Tại TP Đà Lạt, một thương hiệu vàng nổi tiếng, với lượng khách rất đông giao dịch mỗi ngày. Thế mà, có sản phẩm vàng được tiệm công bố đạt tiêu chuẩn 999,9 nhưng sau khi mang đi kiểm định không đạt chỉ số 999. PV Báo điện tử Nhân đạo và Đời sống liên hệ qua điện thoại thì ông chủ thương hiệu vàng này phản ứng: “Anh là báo gì mà có chức năng đó”???

Phơi bày sự thật của cái gọi là “uy tín”

Đến TP Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh giao dịch tấp nập của những vị khách đang đặt trọn niềm tin vào chữ tín ở tiệm vàng Kim Hòa Luận. Nếu so sánh về lượng người đến giao dịch, có lẽ đây là tiệm vàng nhộn nhịp nhất TP Đà Lạt. “Tiệm vàng này uy tín từ lâu rồi, trước kia tôi mua vàng ở đây, giờ cần bán tôi lại đến đây giao dịch để không bị ép giá” – Một người phụ nữ khoảng hơn 40 tuổi vừa từ tiệm vàng Kim Hòa Luận bước ra chia sẻ với phóng viên.

Tiệm vàng Kim Hòa Luận.

Theo giải thích của một vị khách được cho là có thâm niên trữ vàng ở TP Đà Lạt: Từ lâu, tiệm vàng Kim Hòa Luận thường bán giá thấp hơn so với những tiệm vàng khác. Có lẽ bởi vậy nên khi mua vàng thì nhiều người đã lựa chọn thương hiệu vàng này. Vì một nguyên tắc “luật bất thành văn” là vàng mua ở đâu phải bán ở đó mới giữ được giá, nên bao nhiêu khách hàng từng mua vàng Kim Hòa Luận thì sau đó lại bán tại Kim Hòa Luận. Thế rồi thương hiệu Kim Hòa Luận trở thành nổi tiếng qua những lời đồn thổi, ngày một đông khách.

Một thương hiệu được nhiều khách hàng quan tâm, thường được đánh giá đến chất lượng và uy tín. Vậy chất lượng vàng và uy tín trong kinh doanh của thương hiệu vàng Kim Hòa Luận tại TP Đà Lạt ra sao?

Chúng tôi đến tiệm vàng Kim Hòa Luận khi tiệm vàng này rất đông khách đang ngắm nghía và giao dịch. Sau khi tôi hoàn thành giao dịch mua sản phẩm vàng 999,9 theo yêu cầu, cô nhân viên từ chối viết hóa đơn hoặc Giấy đảm bảo vàng với lý do: Vàng ở đây có tên trên sản phẩm, thương hiệu vàng nổi tiếng rồi nên không cần hóa đơn?!

Để thẩm định cái gọi là uy tín và nổi tiếng của thương hiệu vàng Kim Hòa Luận, chúng tôi đã gửi mẫu vàng mua được tại tiệm vàng Kim Hòa Luận đến Tổng Cục đo lường chất lượng của Bộ KH&CN để làm thủ tục kiểm định. Một sự thật phơi bày về chất lượng sản phẩm vàng mang thương hiệu Kim Hòa Luận mà chúng tôi mua được, đó là sản phẩm vàng được công bố 999,9 nhưng hàm lượng vàng kiểm định chỉ đạt 99,86%. Tức là sản phẩm vàng mà chúng tôi phải bỏ tiền mua giá vàng 999,9 (24K), nhưng chất lượng thực tế của vàng chỉ là 23K. Theo quy định của Bộ KH&CN thì sản phẩm vàng nêu trên chỉ được công bố 998, vậy mà nó đã được “thổi” thành 999,9, thiếu trung thực với khách hàng.

Có được kết quả kiểm định hàm lượng vàng, chúng tôi đã liên hệ tới số điện thoại 0913865155 của phía tiệm vàng tìm lời giải thích. Người phụ nữ tên Hòa sau khi nhận được thông tin phản ánh đã chuyển máy cho một người đàn ông tiếp tục cuộc đàm thoại. Nghe xong nội dung phản ánh và đề nghị được trả lời, người đàn ông đã lạnh lùng thoái thác: “Hàng năm, đơn vị đo lường đều đến kiểm tra và có sai số cho phép… Anh là cái báo gì mà anh có chức năng đó hả… Vậy nha, cúp máy nha” (!?)

Trong khi nhiều ông chủ bao biện vàng kém chất lượng là do quá trình chế tác thì có rất nhiều sản phẩm vàng trên thị trường vẫn đảm bảo hàm lượng 99,99%.

Xin đừng biện minh (!)

