Nhiều trường tiểu học tại Đà Lạt đang triển khai chương trình thí điểm tiếng Anh cho học sinh bậc tiểu học ngay từ lớp 1.

Thống nhất chương trình

Nằm trong khu vực trung tâm Đà Lạt, Tiểu học Đoàn Kết năm học 2016 – 2017 này có gần 800 học sinh đang học tại 21 lớp trong bậc tiểu học. Đây là 1 trong 5 trường tiểu học (gồm Đoàn Kết, Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn và Trưng Vương) tại thành phố Đà Lạt được ngành Giáo dục (GD) Lâm Đồng chọn thí điểm chương trình tiếng Anh cấp tiểu học từ năm học 2012 – 2013; đây đã là năm thứ tư trường dạy tiếng Anh cho học sinh.

Trong giờ học tiếng Anh của Tiểu học Đoàn Kết - Đà Lạt. Ảnh: V.Trọng
Trong giờ học tiếng Anh của Tiểu học Đoàn Kết – Đà Lạt. Ảnh: V.Trọng

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Phó Hiệu trưởng, trong năm học 2012 – 2013, ban đầu trường chỉ áp dụng chương trình tiếng Anh 4 tiết/tuần cho học sinh từ các khối lớp 3 đến lớp 5. Đến năm học 2014 – 2015, trường mới bắt đầu thí điểm chương trình làm quen với tiếng Anh cho học sinh khối lớp 1 và 2. Do đây là chương trình thí điểm, không bắt buộc nên trong năm học này vẫn còn không ít phụ huynh ngần ngại chưa cho con mình theo học.

Về chương trình, năm đầu tiên học sinh khối lớp 1 và 2 học trực tuyến theo giáo trình do một đơn vị giáo dục từ TP Hồ Chí Minh biên soạn và vận hành. Thông qua giới thiệu của Sở GD-ĐT Lâm Đồng, đơn vị này đã đầu tư một phòng máy tại trường cho học sinh theo học. Tuy nhiên do học phí khá cao, 170 nghìn đồng/ tháng nên năm sau đó, theo đề nghị của trường, công ty này thay giáo trình trực tuyến bằng phần mềm vận hành tại trường, học phí được giảm xuống chỉ còn 80 nghìn đồng/ học sinh.

Tuy nhiên, theo cô Hiếu, điểm bất cập là khi đến lớp 3 học sinh lại không tiếp tục được học theo giáo trình này mà buộc phải đổi sang giáo trình 4 tiết/tuần theo quy định của ngành. “ Sau 2 năm triển khai trường thấy bất tiện, nếu tiếp tục có thể gây khó cho học sinh nên trường đã điều chỉnh trong năm học này” – cô Hiếu nói.
Điều chỉnh lớn nhất là Tiểu học Đoàn Kết đã thống nhất chương trình dạy tiếng Anh cho toàn bộ học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Cụ thể, tất cả học sinh các khối từ lớp 1 đến lớp 5 đều học theo giáo trình “Family and Friends” (Gia đình và bè bạn) do Nhà Xuất bản GD phát hành. Đây là một trong những giáo trình do Phòng GD-ĐT Đà Lạt quy định.

Theo quy định, học sinh khối 1 và 2 sẽ học tiếng Anh tự chọn 2 tiết/tuần, từ lớp 3 đến lớp 5 sẽ thành môn chính với 4 tiết/tuần. Bên cạnh các giáo viên trong trường trực tiếp dạy học, trường còn hợp đồng thêm 1 giáo viên đạt chuẩn từ bên ngoài. Học sinh trên lớp được làm quen với cả 4 kỹ năng gồm nói, đọc, nghe, viết, học các cấu trúc ngữ pháp đơn giản, đặc biệt là rèn phát âm với sự hỗ trợ của giáo viên cùng trang thiết bị nghe nhìn của trường.

Do trường tự vận hành nên học phí hằng tháng cho học sinh khối 1, 2 năm học này đã giảm xuống đáng kể “Nhằm tạo điều kiện cho tất cả học sinh tham gia nên trường chỉ thu hằng tháng đủ chi cho các khoản phục vụ học tập mà thôi, tiền học hằng tháng chỉ bằng 1/3 so với năm vừa rồi” – cô Hiếu cho biết.

Khi tự chọn là chính khóa

Theo chỉ đạo của Phòng GD-ĐT Đà Lạt, các trường tiểu học trên địa bàn trong năm học 2016 – 2017 này nên vận động giáo viên dạy tiếng Anh tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, ít nhất là từ cấp B1 trở lên theo khung năng lực châu Âu (CEFR). Trong trường hợp có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, có giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn theo quy định, trường đăng ký với Phòng GD – ĐT Đà Lạt tổ chức dạy tiếng Anh theo chương trình 4 tiết/tuần cho học sinh từ khối lớp 3 trở lên và nếu được nên triển khai việc dạy tiếng Anh thí điểm ở khối lớp 1, 2 theo tinh thần chỉ đạo của ngành.

Về chương trình, Phòng GD-ĐT Đà Lạt yêu cầu các trường dạy theo các tài liệu đã được Sở GD-ĐT Lâm Đồng quy định, bao gồm cả 2 chương trình 2 tiết/ tuần và 4 tiết/ tuần. Cụ thể, đó là các giáo trình Tiếng Anh 3, 4, 5 (Nhà Xuất bản GD), Family and Friends – Special Edition (Nhà Xuất bản GD), I – learn My Phonics (lớp 1 và 2) và I – learn Smart Start (Nhà Xuất bản Oxford) hoặc phần mềm trực tuyến đã được Sở GD-ĐT Lâm Đồng tổ chức tập huấn trong năm học 2015 – 2016. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm thông báo và hướng dẫn phụ huynh biết về chương trình học của con em mình.

Với giáo viên dạy thí điểm tiếng Anh ở lớp 1, 2, Phòng GD-ĐT Đà Lạt hướng dẫn các trường ưu tiên hợp đồng giáo viên dạy tiếng Anh thuộc biên chế của trường, nếu thiếu so với số tiết quy định, Phòng GD-ĐT Đà Lạt sẽ giới thiệu người.

Về kinh phí chi trả cho hợp đồng giáo viên, các trường sẽ thu từ phụ huynh học sinh nhưng chỉ thu bù chi theo thỏa thuận hợp đồng giảng dạy với giáo viên, không thu thêm bất kỳ khoản nào ngoài quy định.

Phòng GD-ĐT Đà Lạt cho biết, trong năm học này, sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ việc tổ chức dạy học tiếng Anh trong các trường tiểu học trên địa bàn, đồng thời coi việc dạy thí điểm ở các lớp 1, 2 cũng là dạy chính khóa theo quy định.

Phòng yêu cầu hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm quản lý giáo viên dạy tiếng Anh, quản lý việc thực hiện chương trình, nội dung, kế hoạch dạy học và đánh giá học sinh đúng theo quy định.

Đặc biệt, Phòng yêu cầu các trường tiểu học chấm dứt tình trạng đưa các trung tâm, các cơ sở ngoại ngữ tư và giáo viên ngoại ngữ vào trường để thực hiện các chương trình chính khóa hoặc dưới hình thức dạy thêm học thêm không đúng quy định. Ngoài các giờ học chính khóa quy định, hiệu trưởng các trường có thể xem xét điều kiện phù hợp để phối hợp với các trung tâm, các cơ sở dạy ngoại ngữ ngoài công lập để tổ chức các hoạt động giao lưu, CLB kỹ năng tiếng Anh cho học sinh.

VIẾT TRỌNG (Báo Lâm Đồng, 24/10/2016)