Trong trí nhớ của tôi, Xóm Ruộng ngày ấy nghèo lắm. Vài ba mái nhà lợp tôn xi măng nằm đìu hiu dưới ruộng trũng, vài cái ao cá với dăm hàng bắp được trồng xung quanh. Còn trong ký ức của những cư dân đầu tiên đến đây lập nghiệp, Xóm Ruộng ngày ấy và bây giờ đã khác xa một trời một vực. Những vất vả, nhọc nhằn của thuở sơ khai đã lùi dần để nhường chỗ cho sự trù phú, đủ đầy.

Phương Thanh cắt rau thơm chuẩn bị cho ba mang ra chợ bỏ mối. Ảnh: Hữu Sang
Phương Thanh cắt rau thơm chuẩn bị cho ba mang ra chợ bỏ mối. Ảnh: Hữu Sang

Xóm tha phương

Xóm Ruộng là cái tên thông thường mà mọi người hay gọi theo đúng hiện trạng của vùng đất này mười mấy năm về trước, nằm lọt thỏm dưới chân núi Đại Bình thuộc địa bàn tổ 5, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc. Xóm Ruộng ngày ấy từng là nỗi ám ảnh về cái đói, cái nghèo và sự cơ cực không của riêng bất cứ ai. Ngồi trước hiên nhà trong ánh nắng chiều xiên qua những luống rau xanh tốt, bà Tới ngoài 60 tuổi trầm ngâm khi nhớ về những ngày đầu phải bỏ xứ vào đây lập nghiệp. Gia đình bà Tới là một trong những hộ dân đầu tiên đến Xóm Ruộng. Cũng bởi làm ăn thua lỗ, nợ nần nơi quê nhà mà cả gia đình bà phải tha phương cầu thực. Hai vợ chồng, mấy đứa con, đứa lớn nhất khi đó 16 tuổi, nhỏ nhất 2 tuổi dắt díu nhau vào vùng đất Tà Lài, Định Quán mua đất phát rẫy. Được vài tháng, một dịp tình cờ, chồng bà đến Xóm Ruộng và quyết định di dời gia đình một lần nữa để lập nghiệp nơi đây. Đó là quãng thời gian vào những năm đầu của thập niên 90, với hơn chỉ vàng có trong tay, bà Tới mua được một sào ruộng. “Gọi là ruộng nhưng chẳng thể trồng lúa vì cỏ chỉ bao phủ khắp mặt ruộng. Vợ chồng con cái vật lộn với mảnh ruộng không chân đó bất kể sớm tối, bất kể mưa nắng. Chồng thì lội dưới ruộng để phát cỏ chỉ vứt lên bờ, tôi và con gái lớn thì kéo lên đắp bờ, trồng bắp. Để có cái ăn qua ngày thì ban ngày cả nhà lại đi hái cà phê thuê, tối muộn mới có thời gian làm ruộng nhà. Đói ăn đến độ một mớ rau muống luộc chấm nước muối thôi cũng được xem là món ngon của cả nhà” – bà Tới rơm rớm nước mắt khi nhớ lại những ngày tủi cực. Khi tôi cứ hỏi gợi về thời gian đầu cơ cực, bà gạt đi như không muốn nhớ lại. Đôi bàn tay chai sần đầy vết sẹo của bà cứ đan xoắn vào nhau khi nhớ lại quá khứ. Mỗi ký ức như một nỗi đau mà có lẽ sẽ khó xóa nhòa trong tâm khảm người phụ nữ này. Đó là những ngày đội mưa, đội nắng chạy chợ để kiếm cái ăn qua ngày, đó là những lúc đôi bàn tay tứa máu nhưng vẫn phải cố tuốt cà phê vì sợ bỏ ngang việc chủ sẽ không trả công. Nhìn ngôi nhà đã xây mới gần chục năm nay, mà theo bà nay nó thuộc loại xấu xí nhất của Xóm Ruộng này, bà bảo: Căn nhà là niềm mơ ước lớn mà hai vợ chồng đã thực hiện được. Khi mới vào, cả nhà chỉ dựng chòi ở tạm, chẳng bao giờ dám mơ có một căn nhà xây như thế. Trong ánh mắt, nụ cười của bà tràn ngập niềm hạnh phúc, hạnh phúc hơn khi con gái lớn của bà Tới đã xây được nhà mới ra ở riêng, những đứa cháu, đứa chắt của bà cũng được sinh ra và đang từng ngày trưởng thành trên vùng đất mới này.