Trở lại câu chuyện gian lận hàm lượng vàng giữa việc công bố trên sản phẩm với hàm lượng thực tế của nhiều thương hiệu vàng. Trong quá trình tiếp xúc để đi tìm lời giải thích của những chủ tiệm vàng, chúng tôi được nghe những lời giải thích quen thuộc như: Trong quá trình chế tác sẽ không thể đảm bảo được độ tinh khiết của vàng như vàng nguyên liệu; Trong kiểm định vàng thì có sai số nhất định, sai số về kết quả kiểm định vàng phụ thuộc vào nhiệt độ, môi trường, thiết bị… Nhiều ông chủ tiệm vàng thản nhiên cho rằng: Sai số trong kiểm định vàng là được phép, vàng công bố 999,9 nhưng hàm lượng thực tế không đạt như thế là… chuyện bình thường???

Xin khẳng định rằng, đó chỉ là những lời bao biện và càng bao biện càng thể hiện sự dối trá trong kinh doanh của nhiều thương hiệu vàng, những lời giải thích chỉ dành để qua mặt một bộ phận khách hàng là người chưa hiểu rõ về quy định tại Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.

Nhiều sản phẩm vàng trên thị trường có kết quả kiểm định 99,98%, là có sai số trong phạm vi cho phép.

Theo Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, sai số trong kiểm định vàng được phép là 1‰ (một phần nghìn). Tỉ lệ sai số 1‰ không thể chấp nhận cho việc “hô biến” vàng 999,9 thành vàng 23K hay vàng 99 hoặc 999 được. Trong thực tế, kiểm định nhiều mẫu vàng vẫn cho ra kết quả hàm lượng vàng 99,99%, hoặc nhiều mẫu vàng đạt 99,98% là những kết quả nằm trong phạm vi sai số cho phép (1‰) đối với vàng 999,9.

Như vậy, nguyên nhân sản phẩm vàng có hàm lượng thực tế thấp hơn rất nhiều so với hàm lượng công bố không thể đổ lỗi cho “quá trình chế tác không thể tránh khỏi”. Vì có nhiều mẫu vàng qua quá trình chế tác vẫn đảm bảo độ tinh khiết của vàng 99,99%, còn những sản phẩm vàng mang thương hiệu Hồng Ngát, Duy Hiển, Điển Vân… (tại Hà Nam); Ngọc Chiến, Lợi Mận, Phan Minh, Động Duyên… (tại Hưng Yên); Kim Hòa Luận (tại Lâm Đồng)… lại không thể giữ được độ tinh khiết theo quy định?

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hoàng, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích: Thông tư 22/2013/TT-BKHCN là văn bản pháp lý đầu tiên quy định về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ và quản lý đo lường trong hoạt động kinh doanh vàng, hiện nay chưa có văn bản pháp lý nào thay thế. Bởi vậy, mọi hành vi sản xuất, kinh doanh vàng không đáp ứng được yêu cầu quy định tại Thông tư 22/2013/TT-BKHCN đều là vi phạm cần bị xử lý, chấn chỉnh.

Ngoài ra, nếu là do quy trình chế tác, từ vàng nguyên liệu có độ tinh khiết 999,9‰ cho ra sản phẩm vàng thành phẩm thấp hơn thì tiệm vàng chỉ được công bố bằng đúng tiêu chuẩn vàng khi bán ra thị trường.

“Ví dụ 999‰ hay 999,3‰ thì anh phải công bố đúng như vậy, chứ không thể căn cứ vào vàng nguyên liệu 999,9‰ mà anh công bố bừa cho sản phẩm vàng khi bán ra thị trường được, vì sự thật của nó là như vậy” – Luật sư Nguyễn Thanh Hoàng nêu quan điểm.

Nguyễn Khuê (Báo Nhân Đạo & Đời Sống, 28/02/2019 )


Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định vàng trang sức mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng vàng từ 8 Kara (tương đương 33,3%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật. Thông tư cũng quy định chất lượng vàng trang sức được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng tương ứng với hàm lượng vàng.

Tại Khoản 3 Điều 5 của Thông tư 22/2013/TT-BKHCN nêu rõ: “Giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trong sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ quy định cụ thể như sau: a) 1‰ đối với vàng có hàm lượng từ 99,9 % trở lên; b) 2‰ với vàng hợp kim có hàm lượng từ 80 % đến dưới 99,9 %; c) 3‰ đối với vàng hợp kim có hàm lượng dưới 80 %”. Tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định: Chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng tương ứng với hàm lượng vàng được quy định: Vàng 24K có độ tinh khiết không nhỏ hơn 999‰; Hàm lượng vàng không nhỏ hơn 99,9%.