Thực hiện các Quyết định của Chính phủ và Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Quang Trung cho biết: “Ngành Xây dựng đã chọn quản lý quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ”. Nhiều quy hoạch đã được tích cực triển khai, từ quy hoạch phân khu, quy hoạch chung đến triển khai các đồ án xây dựng…; đặc biệt, đó là quy hoạch khu vực trung tâm Hòa Bình (TTHB) thành phố (TP) Đà Lạt đang được tích cực xúc tiến.

Toàn cảnh quy hoạch Khu Trung tâm Hòa Bình. Ảnh: Minh Đạo
Toàn cảnh quy hoạch Khu Trung tâm Hòa Bình. Ảnh: Minh Đạo

Khu chức năng quan trọng

Xây dựng quy hoạch TTHB do Sở Xây dựng Lâm Đồng làm chủ đầu tư, đơn vị lập quy hoạch là Chi nhánh Công ty TNHH Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và cộng sự; cơ quan thẩm định là Sở Xây dựng Lâm Đồng, cơ quan phê duyệt là UBND tỉnh Lâm Đồng. Ngày 9/7, Trưởng phòng Kiến trúc Quy hoạch, Sở Xây dựng Lâm Đồng Phan Văn Trung trao đổi với PV Báo Lâm Đồng về tiến độ xây dựng quy hoạch TTHB như sau: Sở vừa kết thúc lấy ý kiến công khai của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong 30 ngày về dự thảo nhiệm vụ quy hoạch. Hiện nay, Sở Xây dựng đã xúc tiến giai đoạn phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và sau đó các bước tiếp theo từ nay đến tháng 11/2017 là tổ chức lập đồ án quy hoạch; lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan để hoàn thiện phương án quy hoạch; thông qua đồ án quy hoạch; trình phê duyệt đồ án quy hoạch để làm cơ sở đầu tư dự án.

Căn cứ định hướng quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014), Khu TTHB bao gồm: khu Rạp Hòa Bình, khu Chợ Đà Lạt, khu đồi Dinh Tỉnh trưởng cũ và khu biệt thự đường Trần Quốc Toản – giáp hồ Xuân Hương.

Khu TTHB được xác định là một trong các khu chức năng quan trọng thuộc khu đô thị lịch sử của TP Đà Lạt, mang tính chất trung tâm thương mại – dịch vụ phức hợp tập trung của TP. Với mục tiêu phát triển TP Đà Lạt trở thành trung tâm dịch vụ-du lịch vùng, mang tính quốc gia và có ý nghĩa quốc tế, là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế…, TP Đà Lạt cần thực hiện đồng bộ mọi giải pháp để cải thiện các hoạt động du lịch và dịch vụ. Trong đó, nhu cầu cấp thiết là chỉnh trang, nâng cấp cảnh quan kiến trúc đô thị, cải thiện chất lượng sống, nâng cao quy mô và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ công cộng cao cấp tại khu trung tâm. Mục đích hướng đến là nhằm nâng cao khả năng phục vụ tốt nhất cho du khách, tăng mức thu nhập và cải thiện đời sống của người dân địa phương và tạo được hình ảnh kiến trúc đặc trưng cho TP Đà Lạt.

TTHB có quy mô về diện tích quy hoạch khoảng 30 ha. Phạm vi quy hoạch được giới hạn bởi các đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự trọng, hẻm Nhà thờ Tin Lành, đường Nguyễn Văn Trỗi ra đầu đường 3 tháng 2, Nguyễn Chí Thanh (đến trước Khách sạn TTC), có đường dẫn xuống đường Lê Đại Hành, qua bồn phun nước.

Hiện trạng nhiều bất cập

Hiện, khu vực quy hoạch TTHB đã quá tải về mật độ xây dựng; mức độ tập trung dân cư và du khách khá cao. Kiểu dáng kiến trúc của nhiều công trình dịch vụ, công cộng và nhà ở tư nhân chưa tương xứng với giá trị vị trí quỹ đất… Mặt khác, đây là khu vực tập trung đầu mối giao thông nhưng quy hoạch phân luồng tuyến giao thông chưa thuận tiện, thiếu diện tích sân bãi đậu xe. Việc tổ chức phố đi bộ đang giới hạn bằng giải pháp cấm xe cơ giới lưu hành, chưa gắn với các hoạt động văn hóa – xã hội; chưa thuận tiện cho các cơ sở kinh doanh – dịch vụ và du khách trong khu vực. Tuy có chỉnh trang, cải tạo xây dựng một vài công trình công cộng, khách sạn, dịch vụ… nhưng vẫn chưa tạo được nét đặc trưng cho diện mạo kiến trúc đô thị. Vị trí của khối Rạp Hòa Bình với chức năng chiếu phim, kết hợp bố trí nhiều cửa hàng buôn bán, khu triển lãm; đồng thời lại giữ vai trò là một “đảo giao thông” không đảm bảo an toàn giao thông…