Hơn 20 mái nhà khang trang đã được xây nên trên mảnh ruộng trũng một thời gian khó. Dưới mỗi mái nhà là những câu chuyện về sự cơ cực, về nỗ lực vươn lên. Dưới những mái nhà đó là những mảnh đời buồn về một thời phải “tha phương cầu thực”. Câu chuyện của ông Hiếu “Sài Gòn” có lẽ là một mảnh ghép buồn nhất nơi Xóm Ruộng này. Năm 1990, tai nạn khi sản xuất pháo khiến ông bị phỏng khắp người. Ông đã rời Sài Gòn đến Xóm Ruộng với ý định ban đầu là để dưỡng thương. Lâu dần, ông yêu quý mảnh đất này và đưa vợ con lên đây sinh sống. Thời gian đầu cũng là một chuỗi ngày cơ cực khi vốn liếng chỉ đủ mua một sào đất, còn cái ăn, cái mặc của cả nhà phải chạy lo từng bữa rất chật vật. Ngày thì ông vào rừng để lấy tre nứa đan sọt bán, đêm về thì lại cuốc đất cải tạo mảnh vườn đầy cỏ tranh khô cằn. Vợ chồng, con cái ở trong căn chòi dựng tạm mà theo ông Hiếu thì “cái giường không có để nằm, cái chén không có để ăn”. Với người đàn ông trụ cột gia đình thì nỗi cơ cực đó không thể làm ông gục ngã nhưng nỗi đau lớn nhất khiến ông phải ngã quỵ là người vợ bao năm gắn bó lại dứt áo bỏ ông đi. Khi đó, người con gái út của ông là Ngô Thùy Phương Thanh chỉ vừa hơn hai tuổi. Gà trống nuôi con, ông cố gắng tạo dựng một cuộc sống mới cho ông và cho con. Năm nay, Phương Thanh đã 24 tuổi. Học đến lớp 11 thì em nghỉ học để ở nhà phụ ba trồng rau. “Ba không đồng ý cho nghỉ nhưng em cứ quyết tâm vì lúc đó thấy ba làm rau một mình cực quá. Giờ nghĩ lại cũng buồn vì bỏ học nhưng em lại vui hơn vì đã phụ giúp được để ba đỡ cực” – Thanh tâm sự. Phương Thanh là người con duy nhất ở lại với ông Hiếu nơi đây. Mỗi ngày, với 3 sào đất trồng rau thơm, ông Hiếu phải dậy từ tờ mờ sáng để chở rau ra chợ bỏ mối. Còn Thanh cả ngày thì tất bật với việc cắt rau, đóng gói. Với hai cha con, hạnh phúc giản đơn chỉ có thế. Thanh cứ nhắc đi nhắc lại hình ảnh mỗi sớm mai cha đẩy rau ra chợ bán, đứa con gái nhỏ của ông là em ngồi vắt vẻo một bên sọt rau để đến trường. Hình ảnh đó là động lực để Thanh gắn bó với mảnh ruộng trũng này. Gần đây, ông Hiếu đã đi bước nữa với người phụ nữ khác. Với Thanh, đó là niềm vui tuổi già của ba, người đàn ông 57 tuổi và cũng là niềm vui của ngôi nhà nhỏ nằm giữa ruộng rau thơm.

