Gần 2 năm qua, hàng chục ngàn tấn chất thải gồm xỉ than, tro bay và bã vôi do Công ty TNHH Hùng Anh thu gom từ Dự án Bauxite Nhôm Lâm Ðồng về tập kết tại bãi chứa trong khu dân cư đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của gần 20 hộ dân Tổ dân phố 19 (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm).

Theo phản ánh của người dân nơi đây, mùa nắng thì bụi bay mù mịt, còn mùa mưa thì chất thải chảy tràn vào nhà, vùi lấp vườn tược, cây trồng, ao cá, gây thiệt hại kinh tế, làm đảo lộn cuộc sống của bà con.

Núi chất thải hàng chục ngàn tấn đang gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ảnh: H.Đ

Dân khổ vì “núi” chất thải

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 3 năm 2017, Công ty Hùng Anh (trụ sở tại thị trấn Lộc Thắng) đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng (LDA) để thu gom, xử lý các loại chất thải rắn từ Nhà máy Bauxite (xỉ than, tro bay và bã vôi). Theo đó, trung bình mỗi ngày, Công ty này thu gom tại Nhà máy Bauxite từ 220 – 240 tấn chất thải rắn các loại. Hiện tại, phần lớn xỉ than và bã vôi đã được Công ty Hùng Anh tận dụng xử lý để làm vật liệu xây dựng (sản xuất các loại gạch không nung). Trong khi đó, hầu hết lượng tro bay được Công ty này tập kết tại bãi chứa rộng gần 3 ha nằm ngay trong khu dân cư. Hiện, số lượng tro bay được tập kết tại đây đang quá tải với hàng chục ngàn tấn và tạo thành “núi” cao hàng chục mét.

Ông Trần Văn Hợi, có nhà nằm phía sau núi chất thải phản ánh: “Gần 2 năm nay, từ ngày Công ty Hùng Anh đưa cả núi chất thải về tập kết tại đây khiến cuộc sống của người dân chúng tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Vào mùa nắng, mỗi lần xe chở chất thải vào đổ là bụi bay mù mịt trắng xóa cả một vùng trời bám đầy nhà cửa, vật dụng sinh hoạt của người dân. Mặc dù nhà của chúng tôi lúc nào cũng phải đóng kín cửa, thế nhưng, tất cả đồ đạc trong nhà từ giường tủ, ti vi, xoong nồi, chén bát đến quần áo… lúc nào cũng bị bụi bám đầy”.

Mặc dù tập kết hàng chục ngàn tấn chất thải, nhưng bãi chứa của Công ty Hùng Anh không hề có bờ rào, đê bao bảo vệ. Vì vậy, mùa mưa nước cuốn theo tro chảy tràn xuống vườn tược, vùi lấp ao hồ, cây trồng, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế của người dân. Thực tế cho thấy, đã có hàng trăm tấn tro chảy tràn xuống vùi lấp ao hồ và cây trồng của 2 hộ dân sau lưng núi chất thải. Trong đó, hồ nuôi cá của ông Định rộng khoảng 1.000 m2 và sâu hơn 2 m đã bị tro bay vùi lấp hoàn toàn không thể sử dụng. Ông Nguyễn Văn Long, có vườn sản xuất và ao nuôi cá bị tro bay vùi lấp bức xúc: “Mới từ đầu mùa mưa đến nay, mà hơn 3 sào cà phê của gia đình tôi bị tro bay từ bãi chứa chất thải của Công ty Hùng Anh trôi xuống vùi lấp từ 0,2 – 0,3 m và thậm chí có chỗ bị vùi lấp cả 0,5 m, làm cà phê bị vàng lá, chết sạch. Hai ao cá, tôi vừa đầu tư gần 5 triệu đồng tiền cá giống giờ cũng chết sạch chẳng còn con nào. Xót của, nhưng nghĩ hàng xóm với nhau nên tôi không gây khó dễ cho ông Hùng (Giám đốc Công ty Hùng Anh). Song, khi tôi tới Công ty yêu cầu ông Hùng xuống xem thực thế vườn tược của gia đình tôi thì ông ấy làm ngơ như không có chuyện gì”.

Không những vậy, theo người dân, từ đầu mùa mưa đến nay, đã có hàng chục lần do mưa lớn khiến nước cuốn theo tro bay chảy tràn vào nhà nhiều hộ dân làm cuộc sống của bà con bị đảo lộn.

