Linh quá biết về khả năng tự biện hộ của ông Hoàng Quý nên không biết làm thế nào đành trì hoãn xét xử.

Đỗ Văn (Báo Lao Động, 10/11/2016)