Khu vực Chợ Đà Lạt là một thung lũng, được bao bọc bởi 3 sườn đồi. Tuyến đường phụ dành cho xe ô tô đi vào khu chợ xây dựng từ trước năm 1975 nay đã bị ngăn chặn do việc xây dựng cơi nới và lấn chiếm. Đó còn là thiếu lối đi bộ; rất trở ngại lưu thông khi nếu gặp sự cố như hỏa hoạn. Khu chợ còn cho thấy công tác quản lý, vận hành các hoạt động chưa tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh, môi trường và an toàn về PCCC…

Đối với Khu đồi Dinh Tỉnh trưởng cũ, hiện đang xuống cấp do nhiều lần thay đổi công năng và chuyển qua nhiều đơn vị quản lý sử dụng. Khuôn viên đã bị người dân xây dựng, lấn chiếm. Công trình có vị trí trên đồi cao, nhưng chưa được khai thác yếu tố tầm nhìn cảnh quan… Khu vực dọc đường Trần Quốc Toản – giáp hồ Xuân Hương, các công trình biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng… mặc dù đã có thiết kế theo cảnh quan quanh hồ Xuân Hương, nhưng nhiều công trình chưa được đầu tư, nâng cấp đúng tầm vị trí…

Toàn cảnh Khu Trung tâm Hòa Bình. Ảnh: Trần Đức Nam
Toàn cảnh Khu Trung tâm Hòa Bình. Ảnh: Trần Đức Nam

Định hướng quy hoạch

Rất nhiều nội dung được các nhà khoa học, nhà quản lý kỳ công đưa ra, chúng tôi chỉ nêu khái lược một vài nội dung. Khu TTHB sẽ được chuyển đổi chức năng Rạp Hòa Bình cũ thành Quảng trường hoa, phát triển không gian ngầm, xây dựng khối công trình phức hợp theo hướng văn minh, hiện đại, kết nối không gian với cảnh quan đồi Dinh Tỉnh trưởng cũ… Khu đồi Dinh Tỉnh trưởng cũ sẽ được bảo tồn công trình chính và xây dựng thêm các công trình dịch vụ hỗn hợp phục vụ khu trung tâm…

Theo đó, các tuyến đường nội bộ đấu nối từ các đường giao thông đối ngoại đến các khu chức năng và kết nối các khu chức năng với nhau… Các giải pháp thiết kế đô thị phù hợp theo từng khu, vừa hợp lý của từng khu chức năng, vừa đạt được tính tổng thể cảnh quan.

Với phương án quy hoạch theo hướng “không gian mở”, khu vực TTHB sẽ mang đậm tính chất đặc thù của thành phố Đà Lạt về khí hậu, địa hình, bản sắc văn hóa vùng núi với nhiều loại cây, hoa đặc trưng. Đây sẽ là “trái tim” của đô thị, điểm nhấn đặc biệt của thành phố du lịch nổi tiếng, đáp ứng được nhiều dịch vụ tiện ích và lý thú của một Đà Lạt phát triển và hội nhập.

Cấu trúc TTHB dự kiến quy hoạch chi tiết thành 5 phân khu chức năng:

– Phân khu I (Khu vực Chợ Đà Lạt – đường Nguyễn Thị Minh Khai) có quy mô diện tích khoảng 6,95 ha. Chức năng là chợ truyền thống kết hợp với quảng trường trung tâm, phố đi bộ kết nối với trung tâm thương mại và khu đậu xe ngầm.

– Phân khu II (Khu TTHB) diện tích khoảng 3,37 ha; là khu phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí.

– Phân khu III (Khu vực đồi Dinh) quy mô diện tích khoảng 4,43 ha; là khu thương mại, dịch vụ cao cấp.

– Phân khu IV (Khu vực chỉnh trang đô thị) diện tích khoảng 9,19 ha; là khu vực đề xuất chỉnh trang kiến trúc công trình và cảnh quan các tuyến đường đi bộ hướng đến hình thành khu ở kết hợp thương mại phát triển hỗn hợp với các loại hình dịch vụ và giải trí.

– Phân khu V (Khu vực ven hồ) quy mô diện tích khoảng 6,06 ha; là các biệt thự và công trình dịch vụ – du lịch, lưu trú – khách sạn.

Minh Đạo (Báo Lâm Đồng, 11/7/2017)