Tuy không có phép nhưng tại Tiểu khu 474 xã Ðại Lào (TP Bảo Lộc) bị một cá nhân liên tục khai thác cát. Và mặc dù UBND xã Ðại Lào cho rằng đã nhiều lần xử lý, song đến nay cá nhân này vẫn ngang nhiên khai thác cát trái phép. Trong khi đó, dù có phép khai thác nhưng một doanh nghiệp khai thác cát tại tiểu khu này cũng bị người dân phản ánh với lý do gây ô nhiễm, bồi lắng dòng suối, ảnh hưởng đến sản xuất.

Dòng suối đỏ ngầu chảy qua khu vực sản xuất mà người dân cho rằng do hoạt động khai thác cát gây ra.

Liên tục tái phạm

Giữa tháng 10/2018, chúng tôi có mặt tại khu vực khai thác cát của ông Võ Thành Long (ngụ tại Thôn 3, xã Đại Lào). Phải vượt qua một đoạn đường dài rất khó đi vì sình lầy, chúng tôi mới đến được khu vực khai thác tại Tiểu khu 474 của ông Long. Vì đến bất ngờ nên tại thời điểm đó, ông Long và một người khác đang vận hành máy bơm trực tiếp hút cát lên xe máy cày. Để có thể hút cát từ hồ lắng thì nước liên tục được bơm vào ngọn đồi ở phía trên để rửa trôi đất, cát chảy xuống hồ lắng. Đất, cát sau khi sục rửa qua hồ lắng thì toàn bộ nước bùn đỏ được thải trực tiếp ra suối gần đó. Khi thấy chúng tôi, ông Long ngừng việc bơm hút cát và giải thích đất khu vực này thuộc sở hữu của gia đình ông và ông chỉ khai thác tận dụng cát tự trôi từ trên đồi xuống. Ông Long thừa nhận: “Tôi vẫn biết hút cát thế này là sai và không ai cho phép cả. Thời gian qua, chúng tôi đã bị chính quyền địa phương xử phạt và bắt xe nhiều lần. Nhưng thấy cát trên đồi trôi xuống nhiều mà không làm thì phí nên chúng tôi lại tiếp tục làm. Từ khi bắt đầu làm đến nay chắc cũng gần 2 năm rồi”.

Đây không phải lần đầu ông Long bị phát hiện khai thác cát trái phép tại khu vực này. Trước đó, vào ngày 6/9/2018, UBND xã Đại Lào đã có báo cáo gửi UBND TP Bảo Lộc về việc khai thác cát trái phép và sử dụng đất sai mục đích, gây sạt lở và hủy hoại đất của ông Võ Thành Long. Sau đó, ngày 12/9, UBND TP Bảo Lộc đã yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm này. Đến ngày 20/9, UBND TP Bảo Lộc tiếp tục có văn bản nêu rõ: “Các hành vi vi phạm pháp luật của ông Long nằm trong lâm phần thuộc trách nhiệm quản lý của Hạt Kiểm lâm Bảo Lộc. Do đó, giao Hạt Kiểm lâm chủ trì, tiếp tục phối hợp với UBND xã Đại Lào mời các đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật”. Ông Phạm Công Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lào, cho biết: Sau khi có văn bản chỉ đạo của thành phố, UBND xã đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm và quyết định tịch thu tang vật vi phạm là máy hút cát của ông Long. Do đường vào khu vực khai thác cát của ông Long rất khó đi và thời điểm đó mưa nhiều nên chưa thể cho phương tiện vào chở máy bơm ra. Khi nào thời tiết thuận lợi, UBND xã sẽ bố trí lực lượng vào để tịch thu máy hút cát của ông Long. Tuy nhiên, đến sáng 24/11, khi chúng tôi trở lại khu vực này thì xe máy cày của ông Long vẫn đang đậu sẵn để đợi bơm cát lên xe. Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, hoạt động khai thác cát của ông Long vẫn diễn ra bình thường với mỗi ngày khoảng 5 – 7 xe máy cày.

Liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Đại Lào, theo tìm hiểu của chúng tôi, dọc theo dòng suối đổ ra suối Đại Lào vẫn còn một số điểm khai thác nhỏ lẻ chủ yếu do các cá nhân khai thác lén lút diễn ra chủ yếu vào chiều tối về đêm. Việc khai thác trái phép này cũng gây ô nhiễm dòng suối Đại Lào.

Dân không đồng tình

Cách khu vực khai thác cát của ông Long không xa là “công trường” khai thác cát của Công ty TNHH Trung Sơn Bảo Lộc (gọi tắt là Công ty Trung Sơn) được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép khai thác cát xây dựng và đá chẻ trong Dự án đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa và dê lai bách thảo tại Tiểu khu 474 (xã Đại Lào). Theo đó, tổng diện tích khai trường là 5,25 ha; trong đó, khu vực khai thác là 3,58 ha, còn lại là bãi thải và sân công nghiệp. Trữ lượng khai trường là hơn 215.000 m3 cát và gần 36.000 m3 đá chẻ, khối lượng bùn thải là 49.659 m3. Thời gian khai thác là 5 năm kể từ ngày cấp phép là ngày 5/5/2017. Công ty Trung Sơn được cấp phép khai thác cát và đá chẻ là để thu hồi khối lượng khoáng sản trong quá trình san gạt mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa và dê lai bách thảo tại Tiểu khu 474 (xã Đại Lào) của Công ty. Sau khi được cấp phép, Công ty Trung Sơn đã triển khai các bước và bắt đầu khai thác cát, đá cách đây vài tháng.

