Ðể có đường đi lại vận chuyển nguyên vật liệu thi công xây dựng cầu Minh Rồng (thuộc Dự án đường tránh Quốc lộ 20, TP Bảo Lộc), đơn vị thi công là Công ty Ðông Mê Kông, trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh đã đặt cống tạm tại suối Ðỏ (phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc). Việc này là nguyên nhân làm thu hẹp dòng chảy khiến nước dâng ngập vườn làm cây trồng của nhiều hộ dân chết hàng loạt gây thiệt hại nghiêm trọng.

Cà phê của người dân chết khô do bị ngâm nước quá lâu. Ảnh: H.Đ

Sau khi nhận được phản ánh của người dân về vụ việc này, PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc “thị sát” tại vườn cà phê và các loại cây ăn trái của người dân khu vực suối Đỏ (Tổ dân phố 22, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc). Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, hiện tại tuy nước rút nhưng trong vườn của các hộ dân vẫn lưu lại nhiều “vết tích” cho thấy bị nước ngập trong một thời gian dài. Theo đó, tại các vườn cà phê của người dân có một lớp bùn đất mới do nước suối bồi đắp dày từ 20 – 50 cm. Cùng với đó, gốc cà phê, sầu riêng, bơ của người dân bị nước chảy xói mòn trơ rễ…

Qua xác minh thực tế của PV, đến thời điểm hiện tại có 6 hộ dân có vườn cà phê trồng xen các loại cây ăn trái bị nước suối ngập làm chết cây, rụng lá, trái… Ông Phạm Văn Thành, có vườn sản xuất bị thiệt hại nặng tại Tổ dân phố 22 (phường Lộc Sơn) cho hay: “Là người dân địa phương, chúng tôi hiểu rõ việc thi công Dự án đường tránh Quốc lộ 20 sẽ tạo điều kiện thuận lợi góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, đầu tháng 7/2018, Công ty Đông Mê Kông tiến hành đặt cống tạm (với 8 ống bi đường kính từ 0,5 – 1 mét) qua suối Đỏ để vận chuyển nguyên vật liệu làm thu hẹp dòng chảy của suối. Đúng thời điểm này, do trời thường xuyên mưa lớn nên nước thoát không kịp dâng lên làm ngập vườn tược của người dân chúng tôi. Lúc mới ngập, bà con chúng tôi đã có ý kiến với Ban Quản lý Dự án 7 (chủ đầu tư Dự án đường tránh) và Công ty Đông Mê Kông để có phương án khơi thông dòng chảy nhưng họ không làm”.

Theo ông Thành, do suối bị thu hẹp dòng chảy khiến nước tràn vào vườn sản xuất của 6 hộ dân ngập sâu từ 0,5 – 1 mét và kéo dài gần cả tháng trời. “Gia đình tôi có 8 sào đất trồng cà phê, sầu riêng, bơ; trong đó, có khoảng 3,5 sào thường xuyên bị ngâm trong nước. Theo kiểm đếm của gia đình thì hiện có gần 150 cây cà phê, sầu riêng và bơ bị úa vàng rụng lá, rụng trái và có nhiều cây đã chết trơ cành” – ông Thành xót xa.

Sát bên cạnh vườn sản xuất của ông Thành là vườn cà phê đang chết trơ cành, khô trái của gia đình ông Nguyễn Văn Phúc. Ông Phúc phản ánh: “7 sào cà phê trồng xen sầu riêng của gia đình tôi đã gần 10 năm tuổi. Thế nhưng, từ lúc đơn vị thi công đặt cống tạm làm thu hẹp dòng chảy khiến cây trồng của gia đình tôi bị ngâm trong nước cả tháng trời. Giờ có hơn 2 sào cà phê bị chết gần như 100%, không những vậy mà các khu vực khác còn bị úa vàng, rụng trái nhìn xót xa quá. Xót của, chúng tôi tới trực tiếp đơn vị thi công để phản ánh thì họ tìm cách chối bỏ trách nhiệm nên bà con rất bức xúc”.

Ngoài gia đình ông Thành và ông Phúc, tại khu vực này, vườn cà phê, cây ăn trái của các hộ như ông Huỳnh Tài Đức, Nguyễn Xuân Mỹ, Trần Văn Châu và bà Lê Thị Ánh Nguyệt cũng đang xảy ra tình trạng cây bị úa vàng rụng lá, trái, có nguy cơ chết khô trong thời gian tới.

Về phía chính quyền địa phương, sau khi nhận được phản ánh của người dân, ngày 23/7, UBND phường Lộc Sơn đã tổ chức buổi làm việc với đại diện các hộ dân có cây trồng bị thiệt hại và Ban Quản lý Dự án 7 cùng Công ty Đông Mê Kông (đơn vị đặt cống tạm tại suối Đỏ) để tìm hướng khắc phục, giải quyết. Tại buổi làm việc, chính quyền địa phương đã đề nghị các bên liên quan có biện pháp khơi thông dòng chảy và kịp thời hỗ trợ thiệt hại cho người dân; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân không gây cản trở làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình. Ngay sau đó, Ban Quản lý Dự án 7 và Công ty Đông Mê Kông đã tiến hành tháo dỡ các ống bi đã đặt trước đó và cho xây cầu tạm để khơi thông dòng chảy. Song đến hiện tại vẫn chưa có động thái đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Lộc Sơn (TP Bảo Lộc) khẳng định: “Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã nhận được đơn kiến nghị của bà con. Bước đầu, địa phương đã cử cán bộ hướng dẫn bà con thống kê thiệt hại để có hướng đề xuất cơ quan chức năng và các bên liên quan xem xét, xử lý. Song thời gian qua, do trời thường xuyên mưa lớn nên địa phương chưa thể kiểm tra thực tế vườn cây của các hộ dân nên chưa thống kê được thiệt hại chính xác. Tới đây, phường sẽ cử cán bộ tới hiện trường để thống kê thiệt hại và đề xuất UBND TP Bảo Lộc có hướng giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho bà con”.

Hải Đường (Báo Lâm Đồng, 17/8/2018)