Mới chỉ xuất hiện tại TP Đà Lạt hơn một tháng qua, cụm rạp chiếu phim CineStar tiêu chuẩn quốc tế gần như đã mang đến làn gió tươi mới về điện ảnh, đáp ứng món ăn tinh thần không thể thiếu cho người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Khán giả tới xem phim đông đúc tại Cụm rạp chiếu phim mới mở tại tầng hầm Quảng trường Lâm Viên
Khán giả tới xem phim đông đúc tại Cụm rạp chiếu phim mới mở tại tầng hầm Quảng trường Lâm Viên

Khán giả xem đông nghẹt

17g ngày 11/2, tại khu tầng hầm Quảng trường Lâm Viên TP Đà Lạt, cả trăm người “rồng rắn” xếp hàng tại khu vực bán vé của hãng CineStar để đợi xem các phim “bom tấn” của thế giới như: “Phản đòn”, “Kung fu yoga” hay “Tử chiến trường thành”… Cụm phim rộng hàng ngàn mét vuông nhưng khán giả ngồi kín các hàng ghế đợi. Khi nhóm này vừa mua vé xong lại có nhóm khác xếp hàng mua vé. Một lúc, khán giả từ các phòng phim lại bắt đầu túa ra tấp nập.

Ông Nguyễn Văn Cường (60 tuổi), một cư dân tại Đà Lạt vừa xem phim “Tử chiến trường thành” đi ra, tấm tắc khen: “Lâu lắm rồi tôi và gia đình mới được trải nghiệm cảm xúc khi xem một bộ phim hay trong rạp chiếu bóng. Có được nơi để thưởng thức trọn vẹn các bộ phim hay như vậy rất đáng “đồng tiền bát gạo” mình bỏ ra”.

Người dân đi xem phim đông, nhưng nhiều nhất vẫn là các bạn trẻ, lứa tuổi từ 16 tới 30 tuổi. Có nhiều bạn trẻ đã lặn lội từ huyện Đức Trọng, Lâm Hà hay Đơn Dương cách TP Đà Lạt hàng chục km để xem cho được loạt phim “bom tấn” đang được trình chiếu trên cả nước.

Khán giả Trần Hoài Phong, cùng nhóm bạn 6 người từ thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (cách Đà Lạt 35 km) háo hức kể: “Nghe Đà Lạt có rạp phim chất lượng quốc tế mới mở nên cả nhóm kéo nhau lên coi liền mặc dù đường đi khá xa. Phim phiên bản 2D bọn mình coi ở mấy rạp nhỏ rồi, nhưng tại rạp hiện đại rộng lớn, phiên bản 3D thì đây là lần trải nghiệm đầu tiên. Cảm giác chung là rất thỏa mãn”.

Theo nhiều khán giả xem phim tại đây, người Đà Lạt mê điện ảnh từ xưa, nhưng khoảng hơn chục năm trở lại đây, người dân muốn thưởng thức điện ảnh hiện đại lại không có nơi để lui tới do rạp truyền thống tại thành phố về cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu. Chính vì thế, một cụm rạp chiếu bóng chất lượng quốc tế với phòng ốc hiện đại, lịch chiếu lại trải dài trong ngày và trong tuần đã làm nhiều người được thỏa niềm đam mê điện ảnh bấy lâu.

Chính thức hoạt động giữa tháng 1, cụm rạp mới tại Đà Lạt có thiết kế lạ mắt, rộng trên 3.000 m2, trong đó có 5 phòng chiếu cả 2D và 3D theo tiêu chuẩn quốc tế của hệ thống rạp chiếu phim CineStar. Với sức chứa trên 650 người, thiết kế hoành tráng cả về âm thanh, ánh sáng, đặc biệt là hệ thống âm thanh Dolby Atmos – tiêu chuẩn quốc tế, mang lại cảm giác thật nhất cho người thưởng thức. Cụm rạp còn được trang trí bắt mắt với 3 sảnh chờ rộng rãi. Khán giả có thể giải trí, chụp hình với hàng chục hình vẽ 3D sống động trong thời gian đợi vào phòng chiếu phim. Với trung bình 6 tới 7 suất chiếu/ngày, được chiếu ở nhiều khung giờ khác nhau, giá vé từ 55.000 – 85.000 đồng/vé tùy những ngày trong tuần và thời gian chiếu phim đáp ứng đa dạng sự lựa chọn từ khán giả.

Ảm đạm ở rạp 3/4

Được xây dựng từ trước năm 1975, ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác tuyên truyền trong các đợt lễ, tết, sự kiện lớn của đất nước và tỉnh, rạp 3/4 khu Hòa Bình còn là đơn vị kinh doanh loại hình giải trí. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn thu này của Trung tâm gần như… giậm chân tại chỗ khi cụm rạp chiếu phim tại Quảng trường Lâm Viên đi vào hoạt động.

Ông Hoàng Thịnh Yên, Phó Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Lâm Đồng cho biết: Hiện tại, rạp 3/4 có 2 phòng chiếu, phòng lớn chứa 454 ghế ngồi và phòng nhỏ chứa 60 ghế. Nếu như trước đây (những năm 1997 tới năm 2011), rạp phải chiếu nhiều suất vì có khán giả tới xem thì giờ mỗi ngày rạp chỉ chiếu 2 suất nhưng số khách đến xem phim mỗi tối cũng chỉ trên dưới 20 người, kể cả các dịp lễ, tết. Trong tình cảnh rạp cũ, cơ sở vật chất hạn chế ngay cả các nhà cung cấp phim thị trường cũng không mặn mà khi đưa phim mới về cho đơn vị.

“Khi cụm rạp CineStar mở cửa đón khách, khán giả gần như không tới rạp 3/4 để xem. Nhiều suất phim đơn vị chiếu miễn phí nhưng số lượng khán giả đến rạp lèo tèo, nhiều lúc anh em phải hủy bỏ chiếu vì quá ít khán giả” – ông Yên chia sẻ.

Theo ông Hoàng Thịnh Yên, mặc dù thực tế khó khăn cho rạp phim nhà nước như vậy, nhưng đây là vấn đề tất yếu và nằm trong dự trù phát triển của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Lâm Đồng. “Chủ trương của UBND tỉnh là xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh để đạt được hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện dự án đầu tư vào khu vực Hòa Bình, trong đó có thể xây dựng một cụm phim hiện đại tiêu chuẩn quốc tế thay thế rạp cũ, chúng tôi cũng đề ra một số giải pháp hoạt động trong thời gian tới. Trước mắt, chúng tôi sẽ hạn chế chiếu các phim thị trường do không cạnh tranh được với rạp tư nhân và chuyển hẳn sang chiếu phim phục vụ hoạt động chính trị của địa phương. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh và tăng tần suất chiếu phim hơn nữa tại vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, những nơi phim chiếu bóng với người dân còn rất thiếu thốn trong thời gian tới” – ông Yên nói.

C.THÀNH – T.LINH (Báo Lâm Đồng, 13/2/2017)