Đã gần 8 năm trôi qua, trong Mái ấm Tín Thác chưa bao giờ khép cửa ấy, những đứa trẻ bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng đã lớn lên trong tình thương yêu vô bờ bến của các soeur.

Các cháu nhỏ được nuôi dưỡng tại Mái ấm
Các cháu nhỏ được nuôi dưỡng tại Mái ấm

Mái ấm Tín Thác nằm lọt thỏm trong một con hẻm nhỏ ở cuối thôn Thanh Xuân (xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc), chính thức đi vào hoạt động từ năm 2009. Với tấm lòng thiện nguyện của mình, soeur Nguyễn Thị Hường (69 tuổi) đã thành lập Mái ấm để đón nhận, cưu mang và nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi kém may mắn. Gần 8 năm, lặng lẽ với công việc thiện nguyện soeur Hường và các cộng sự của mình chỉ tâm niệm “để cho cuộc đời này bớt đi những câu chuyện buồn và để cho những thân phận trẻ thơ côi cút có một chốn đi về”.

So với gần 8 năm về trước, giờ đây, Mái ấm Tín Thác đã thay đổi và khang trang hơn nhiều. Cơ sở vật chất đã được xây dựng kiên cố hơn, đủ phòng học, phòng ăn, ngủ và sân chơi với các trò chơi giải trí cho lũ trẻ đùa nghịch trong không gian rộn ràng và ấm cúng. Hiện nay, Tín Thác đang cưu mang 80 đứa trẻ, mỗi đứa một số phận: đứa mồ côi cả cha lẫn mẹ, đứa vừa lọt lòng đã bị bỏ rơi ở cổng bệnh viện, cửa chùa hay bị bỏ lại trước cửa Mái ấm… Tất cả các em đều được soeur Hường, người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, bao dung đón nhận. Rồi, chính soeur Hường và các cộng sự của mình đã cho các em tình yêu của người mẹ. “Dù không tự mình sinh ra chúng, nhưng tôi luôn yêu thương tất cả những đứa trẻ ở đây như con của mình vậy. Và tôi chỉ nghĩ một điều, mình và các cộng sự (8 sơ trong Mái ấm) luôn sẵn sàng làm mẹ để chăm sóc, nuôi dưỡng chúng nên người. Mái ấm không chỉ cho các em ăn, mặc mà muốn tạo ra một môi trường gia đình và dạy cho những đứa trẻ ở đây học hành để khi lớn lên sẽ là những người lương thiện có ích cho đời, cho xã hội” – soeur Hường tâm sự.

Những đứa trẻ đầu tiên đến với Mái ấm đều được soeur Hường đặt tên gắn với chữ “Ân” như: Phúc Ân, Gia Ân, Thiên Ân, Khánh Ân, Hồng Ân, Phước Ân, Huệ Ân… Hiện tại, trong 80 đứa trẻ trong Mái ấm (từ 2 tháng đến 7 tuổi) đều được nuôi dưỡng bằng tình thương, trách nhiệm của các soeur cùng những tình nguyện viên đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và sự chung tay sẻ chia của các mạnh thường quân.

Giờ đây, trong Mái ấm Tín Thác đã có 32 em đến tuổi tới trường. Trong đó, 5 em đang học lớp 2, 7 em học lớp 1 và 20 em học mẫu giáo. Số còn lại vừa mới chập chững biết đi hay đang trong vòng tay của các soeur. Bạn Trần Thùy My (19 tuổi, người Anh, gốc Việt), cho hay: “Tôi sinh ra và lớn lên tại nước Anh, nhưng may mắn thay còn có người thân đang sống ở Việt Nam. Đầu năm nay, anh trai của tôi có về Việt Nam thăm người thân và được bạn bè dẫn tới thăm các cháu mồ côi ở Tín Thác. Khi trở lại Anh, anh trai kể chuyện về Tín Thác cho tôi nghe và tôi rất cảm động. Lần này, nghỉ hè được bố mẹ cho về Việt Nam thăm ông bà, tôi đã xin phép tới Tín Thác để giúp các soeur chăm sóc các cháu. Sau 1 tuần giúp việc tại Tín Thác, tôi thấy các cháu rất đáng yêu, ngoan và dễ thương vô cùng”.

Soeur Phạm Thị Đức Hạnh chia sẻ: Với 80 đứa trẻ và cả những sản phụ lỡ bước chúng tôi đang nhận cưu mang, hàng tháng, cả Mái ấm phải chi ít nhất 150 triệu đồng mới đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày. Ở đây, Mái ấm phải tiết kiệm hết mức bởi nguồn thu không có, nguồn viện trợ từ các nhà hảo tâm cũng hạn chế. Tuy nhiên, các vật dụng sinh hoạt, học tập cho các bé như sữa, sách, vở hay tã, bỉm… luôn được Mái ấm ưu tiên hàng đầu”.

Bên cạnh những đứa trẻ đang được nuôi dưỡng tại Mái ấm, thì Tín Thác còn có một nghĩa trang là nơi chôn cất, an nghỉ của những đứa trẻ bị ruồng bỏ khi chưa cất tiếng khóc chào đời.

Cùng với soeur Hường và các soeur tại Mái ấm, ông Trần Ngọc Hùng (tên thường gọi là Hoan) cũng bắt đầu công việc thu nhặt những bầu thai bị bỏ rơi về chôn cất tại Nghĩa trang Tín Thác từ năm 2009. “Đã gần 8 năm thu nhặt những sinh linh bé nhỏ về chôn cất tại Nghĩa trang, tôi hiểu được rằng những việc làm của mình là không thừa. Từ sinh linh xấu số đầu tiên mà tôi bắt gặp, đến nay, tại nghĩa trang đã có gần 7.000 ngôi mộ. Vì thế, ngoài việc đưa các sinh linh nhỏ bé về chôn cất, tôi còn có trách nhiệm quét dọn, thắp hương, trồng hoa bên các ngôi mộ… để nghĩa trang bớt hiu quạnh” – ông Hoan nghẹn ngào.

Theo như lời kể của ông Hoan, gần 7.000 ngôi mộ tại nghĩa trang cũng là từng ấy lần ông và soeur Hường cùng các cộng sự trong Mái ấm đã lặn lội mưa gió tìm đến những nơi không muốn đến để đưa các sinh linh tội nghiệp về chôn cất. Cùng với đó, ông Hoan và các soeur còn động viên, khuyên bảo được biết bao sản phụ “lỡ bước” muốn bỏ đi giọt máu của mình. Nhờ đó, đã có hàng trăm đứa bé được cứu sống và chắc hẳn con số này sẽ không dừng lại.

Ông Nguyên Minh Hiếu, Chủ tịch UBND xã Lộc Thanh (TP Bảo Lộc), cho biết: “Trong suốt thời gian qua, Mái ấm Tín Thác chính là ngôi nhà chung của các cháu mồ côi bị bỏ rơi. Tại đây, mặc dù các cháu nhỏ được các soeur chăm sóc, yêu thương hết mực nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trước tình hình đó, địa phương luôn tạo điều kiện để giúp đỡ các cháu trong Mái ấm như làm giấy khai sinh, đăng ký hộ khẩu, cấp thẻ Bảo hiểm Y tế… Qua đây, chúng tôi cũng mong muốn các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hãy tiếp tục quan tâm để giúp đỡ Mái ấm và chác cháu mồ côi có được cuộc sống đầy đủ như bao đứa trẻ khác…”.

Khánh Phúc (Báo Lâm Đồng, 12/07/2016)