Liệu có gây nguy hại?

Bà Nguyễn Thị Phượng, một người dân khác có bên cạnh núi chất thải lo lắng: “Công ty Hùng Anh nói với bà con chúng tôi, tro bay là chất thải rắn được thu gom từ lò nhiệt điện trong Nhà máy Bauxite nên không có chất độc hại. Vậy mà khi bám vào quần áo và người thì chúng tôi thấy rất ngứa ngáy khó chịu. Không những vậy, núi chất thải này còn bốc mùi hôi. Thời gian gần đây, từ trẻ con đến người lớn trong khu này thường xuyên bị đau đầu, cảm cúm, viêm xoang. Nên bà con chúng tôi rất lo lắng khi phải sống bên cạnh núi chất thải này”.

Còn ông Võ Xuân Hạnh, một người dân khác cũng sống bên cạnh núi chất thải này cho rằng: “Ai dám đảm bảo với người dân chúng tôi là không độc hại khi sống bên cạnh núi chất thải này? Không độc hại tại sao nước rỉ ra từ đó lại có mùi hôi khó chịu khiến cả cỏ cây cũng bị chết! Còn nước giếng của bà con thì hầu hết đều đã chuyển sang màu vàng đục, nhìn đã khiếp nói chi bà con chúng tôi dùng để ăn uống hàng ngày. Hơn nữa, khi nhận được phản ánh của chúng tôi, nhiều cán bộ xuống kiểm tra và khuyên chúng tôi nên tìm nguồn nước khác để dùng. Vì thế, đã có 2 hộ dân chịu không nổi phải bỏ nhà chuyển đi nơi khác sống. Để đảm bảo cuộc sống cho người dân, chúng tôi yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc lấy mẫu chất thải và mẫu nước giếng của bà con để xét nghiệm kiểm tra và công khai kết quả cho bà con yên tâm”.

Ao hồ, vườn tược, cây trồng của người dân bị chất thải vùi lấp. Ảnh: H.Đ

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Hùng Anh thừa nhận: “Hiện tại, do lượng tro bay, xỉ than và bã vôi mà Công ty thu gom từ Nhà máy Bauxite quá lớn, không thể xử lý kịp, làm tồn dư, ứ đọng. Vì thế, đã phần nào làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Bãi chứa này do Công ty thuê lại nên chưa kịp xây tường rào. Hơn nữa, nhiều tháng qua, mưa lớn liên tục kéo dài làm tro bay tràn xuống ao hồ, vườn tược của bà con. Thời gian tới, Công ty sẽ cho đắp bờ bao để ngăn bụi tro trôi xuống gây ảnh hưởng đến người dân. Về mùa nắng, chúng tôi sẽ lắp máy bơm tưới nước để chống bụi; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xử lý số tro bay còn tồn đọng trong thời gian nhanh nhất”.

Ông Hùng cho rằng, mục đích mà ông ký hợp đồng thu gom, xử lý các loại chất thải rắn này với Công ty Nhôm Lâm Đồng là để tận dụng làm vật liệu xây dựng. Vì vậy, trước khi ký hợp đồng, ông đã chủ động lấy các mẫu chất thải này gửi đi kiểm định và kết quả đều nằm trong ngưỡng an toàn cho phép. Hiện, các loại chất thải này đang được ông tận dụng để sản xuất các loại gạch không nung. Tới đây, ông sẽ tiếp tục đầu tư máy móc, công nghệ để “biến” các loại chất thải này thành những sản phẩm có ích phục vụ cho xây dựng.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh của người dân, huyện đã giao Phòng Tài nguyên – Môi trường phối hợp cùng UBND thị trấn Lộc Thắng vào xác minh hiện trạng và kiểm tra thực tế tại bãi tập kết chất thải của Công ty Hùng Anh. Đồng thời, mời doanh nghiệp tới làm việc và yêu cầu khắc phục những tồn tại theo phản ánh của người dân. Tới đây, địa phương sẽ triển khai các biện pháp theo quy định, cần thiết sẽ lấy mẫu nước giếng đi kiểm định, khi có kết quả sẽ thông báo rộng rãi để bà con yên tâm. Trường hợp, nếu doanh nghiệp để xảy ra sai phạm làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, chúng tôi sẽ có hình thức xử lý theo quy định”.

Hải Đường (Báo Lâm Đồng, 18/9/2018)