Nhà máy đốt rác thứ 2 của tỉnh Lâm Đồng nằm trên đỉnh một ngọn đồi ở xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc với tham vọng từ bỏ dần phương pháp xử lý rác bằng cách chôn lấp.

Nhà máy đốt rác thứ 2 của Lâm Đồng nằm trên đỉnh một quả đồi được san bằng một nửa. Đến giữa tháng 10/2016, nhà máy cơ bản đã chuẩn bị xong mặt bằng, đổ phần móng, dựng các khung kết cấu thép và đang bước vào công đoạn xây dựng lò đốt. Nhà máy dự kiến bắt đầu đốt rác sinh hoạt vào quý I/2017, phục vụ nhu cầu xử lý rác cho thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) và một số huyện lân cận.

Nhà máy đốt rác trị giá 600 tỷ đồng được xây dựng trên đỉnh đồi.
Nhà máy đốt rác trị giá 600 tỷ đồng được xây dựng trên đỉnh đồi.

Hệ thống lò đốt rác sinh hoạt đang được xây dựng với 7 buồng, công suất xử lý tối đa 200 tấn một ngày. Chủ đầu tư cho biết, công nghệ đốt rác được nhập khẩu 100% từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Quy trình đốt được xử lý hoàn toàn tự động từ khâu bóc tách đầu vào, phân loại rác, đốt, xử lý khói cho đến tro đầu ra. Mỗi giờ, hệ thống robot sẽ tự động bóc dỡ 5 tấn rác đã qua phân loại để đưa vào lò đốt hoạt động liên tục 24/24h.

Ngoài hệ thống đốt rác thải sinh hoạt, nhà máy còn lắp đặt xong hệ thống đốt rác thải y tế với công suất 10 tấn mỗi ngày. Trong giai đoạn tiếp theo, cơ sở này sẽ có thêm hệ thống xử lý rác thải độc hại, phế phẩm công nghiệp, nông nghiệp với công suất trên 150 tấn một ngày.

Cùng với nhà máy, khu vực hồ điều hòa cũng đang được xây dựng song song. Theo chủ đầu tư, hồ điều hòa đóng vai trò xử lý nước thải từ rác và xử lý khói trong quá trình đốt rác để đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng cho xây dựng tuyến đường để các xe rác tiến vào nhà máy, bắt đầu đưa rác vào chuỗi phân loại, xử lý và đốt. Trong quá trình phân loại, rác thải hữu cơ sẽ được tách riêng để đưa sang hệ thống xử lý và ủ phân hữu cơ. Hầu hết khối lượng rác còn lại sẽ được đưa vào lò đốt, sau khi đã loại bỏ các loại rác thải không thể đốt hay có thể tích quá cồng kềnh, cần xử lý riêng.

Con đường vận chuyển rác lên đỉnh đồi.
Con đường vận chuyển rác lên đỉnh đồi.

Đối với một nửa đỉnh đồi còn lại, tham vọng của lãnh đạo thành phố Bảo Lộc và chủ đầu tư là sẽ xây dựng thành một công viên sinh thái để người dân địa phương vui chơi và thu hút khách du lịch đến tham quan, tương tự như mô hình các công viên du lịch trong nhà máy rác mà một số nước đã làm.

Ông Lê Đình Trọng – Giám đốc Công ty Cao nguyên xanh Đà Lạt, chủ đầu tư nhà máy – chia sẻ với số vốn 600 tỷ đồng, ông vẫn chưa tính được thời gian hoàn vốn của dự án. Với giá xử lý rác hiện chỉ 160.000 đồng một tấn của thành phố Bảo Lộc, thì nhà máy này không có hiệu quả về kinh tế. Do đó, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đang cân nhắc nâng mức giá xử lý rác lên 360.000 đồng mỗi tấn. Ông cho rằng, mức giá dự kiến này tuy đã cao hơn nhiều nhưng thật sự vẫn còn khá bấp bênh cho chủ đầu tư.

“Ở Việt Nam, giá xử lý rác phải trên 500.000 đồng một tấn thì chủ đầu tư các nhà máy đốt rác mới chắc ăn có lãi. Còn với giá hiện nay thì rất nhiều nhà máy đang ‘đắp chiếu’ hay hoạt động cầm chừng, như nhà máy đầu tiên của Lâm Đồng tại xã Xuân Trường cũng vậy”, ông Trọng trăn trở.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Quốc Bắc – Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc và chủ đầu tư khá tự tin vào khả năng đảm bảo môi trường của nhà máy đốt rác dù gần đây đã có không ít tai tiếng từ một vài nhà máy xử lý rác trong nước. Đối với nhà máy đốt rác trên đỉnh đồi của Bảo Lộc, theo ông Bắc, sở dĩ chọn địa hình này vì xa khu cân cư, đảm bảo khoảng cách theo quy định. Còn theo phía chủ đầu tư, vấn đề mùi hôi chỉ có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển, xe rác sẽ đi qua một vài khu vực đông dân để lên được đồi. Điều đó có thể gây một chút bất tiện cho người dân.

Viễn Thông (Báo Vnexpress, 21/10/2016)