Nổi tiếng là 1 đại gia trẻ tuổi, có thế lực ở Di Linh (Lâm Đồng), ông Bùi Văn Hòa (sinh năm 1975) – Giám đốc Cty CP XNH Thiên Hòa (trụ sở 937 Hùng Vương, khu 7, TT.Di Linh) sẵn sàng quỵt nợ nông dân trong vùng bằng quan hệ khủng. Sau 10 năm theo kiện, 1 lão nông mới thắng kiện được đại gia này, đòi được hơn 3,8 tỉ đồng.

Đại gia Bùi Văn Hòa (đứng) đã nhiều lần im lặng trước chất vấn của lão nông Hoàng Quý (ngồi, bên trái ảnh) tại phiên tòa sơ thẩm lần 3 ngày 3.8.2017. Ảnh: P.V

Liên tục cung cấp chứng cứ bất hợp pháp

Như Báo Lao Động đã đăng tải trong bài điều tra “Lâm Đồng: Kéo dài vụ án bằng chứng cứ bất hợp pháp” (số 77 ra ngày 7.4.2014), đầu năm 2008, lão nông Hoàng Quý (sinh năm 1956, trú tại 941 Hùng Vương, khu 7, TT. Di Linh) có cho Bùi Văn Hòa (còn gọi là Hòa mèo) vay tổng số tiền là 1,65 tỉ đồng.

Tại các phiên tòa, Bùi Văn Hòa thừa nhận có vay và đã nhận tiền mặt của ông Hoàng Quý nhưng liên tục đưa ra những “chứng cứ” để phủ nhận nghĩa vụ thanh toán. Điều đáng chú ý là, những “chứng cứ” của Hòa đều có dấu hiệu giả mạo, bất hợp pháp.

Điều đáng lưu ý, tại Đơn kháng cáo ngày 2.4.2009, Bùi Văn Hòa thừa nhận, chỉ có 2 “chứng cứ” chứng minh Hòa không nợ tiền của ông Hoàng Quý và khẳng định: “Đây là tài liệu cuối cùng thể hiện tôi không còn nợ nần gì với chị Chung (vợ của ông Hoàng Quý) nữa cả”.

Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, Bùi Văn Hòa liên tục cung cấp cho tòa những chứng cứ mới: Ngày 31.8.2012, Bùi Văn Hòa lại xuất trình thêm 1 chứng cứ mới đó là “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 25.3.2008”.

Đến ngày 29.10.2012, Hòa lại xuất trình thêm 1 chứng cứ mới đó là “Giấy cam kết ngày 11.9.2008”… Và như 1 sự phối hợp nhịp nhàng, cấp tòa phúc thẩm căn cứ vào “chứng cứ mới” để hủy án sơ thẩm.

3 bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Di Linh đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Quý. Bản án sơ thẩm cuối cùng (ngày 3.8.2017) tuyên Hòa phải trả cho ông Hoàng Quý hơn 3,8 tỉ đồng. Lão nông Hoàng Quý cho biết: “Ngay khi biết tôi khởi kiện ra tòa năm 2009, Hòa mèo đã thách thức tôi. Hòa bảo, tôi có thể thắng ở cấp sơ thẩm, còn Hòa sẽ luôn thắng ở cấp phúc thẩm.

Vụ án cứ thế bập bênh trong gần 10 năm, sở dĩ có sự kéo dài là do cấp tòa phúc thẩm TAND tỉnh Lâm Đồng đã không vô tư, không khách quan trong hoạt động tố tụng, xét xử”.

10 năm “bập bênh” công lý!

Căn cứ vào hồ sơ 10 năm theo kiện sẽ thấy, nhận định của lão nông Hoàng Quý hoàn toàn có cơ sở. Điều đáng ngạc nhiên là, cấp tòa phúc thẩm liên tục dễ dàng chấp nhận những chứng cứ giả mạo của Bùi Văn Hòa (?!).

Ngày 1.4.2009, Tòa sơ thẩm TAND huyện Di Linh ra bản án số 11/2009/DS-ST buộc Bùi Văn Hòa trả cho ông Hoàng Quý số tiền trên 1,8 tỉ đồng gồm nợ gốc và lãi. Ngay sau đó, Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Lâm Đồng (Bản án số 159/2009/DS-PT ngày 20.10.2009) đã căn cứ vào “chứng cứ” do Hòa cung cấp (kết luận giám định sau đó đều xác định là giả mạo) để phủ nhận khoản vay và bác yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Quý.

Việc làm sai trái của tòa phúc thẩm TAND tỉnh Lâm Đồng đã bị Tòa Dân sự TAND tối cao ngăn chặn với quyết định giám đốc thẩm (số 666/2010/DS-GĐT ngày 27.9.2010) hủy Bản án phúc thẩm 159 của TAND tỉnh Lâm Đồng, sau khi chỉ rõ việc đánh giá cẩu thả của tòa phúc thẩm với những chứng cứ có nhiều yếu tố giả mạo của Bùi Văn Hòa.

Ngày 17 – 18.1.2012 TAND huyện Di Linh xét xử sơ thẩm lần 2 và tiếp tục tuyên Bùi Văn Hòa phải trả cho vợ chồng ông Hoàng Quý số tiền hơn 2,5 tỉ đồng gồm gốc và lãi. (Bản án sơ thẩm 04/2012/DS-ST ngày 18.1.2012). Và cũng như lần trước, ngày 10.9.2013 Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Lâm Đồng do thẩm phán Huỳnh Thanh Sơn – Chủ tọa phiên tòa – lại hủy Bản án sơ thẩm 04 với lý do “đối với 2 tài liệu chứng cứ do ông Hòa mới cung cấp tại giai đoạn phúc thẩm… chưa được tòa án cấp sơ thẩm xem xét, thẩm tra, xác minh và làm rõ đối với 2 chứng cứ trên mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được”.

Tại phiên tòa phúc thẩm cuối cùng (lần thứ 3) vào sáng 27.3.2018, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã nhận định, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2007 đến tháng 6.2008, vợ chồng ông Hoàng Quý có nhiều lần cho ông Hòa vay tiền với lãi suất 2%/tháng là có thật.

Tại phiên xét xử phúc thẩm cuối cùng này, xét toàn bộ những chứng cứ mà Bùi Văn Hòa lần lượt đưa ra trong quá trình xét xử đều có dấu hiệu giả mạo, bất hợp pháp, không phù hợp với “sự thật khách quan của sự việc”, cuối cùng Hội đồng xét xử đã bác kháng cáo của Bùi Văn Hòa và kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Di Linh, chấm dứt vụ kiện dân sự với nhiều uẩn khúc về việc 1 đại gia có thể “thao túng” 1 nền tư pháp của tỉnh Lâm Đồng.

Đỗ Văn (Báo Lao Động, 3/4/2018)