Khác với Đà Lạt, Bảo Lộc được khai thác mạnh về nông nghiệp, công nghiệp. Nhiều nông trang, đồn điền đã được các tập đoàn người Pháp lập nên từ những năm 1930 – 1940 để trồng chè, cà phê… Về sau, nhân dân phát triển trồng cây dâu tằm, cây ăn quả. Vì thế, xây dựng TP Bảo Lộc thành đô thị giàu bản sắc của vùng cao nguyên là điều có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển TP.

Xây dựng TP Bảo Lộc giàu bản sắc Cao nguyên. Ảnh: Quốc Anh Trần
Xây dựng TP Bảo Lộc giàu bản sắc Cao nguyên. Ảnh: Quốc Anh Trần

Nằm ở khu vực có độ cao trung bình trên 800m so với mực nước biển, Bảo Lộc có khí hậu ôn hòa, quanh năm xanh mát với nhiệt độ trung bình vào khoảng 21- 23oC. Không gian với nhiều cây xanh, hoa trái, và sản phẩm nông nghiệp chuyên canh, giúp cho Bảo Lộc có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Có thể nói môi trường sinh thái là vốn quý quan trọng nhất đối với Bảo Lộc, cũng giống như Đà Lạt. Vì thế, Bảo Lộc tuy vẫn có khả năng phát triển công nghiệp khai khoáng và chế biến, phát triển công nghiệp chỉ nên giữ ở tỷ lệ rất nhỏ so với việc dành ưu tiên hàng đầu cho phát triển nông nghiệp và du lịch.

Cùng với Thái Nguyên, Bảo Lộc hiện là một trong hai trung tâm lớn về cây chè và các sản phẩm có liên quan trong cả nước. Cây chè có lịch sử khá lâu đời tại Bảo Lộc và vẫn đang tiếp tục phát triển cả về diện tích và sản lượng. Ở Bảo Lộc đã hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên môn hóa cao, gắn được sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Thị trường xuất khẩu chè được tiếp tục mở sang các nước Nga, Pháp, châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Ả Rập Xê-út…

Bên cạnh chuyên canh chè, công nghiệp chế biến chè cũng được hình thành và phát triển trên địa bàn Bảo Lộc từ những năm 30 của thế kỷ XX cùng với sự khám phá và khai thác cao nguyên Di Linh – Bảo Lộc của người Pháp. Ngày nay, trồng và phát triển kinh doanh chè đã trở thành một ngành quan trọng không chỉ riêng đối với Bảo Lộc mà đối với tỉnh Lâm Đồng và khu vực phía Nam. Ngoài ra, Bảo Lộc còn có nhiều tiềm năng lớn, thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp khác, như phát triển cây dâu tằm, chuyên canh rau, hoa kết hợp với phát triển du lịch canh nông. Đặc biệt TP có nhiều điều kiện để đưa ngành dâu tằm tơ trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật tiên tiến, có quy mô lớn, khép kín từ khâu nuôi tằm đến ươm tơ, dệt lụa.

Vì vậy, theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn – Hội KTS Việt Nam, Bảo Lộc nên chú trọng phát triển bản sắc đô thị sinh thái nông nghiệp gắn liền với nông nghiệp chuyên canh theo mô hình làng đô thị xanh, giữ gìn bản sắc văn hóa làng cũ gắn với phát triển nông nghiệp. Với các sản phẩm nông nghiệp hấp dẫn khác biệt so với Đà Lạt và khoảng cách giao thông không xa, với định hướng phát triển đúng, Bảo Lộc có thể thu hút một số lượng lớn khách du lịch từ Đà Lạt, hoặc dừng chân đôi ngày trên đường đi hoặc về từ Đà Lạt, hoặc từ TP.HCM có thể đi về trong ngày thông qua đường cao tốc.

Bên cạnh đó, Bảo Lộc còn có nhiều thắng cảnh thiên nhiên như các đồi chè, đèo Bảo Lộc, thác Đam Bri, thác bảy tầng, hồ Nam Phương, suối Đá Bàn, núi Đại Bình, suối Tân Thanh… và nhiều những công trình văn hóa như Thiền viện Bát Nhã, nhà thờ Bảo Lộc, chùa Phước Huệ, chùa Linh Quy Pháp Ấn… Vì thế, việc phát triển có hệ thống các thắng cảnh du lịch gắn liền với bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng cao nguyên Bảo Lộc sẽ đảm bảo gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc truyền thống của TP.

Điều này cũng được Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến nhấn mạnh tại hội thảo khoa học “Định hướng phát triển không gian quy hoạch đô thị TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050” được tổ chức mới đây tại tỉnh Lâm Đồng: Thống nhất quy hoạch xây dựng TP Bảo Lộc theo tiêu chí là đô thị cấp vùng, TP tỉnh lỵ hướng đến một đô thị hiện đại, giàu bản sắc”.

Nhật Quang (Báo Xây Dựng)