Khoảng 4 tháng nay nhiều xe taxi đã cài phần mềm Grab để “lén lút” hoạt động tại TP Ðà Lạt trong khi Lâm Ðồng không nằm trong diện các địa phương được Bộ GTVT cho phép mở rộng thí điểm dịch vụ taxi cài ứng dụng Grab. Trong khi đó, do chưa có các quy định xử phạt theo Nghị định của Chính phủ nên cơ quan chức năng chưa thể áp dụng các chế tài cụ thể với loại hình taxi công nghệ nêu trên.

Mặc dù chưa được cơ quan chức năng cho phép chạy trên địa bàn nhưng với nhiều ưu điểm, taxi công nghệ hiện được nhiều khách hàng chọn dùng. Trong ảnh: Một tài xế của hãng taxi truyền thống cài phần mềm Grab về chạy tại Đà Lạt. Ảnh: C.Phong

Nhiều tài xế taxi tải phần mềm Grab về chạy

Sáng ngày 29/3, trong vai khách hàng chúng tôi truy cập vào phần mềm Grab để gọi taxi công nghệ đi từ Thư viện tỉnh Lâm Đồng (đường Trần Phú, Phường 4) tới chợ Đà Lạt. Chỉ khoảng 5 phút sau, ứng dụng phần mềm Grab thông báo tài xế N.A.H xe hiệu Kia Moring biển kiểm soát 49A-13… sẽ đến đón khách trong vòng 3 phút. Thông qua phần mềm trên smartphone cá nhân, chiếc xe chúng tôi đặt bắt đầu lăn bánh từ đường Phan Đình Phùng và chạy tới nơi đúng 5 phút với thông báo “tài xế tới nơi rồi”. Ngồi trên xe ra chợ Đà Lạt, tài xế N.A.H không ngại quảng cáo với khách hàng: “Em chạy taxi truyền thống nhưng vẫn cài phần mềm này để chạy thêm thu nhập. Khách hàng đa số đều thấy hào hứng vì họ có thể kiểm soát được thời gian gọi taxi qua phần mềm đặt chỗ, biết được số tiền ước lượng và an tâm vì biết tên đầy đủ tài xế và xe tới đón”.

Cũng theo tài xế H., mặc dù phần mềm giúp tối ưu việc đặt xe taxi như: chỉ cần những thao tác rất đơn giản trên smartphone, không mất công sức chờ đợi, hay bắt taxi vào ban đêm thì còn có thể chia sẻ lộ trình cho người nhà trên mạng, giảm thiểu rủi ro… Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng Lâm Đồng và chủ các hãng xe taxi vẫn chưa đồng ý ký hợp đồng làm việc với Công ty TNHH Grab nên hầu hết các tài xế đều phải tự tải ứng dụng và chạy “chui” và chiết khấu phần trăm tiền chạy với nhà cung cấp dịch vụ.

Tương tự như tài xế H., chúng tôi tiếp tục đặt chỗ và được tài xế chạy Grab taxi loại 7 chỗ, tài xế H.N.M đón từ chợ Đà Lạt về lại đường Trần Phú chỉ sau vài cú chạm vào phần mềm đặt chỗ trên smartphone. Tài xế M. nhận xét thẳng thắn: “Tụi em cũng bị hãng Grab trừ khấu hao phần trăm cao nhưng do số lượng xe trên Đà Lạt chạy ứng dụng còn ít nên lợi nhuận cũng tạm ổn”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện không chỉ một số xe cá nhân mà chủ yếu là xe của hãng taxi truyền thống (khoảng gần 20 xe) cũng đã “gia nhập”, cài đặt phần mềm ứng dụng của Grab để hoạt động “chui” trên địa bàn TP Ðà Lạt. Ðiều này đã làm không ít tài xế của các hãng taxi truyền thống đã bày tỏ lo lắng vì nguy cơ sắp tới số lượng Grab taxi có thể sẽ tăng mạnh nếu cơ quan chức năng không có các biện pháp quản lý xác đáng.

Cạnh tranh thiếu lành mạnh?

Theo tìm hiểu, trên trang website Grab.com cuối năm 2017 cũng phát đi thông báo: “Bắt đầu từ 18/12/2017, Grab sẽ chính chính thức áp dụng dịch vụ Grab taxi tại Lâm Đồng”. Sở GTVT Lâm Đồng cho biết, ngay sau thời gian ngắn xin được hoạt động tại địa bàn TP Đà Lạt nhưng không được sự đồng ý từ cơ quan có thẩm quyền địa phương, phía Công ty TNHH Grab taxi đã dừng hoạt động cũng như đặt văn phòng tại Đà Lạt. Tuy nhiên, Sở thừa nhận nhiều xe ô tô cá nhân, tài xế của một số hãng taxi truyền thống vẫn tiếp tục tải ứng dụng Grab về xe, để tăng lượng khách hàng, kiếm thêm lợi nhuận.

