Chưa thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, nhưng Công ty cổ phần Thủy điện Bình Thủy (còn gọi là Thủy điện Đại Bình) vẫn tiến hành đắp bờ đê ngăn sông làm thu hẹp dòng chảy khiến nhiều diện tích đất sản xuất, cây trồng của người dân bị ngập chìm trong nước.

Đường đi của người dân bị nước sông nhấn chìm
Đường đi của người dân bị nước sông nhấn chìm

Làm sai quy trình

Theo Quyết định số 1741/QĐ – UBND ngày 5/8/2010 của UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Dự án Thủy điện Đại Bình (đóng tại thôn 16, xã Lộc Thành) nêu rõ: “Các ngành chức năng và các đơn vị có liên quan cần tổ chức giám sát, thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư – định canh và các cam kết bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành”.

Dự án Thủy điện Đại Bình được khởi công xây dựng từ tháng 12/2015. Tuy nhiên đến nay, trong 56 ha của Dự án, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Bình Thủy mới chỉ đền bù được 16 ha thuộc cụm công trình đầu mối. Riêng, khoảng 40 ha đất sản xuất của hơn 100 hộ dân thuộc khu vực lòng sông Đại Bình (đoạn chảy qua 3 xã Lộc Thành, Tân Lạc (huyện Bảo Lâm) và xã Lộc Nga (TP Bảo Lộc) vẫn chưa được đền bù, giải tỏa. Song, Công ty cổ phần Bình Thủy vẫn tiến hành triển khai xây dựng Dự án làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hàng chục hộ dân có đất sản xuất trong vùng quy hoạch.

Ông Trần Văn Tám (một hộ dân có đất trong vùng quy hoạch) phản ánh: “Trên thực tế, phía Công ty cổ phần Thủy điện Bình Thủy đã tiến hành đo vẽ xong nhưng chưa thấy thông báo hay có sự thỏa thuận nào với người dân cả. Tôi cũng không hiểu sao, đất trong vùng Dự án của bà con chưa được đền bù, giải tỏa mà Công ty vẫn tiến hành triển khai xây dựng làm ảnh hưởng đến đời sống của chúng tôi?”.

Chính việc Công ty cổ phần Thủy điện Bình Thủy làm sai quy trình (chưa tiến hành xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng mà vẫn thi công xây dựng công trình) đã và đang gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho người dân. Ông Phan Huân (một hộ dân có đất nằm trong quy hoạch) cho biết: “Trước đây, lòng sông Đại Bình rộng hàng chục mét nên mưa lớn bao nhiêu thì nước cũng rút hết. Nhưng từ đầu tháng 8 đến nay, Công ty cho đắp bờ đê làm thu hẹp dòng chảy chỉ còn lại 4 – 5 mét, nên mưa lớn nước không thể thoát kịp gây ngập úng đất sản xuất và cây trồng của người dân. Suốt hơn nửa tháng qua, hơn 2 sào cà phê, chuối của gia đình tôi luôn chìm sâu trong nước từ 1 – 1,5 mét làm cây úa vàng, rụng hết lá và trái. Xung quanh khu vực này, hộ nào cũng chịu cảnh tương tự như gia đình tôi”.

Đây là hình ảnh ghi nhận lại lúc 2h chiều ngày 20.8.2016, sau cơn bão số 3. Ảnh: Phong Trần
Đây là hình ảnh ghi nhận lại lúc 2h chiều ngày 20.8.2016, sau cơn bão số 3. Ảnh: Phong Trần

Người dân lãnh hậu quả

Ông Nguyễn Văn Tùng (có đất trong vùng quy hoạch bị ngập) bức xúc: “Hiện nay, đang là thời điểm thu hoạch sầu riêng, trái chín rụng đầy gốc nhưng đường ngập chúng tôi không vào thu hoạch được. Vì vậy, người dân chúng tôi chỉ biết nhìn sầu riêng rụng thối trong vườn mà chẳng biết làm gì. Còn con đường dài gần 2 km do bà con bỏ công sức, tiền của làm để đi lại bị nước sông nhấn chìm mà chẳng biết kêu ai. Giờ đây, chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xem xét, giải quyết để người dân chúng tôi được yên tâm”.

Bên cạnh việc gây ngập úng, thì tình trạng xe trọng tải lớn chở nguyên vật liệu thường xuyên ra vào thi công Dự án Thủy điện Đại Bình cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều hộ dân tại thôn 16, xã Lộc Thành. Trong đó, hậu quả nghiêm trọng nhất là nhiều hộ dân sống ven đường dân sinh nơi xe chở vật liệu đi qua bị nứt nhà. Bà Vũ Thị Thanh Tâm, một trong những hộ dân có nhà bị nứt (ngụ thôn 16, xã Lộc Thành) phản ánh: “Hơn 3 tháng nay, xe tải chở cát, đá, xi măng… có trọng tải hàng chục tấn chạy qua làm nhà cửa chúng tôi rung chuyển. Nhà tôi xây đã 5 năm nay không sao, vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn xe quá tải chạy qua đã làm xuất hiện hàng chục vết nứt trên tường và cả trụ nhà. Vì quá xót xa, chúng tôi đã tổ chức và xin ý kiến của thôn, xã để chặn không cho xe đi. Sau khi chúng tôi chặn xe, chủ đầu tư đã 2 lần cử người tới lập biên bản ghi nhận và hứa đến ngày 15/8/2016 sẽ giải quyết, nhưng đến nay vẫn không thấy đâu. Ngoài nhà gia đình tôi, trong thôn còn có 5 nhà khác bị nứt tương tự. Nếu cứ đà này, thì nhà cửa chúng tôi cũng sẽ hư hỏng hết”.

Nói về những vấn đề trên, ông Hoàng Ngọc Lự, Trưởng Ban Quản lý Dự án Thủy điện Đại Bình giải thích: “Hiện tại, tất cả những phản ánh của người dân liên quan đến đất sản xuất, cây trồng bị ngập và nhà bị nứt, chúng tôi đều cử người trực tiếp tới ghi nhận. Đối với 40 ha đất khu vực lòng sông chưa giải tỏa, chúng tôi đang trong giai đoạn hoàn thành các thủ tục để tiến hành đền bù cho người dân. Theo kế hoạch, công tác đền bù sẽ được chúng tôi thực hiện trước tháng 11/2016. Riêng, việc nhà của người dân bị nứt nghi do xe chạy, chúng tôi cũng đã cử người phối hợp cùng cơ quan chức năng địa phương xem xét tìm nguyên nhân để có biện pháp xử lý, bồi thường thỏa đáng nhất cho bà con”.

“Ông Đặng Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thành: Việc Công ty cổ phần Thủy điện Bình Thủy chưa tiến hành xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vùng quy hoạch mà triển khai thi công Dự án làm ảnh hưởng tới người dân là sai quy trình. Không những vậy, việc tự ý tiến hành đắp đê làm thu hẹp dòng chảy mà không thông báo với chính quyền địa phương và người dân cũng là việc làm không đúng. Chúng tôi sẽ cử cán bộ trực tiếp xuống hiện trường để thống kê những thiệt hại của bà con và trình báo lên UBND huyện để cùng vào cuộc xác định nguyên nhân và tìm phương án giải quyết thỏa đáng cho người dân”

Khánh Phúc (Báo Lâm Đồng, 24/08/2016)