Nhặt được iPhone 7, cô gái tên P.V không chịu trả lại mà còn nhắn tin xin anh P mật khẩu để sử dụng luôn, không cần ra tiệm bẻ khóa.

Chiều 22.4, sau khi đi rửa xe, anh P vô tình để quên chiếc iPhone 7. Đang buồn, anh P bất ngờ nhận tin nhắn Facebook từ người nhặt được iPhone 7 của mình là P.V – cô gái ở TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Trong tin nhắn, P.V thể hiện sự trơ trẽn khi xin anh P mật khẩu để dùng iPhone 7 nhặt được mà không phải ra tiệm bẻ khóa.

Thật ra tối qua em có nhặt được iPhone 7 của anh. Anh có lòng tốt cho em xin mật khẩu để xài luôn được không ạ?”. Đó là nội dung P.V nhắn cho anh P.

Anh P xin được chuộc lại iPhone 7 và cho biết đang ở trong trường Sĩ quan Lục quân 2 (xã Tam Phước, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) thì P.V hỏi: “Anh muốn chuộc bao nhiêu? Thấp quá thì em đi bẻ khóa để xài”.

Anh P tiết lộ iPhone 7 của mình là bản khóa mạng mua chỉ 4 triệu đồng nên muốn chuộc bằng 3 triệu đồng.

P.V không chịu đến trả vì sợ dính đến công an, tiếp tục xin mật khẩu máy nhưng không được nên đề nghị anh P bán tài khoản iCloud.

Dù anh P đề nghị P.V đi cùng người nhà gặp mình hay gửi iPhone 7 qua đường bưu điện, song rốt cuộc cô ta vẫn không đồng ý vì sợ bị đánh và công an “sờ gáy”.

Về chuyện khó đỡ trên, anh P cho biết: “Chiều qua, em đi rửa xe xong rồi bị mất iPhone 7. Mất rồi thì thôi đã đành, đằng này nó lại còn nhắn tin nhận tội rồi xin luôn mật khẩu để đỡ tốn tiền bẻ khoá. Em cũng cạn lời luôn. Lần đầu tiên gặp phải kiểu người này, lại còn là con gái. Đúng cười ra nước mắt luôn”.

P.V nhắn tin xin mật khẩu iPhone 7 của anh P.

Sau khi anh P đăng câu chuyện dở khóc dở cười của mình lên Facebook, nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ với P.V. Hàng trăm người vào Facebook P.V yêu cầu trả lại iPhone 7 cho anh P và chửi bới cô không tiếc lời.

Hoảng sợ, P.V tạm khóa Facebook cá nhân. Thế nhưng, dân mạng tiếp tục vào Facebook của mẹ và dì P.V, nhắn tin và bình luận đề nghị họ nói con/cháu mình trả lại iPhone 7 cho anh P.


Dân mạng đề nghị Q nói cháu mình trả iPhone 7 cho anh P.

Q – dì của P.V đăng status biện hộ cho hành động xấu của cháu mình là “bị hack Facebook” song chả ai tin điều này. Thế là Q phải xóa status.

Trước sức ép từ dư luận, nhiều người cho rằng không sớm thì muộn P.V phải gửi trả iPhone 7 cho anh P.


Nhặt của rơi không trả có thể bị phạt tù

Theo quy định tại điều 176 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trường hợp người nhặt được điện thoại nhưng không trả đã phạm vào tội Chiếm giữ trái phép tài sản.

Tội Chiếm giữ trái phép tài sản được hiểu là hành vi cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.

Trong đó, người nhặt tài sản buộc phải biết tài sản đó không phải của mình mà cố tình không trả lại cho chủ sở hữu hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm và bán cho người khác là đã có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.

Theo quy định, người chiếm giữ trái phép tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng; hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 – 5 năm.

Nhân Hoàng (Theo Một Thế Giới, 23/04/2019)