Theo một số hãng taxi kinh doanh trên địa bàn TP Đà Lạt, việc Grab “góp mặt” trái quy định nếu nhà nước buông lỏng quản lý làm số lượng xe Grab taxi phát triển số lượng lớn tại địa bàn sẽ tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, đẩy taxi truyền thống vào khó khăn. “Taxi truyền thống phải niêm yết giá, đóng các loại thuế theo quy định, truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, tài xế khám sức khỏe định kỳ… Còn Grabcar, Grabtaxi thì sao? Cơ quan chức năng cần phải có biện pháp quản lý, xử lý nghiêm vi phạm để tạo nên một “sân chơi” bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh” – lãnh đạo một hãng taxi lớn tại Lâm Đồng chia sẻ.

Ông Võ Quang Vũ, Trưởng Phòng Quản lý vận tải – Phương tiện & Người lái, Sở GTVT Lâm Đồng cho biết: Ngay từ cuối tháng 1/2018, lãnh đạo Sở GTVT đã có cuộc họp quan trọng với người quản lý 10 hãng taxi truyền thống trên địa bàn tỉnh. Sau khi buổi làm việc, 10 hãng taxi đã kiến nghị Sở không giải quyết cho các đơn vị vận tải, lái xe cài ứng dụng phần mềm hỗ trợ vận tải để điều hành, kết nối với hành khách trên địa bàn tỉnh. Đồng thời các hãng taxi truyền thống đã cam kết quản lý chặt chẽ, có biện pháp xử lý nội bộ đối với lái xe của hãng nếu vi phạm.

“Mặc dù chưa có chế tài xử phạt hành vi của tài xế chạy Grab taxi nhưng trường hợp phát hiện việc chạy “chui” chúng tôi sẽ làm việc với đơn vị chủ quản, có thể chế tài bằng những biện pháp như cam kết, không cho tăng thêm đầu phương tiện…” – ông Vũ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vũ, trước đó ngày 9/1/2018, Bộ GTVT đã có công văn gửi Sở GTVT tỉnh về việc “Chấn chỉnh hoạt động vận tải và cung cấp ứng dụng hỗ trợ hoạt động vận tải tại một số địa phương”. Văn bản của Bộ GTVT khẳng định không đồng ý cho Công ty TNHH Grab taxi triển khai phần mềm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, Grab không được làm việc trực tiếp với các lái xe để cung cấp phầm mềm hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khi chưa có sự đồng ý của Sở GTVT địa phương. Chính vì vậy, quan điểm của Sở là không cho triển khai dịch vụ phần mềm Grab taxi, đồng nghĩa với việc tất cả các xe hiện nay chạy ứng dụng hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đều là hoạt động “chui”.

Ông Trương Văn Huấn, Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết: “Về phía Thanh tra Sở mặc dù chúng tôi rất muốn chấn chỉnh thực trạng trên nhưng Nghị định 46 của Chính phủ chưa có chế tài xử phạt cụ thể nên việc quản lý động của Grab taxi tại địa bàn cũng có phần lúng túng. Đây là cái khó của cả nước về quản lý taxi cài phần mềm hỗ trợ Grab, không riêng gì của tỉnh Lâm Đồng. Chúng tôi đã báo cáo và đang đợi Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có những giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới”.

Xe ôm Grab xuất hiện tại Ðà Lạt

Hiện nay, trên hầu khắp các tuyến đường tại TP Đà Lạt đã xuất hiện hình ảnh xe ôm Grab (Grab bike) đang hoạt động nhờ vào màu xanh của chiếc mũ bảo hiểm và áo đồng phục của lái xe. Tại các khu trung tâm xe ôm công nghệ tập trung khá đông chờ đón khách. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh với phần mềm Grab có sẵn, qua một vài thao tác đơn giản là khách hàng đã có thể đặt được một “cuốc” xe ôm công nghệ với đầy đủ các thông tin liên quan: điểm đón, điểm đến, giá cước, tên lái xe, biển số xe, nhãn hiệu xe… Với những thuận lợi rất lớn nêu trên, lượng khách hàng đi xe ôm công nghệ hầu như sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá xăng. Chính vì vậy, loại hình này đang dần đánh bật xe ôm truyền thống từ khi xuất hiện trên địa bàn TP Đà Lạt khoảng 4 tháng nay.

Chính Phong (Báo Lâm Đồng, 2/4/2018)