Ngày 31/3, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ứng phó với dịch Covid-19.

Lượng dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tăng trung bình khoảng 40 – 50%

Theo đó, các hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường, gồm: Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu của người tiêu dùng khi có dịch bệnh xảy ra, gồm: Gạo tẻ; mì tôm, muối ăn, dầu ăn, nước đóng chai; thịt heo, thịt gà, trứng, thủy hải sản; rau củ; khẩu trang kháng khuẩn, dung dịch sát khuẩn; giấy vệ sinh và vật tư y tế.

Theo dự báo, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, xuất hiện tin đồn thất thiệt có ca nhiễm vi rút Covid-19 trên địa bàn tỉnh, nhu cầu mua sắm sẽ tăng từ 30 – 40%. Nếu xuất hiện trường hợp nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh, nhu cầu mua sắm sẽ tăng 100% so với ngày thường. Nếu tiếp tục xuất hiện nhiều trường hợp nhiễm Covid-19, có chiều hướng lan rộng trên địa bàn tỉnh thì dự báo nhu cầu mua sắm sẽ tăng trên 200% so với ngày thường.

Hiện tại, nguồn hàng lương thực, thực phẩm do các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh (Siêu thị Big C Đà Lạt, Coopmart Bảo Lộc, Vinmart Bảo Lộc, Vinmart Đà Lạt) đã chuẩn bị và dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của Nhân dân tăng cao, ước giá trị dự trữ và bình ổn giá là gần 11 tỷ đồng, lượng dự trữ các mặt hàng tăng trung bình khoảng 40 – 50%. Các đơn vị tham gia bình ổn cam kết không tăng giá; kho dự trữ trung bình từ 30 – 40 ngày cho ngày bình thường, đảm bảo nguồn cung, thường xuyên nhập hàng nếu nhu cầu tăng cao.

Phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ứng phó với dịch Covid-19 cũng đặt ra những nhận định và các phương án ứng phó với từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh.

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Công Thương theo dõi tình hình cung – cầu, dự trữ hàng hóa, kịp thời tham mưu các giải pháp điều tiết hàng hóa khi có dấu hiệu mất cân đối cung – cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố nằm tình hình dịch bệnh các địa phương, các khu vực bố trí cách ly để chủ động xác định các đơn vị phân phối tham gia bình ổn hàng hóa. Xác định doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa để hỗ trợ lãi suất vay vốn bình ổn thị trường, kinh phí vận chuyển hàng hóa đến các khu vực cách ly. Theo dõi nguồn cung ứng các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh, kịp thời tham mưu UBND tỉnh giải pháp đảm bảo cung – cầu các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với doanh nghiệp, Ban quản lý chợ trên dia bàn tỉnh vận động tiểu thương, thương nhân kinh doanh tích cực tham gia bình ổn thị trường. Chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối hàng bình ổn xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn. Cục Quản lý Thị trường tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các vấn đề về giá, chất lượng sản phẩm, kịp thời ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Đông Anh (Báo Lâm Đồng, 01/04/2020)

Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202004/dam-bao-cung-ung-hang-hoa-tren-dia-ban-tinh-lam-dong-2996291/