Hoạt động khai thác của Công ty Trung Sơn và ông Long đã bị người dân khu vực phía hạ nguồn dòng suối phản ứng vì cho rằng quá trình khai thác cát đã xả thải gây ô nhiễm, bồi lắng dòng suối, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ tại Thôn 2, xã Đại Lào) phản ánh: Liên tục nhiều tháng nay, ngày cũng như đêm, dòng suối chảy qua khu vực đất vườn nhà ông lúc nào cũng bị đục ngầu vì bùn đỏ. Để bơm nước vào ao nuôi cá, ông phải canh rất nhiều ngày để lấy nước trong nhưng nhiều hôm nước đục vẫn tràn vào. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của gia đình ông. Còn theo ông Nguyễn Sỹ Cường (trú tại Thôn 2, xã Đại Lào) thì suối bị bồi lắng bùn đỏ sẽ khiến người dân không để sử dụng nguồn nước để tưới cho chè và cà phê vào mùa khô sắp tới. “Chúng tôi yêu cầu Công ty Trung Sơn khai thác cát phải đảm bảo theo đúng như báo cáo tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu không thực hiện đúng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân thì đề nghị phải thu hồi” – ông Cường kiến nghị. Trong khi đó, ông Phạm Công Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lào, cho biết: Trước đây, ngay khi họp dân để lấy ý kiến về báo cáo tác động môi trường của Công ty Trung Sơn thì tất cả 13 người dân có mặt đều không đồng ý và UBND xã cũng có văn bản nêu rõ quan điểm không đồng ý về báo cáo tác động môi trường này vì khu vực khai thác của Công ty Trung Sơn là khu vực đầu nguồn, quá trình khai thác sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy bên dưới. Trước đây, khu vực này cũng từng được cấp phép cho một đơn vị khai thác cát. Quá trình khai thác cát cũng gây ô nhiễm dòng suối và bị người dân phản ứng. Sau khi hết hạn và không được gia hạn trở lại, đơn vị này đã sang nhượng phần đất của mình cho Công ty Trung Sơn.

Cát được bơm trực tiếp từ hồ lắng lên xe máy cày tại khu vực khai thác cát của ông Long tại Tiểu khu 474

Trước những phản ánh của người dân, cuối tháng 9/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cùng với UBND TP Bảo Lộc, các đơn vị chức năng liên quan đã tiến hành kiểm tra thực tế.

Kết quả kiểm tra cho thấy “việc lòng suối bị bồi lắng, ảnh hưởng đến việc tưới tiêu của người dân tại thời điểm kiểm tra là có, tuy nhiên mức độ là không đáng kể. Cùng với đó, lưu vực thượng nguồn suối Đại Lào, trong đó có mỏ của Công ty Trung Sơn, địa hình đồi dốc nên khi mưa lớn kéo dài dễ xảy ra hiện tượng đất cát bị rửa trôi gây đục, bồi lắng ở hạ nguồn”.

Nói về kết quả kiểm tra này, ông Nguyễn Văn Sơn phản ứng: “Đoàn kiểm tra chỉ thực hiện vào một thời điểm nhất định, trong khi người dân chúng tôi sống ở đây chứng kiến mỗi ngày về việc dòng suối bị đục và bồi lắng. Bản thân tôi có quay phim, chụp hình và ghi thành nhật ký nên kết luận mức độ bồi lắng không đáng kể là không chính xác với thực tế vẫn đang diễn ra hàng ngày, dù trời nắng hay mưa”.

Từ kết quả kiểm tra, Sở TNMT yêu cầu Công ty Trung Sơn xây dựng các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án theo báo cáo tác động môi trường và phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt; lập hồ sơ, báo cáo kết quả thực hiện về Sở TNMT trước ngày 20/10/2018 để kiểm tra, xác nhận trước khi dự án đi vào vận hành chính thức. Sau thời gian trên, nếu doanh nghiệp không thực hiện thì Sở TNMT sẽ xử lý theo quy định; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh đình chỉ khai thác khoáng sản theo giấy phép đã cấp. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Ngọc Trung, đại diện Công ty Trung Sơn, thì do yêu cầu của Sở TNMT cần nhiều hồ sơ, giấy tờ nên phía công ty ông đã xin gia hạn đến 31/12/2018 sẽ hoàn tất các hồ sơ, giấy tờ mà sở yêu cầu. Cũng theo ông Trung, đất khu vực Tiểu khu 474 mà ông triển khai Dự án đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa và dê lai bách thảo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã chuyển mục đích sử dụng đất sang đất chuyên dùng.

Đông Anh – Khánh Phúc (Báo Lâm Đồng, 27/11/2018)