Trăn trở vùng rau an toàn

Không biết ai, cũng chẳng biết từ khi nào cây rau được trồng ở Xóm Ruộng. Chỉ biết, ngày nay tất cả các hộ dân trong xóm đều trồng rau, từ rau xà lách, cải ngọt, rau thơm đến dưa leo, hành, ngò… Hơn 20 hộ dân thì có xấp xỉ 20 ha trồng rau. Trước đây, người dân trồng rau rồi đem ra chợ bán lẻ, còn giờ đây thì hầu hết đều được bán buôn. Rau Xóm Ruộng đã được bỏ mối tại chợ Bảo Lộc với một khu vực riêng ghi rõ “Rau Xóm Ruộng” như một bảo chứng về mức độ an toàn. Từ đây, rau lại được phân phối đi khắp nơi. Rau Xóm Ruộng còn cung cấp cho siêu thị Bảo Lộc, cho một số đơn vị khác ở Sài Gòn. Người dân trồng rau ở Xóm Ruộng cũng đã biết liên kết để thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn. Thế nhưng, những trăn trở phát triển vùng rau này vẫn còn là nỗi niềm của nhiều người nông dân nơi đây. Vợ chồng ông Thiêm, bà Vui được xem là một trong những người tiên phong trồng rau ở Xóm Ruộng. Hơn 15 năm qua, hơn sào đất trồng rau đã giúp ông bà xây được nhà, lo cho 2 đứa con ăn học đủ đầy. Với ông bà, điều ước đã thành hiện thực vì khi rời quê vào đây thì chẳng mấy ai dám nghĩ mình sẽ có được ngày này. Giờ đây, vườn rau của ông bà cũng tham gia vào Tổ hợp tác để sản xuất rau an toàn. Như một chuyên gia về rau, ông Thiêm kể tường tận cách thức làm đất, bón phân, phun xịt thuốc, cách ly như thế nào để rau đảm bảo an toàn. Ông cũng cho biết được các anh ở Phòng Kinh tế, Trung tâm Nông nghiệp hỗ trợ rất nhiều về kỹ thuật sản xuất rau an toàn. Thế nhưng, do hạn chế về diện tích nên không thể nhận những hợp đồng cung ứng lớn, hạn chế về nguồn vốn nên chưa thể đầu tư nhà lưới, nhà kính để sản xuất rau tốt hơn. Đây cũng là cái khó của hầu hết các hộ dân trồng rau nơi Xóm Ruộng.

Nhà kính sản xuất rau giống của ông Nguyễn Văn Dực ở Xóm Ruộng. Ảnh: Hữu Sang
Nhà kính sản xuất rau giống của ông Nguyễn Văn Dực ở Xóm Ruộng. Ảnh: Hữu Sang

Giữa Xóm Ruộng, nhà kính trồng rau hiếm hoi được đầu tư là của ông Nguyễn Văn Dực, Tổ phó Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn. Là người vào Xóm Ruộng muộn hơn những hộ dân khác, vào năm 2000, ông Dực cũng mua đất trồng rau như những hộ dân xung quanh để kiếm đồng ra đồng vào mỗi ngày. Từ năm 2009, ông đã đầu tư 400 triệu đồng để làm nhà kính và chuyển sang sản xuất rau giống để cung ứng cho bà con trong xóm và một số vùng lân cận. Hiện tại, gia đình ông Dực được xem là khấm khá nhất trong Xóm Ruộng, thế nhưng, với ông, đủ tiền để trang trải cho con cái ăn học là may mắn và hạnh phúc lắm rồi. Con gái lớn của ông Dực hiện đang học Khoa Dược Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, còn con trai thì đang học chuyên ngành sinh học của Đại học Khoa học Tự nhiên.

Vườn rau giống của ông Dực là nguồn cung ứng giống rau chủ yếu cho Tổ hợp tác. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho Tổ hợp tác vì nguồn rau giống được cung cấp đảm bảo để xuống cùng thời điểm. Ban đầu thành lập, Tổ hợp tác có 12 thành viên, sau đó tăng lên 17, hiện giảm còn khoảng 10 hộ với diện tích sản xuất khoảng 5 ha. Ông Dực cho biết: Cái khó nhất của Tổ hợp tác là không tích tụ được nhiều ruộng đất để có thể nhận những hợp đồng cung ứng rau với số lượng lớn. Tổ hợp tác đã phải từ chối nhiều hợp đồng tiêu thụ lớn vì không đủ khả năng cung ứng. Hơn nữa, sự liên kết và ràng buộc trong Tổ hợp tác còn lỏng lẻo cũng là một trở ngại lớn cho khâu liên kết tiêu thụ. Ngoài Xóm Ruộng của phường Lộc Sơn thì Bảo Lộc cũng hình thành một số vùng rau khác ở xã Đam Bri, phường Lộc Phát… Thế nhưng, sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao dường như còn là điều “xa xỉ” đối với những vùng rau này.

Lời kết

Thế hệ kế cận nơi Xóm Ruộng dù có trưởng thành, học hành đến nơi đến chốn như mong muốn của bố mẹ, thì cũng không ngoài trăn trở làm cho Xóm Ruộng, phát triển hơn; và tôi tin rằng, những tấm bằng đại học chuyên ngành về công nghệ sinh học, những kỹ sư nông nghiệp đã được sinh ra, lớn lên ở Xóm Ruộng sẽ lại trở về, đóng góp cho Xóm Ruộng mai này ngày càng trù phú.

HỮU SANG (Báo Lâm Đồng, 9/2/2017)