Huyện Lâm Hà, Lâm Đồng đang vươn mình trở thành vùng quê trù phú bên dòng Đạ Dâng hiền hòa. Bốn mươi năm trước, khi đất nước thống nhất, hàng nghìn thanh niên Hà Nội theo tiếng gọi Tổ quốc, đã rời Thủ đô, mang theo tên đất, tên làng, truyền thống văn hóa đến Lâm Hà xây dựng vùng kinh tế mới. Hôm nay, giữa đại ngàn nam Tây Nguyên, được gặp một hình bóng của Thăng Long – Hà Nội…

Trung tâm huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) nhìn từ trên cao.
Trung tâm huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) nhìn từ trên cao.

Tình cờ với những người đi mở đất

Chiếc xe biển số 29 (Hà Nội) dừng lại trên cung đường tổ dân phố Gia Lâm, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà. Những mái tóc chớm bạc, từng bước chậm rãi, thả ánh nhìn lạ lẫm ra từng góc phố thị… Đó là các bác, các cô, các chú hiện đang sinh sống tại huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Hôm nay, họ về thăm lại nơi mà bốn mươi năm trước, đã in dấu bước chân của mình khi còn là những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi căng đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, tiên phong đi mở đất. Họ đã dành một phần đẹp nhất của đời người cho vùng đất này, cùng với trí tuệ, công sức, cùng xây dựng nên Lâm Hà trù phú hôm nay.

Đây là lần đầu tiên sau 38 năm chia xa miền đất đại ngàn, bà Nguyễn Thị Xung (60 tuổi, Gia Lâm, TP Hà Nội), mới có dịp trở lại. “Lạ lắm anh ạ, không thể nhận ra”, bà Xung mở lời. Mới đó mà đã 40 năm, khi cô gái 22 tuổi đời “liều lĩnh” cùng với những thanh niên đồng trang lứa xung phong vào miền sơn cước. “Khi chúng tôi đặt chân xuống vùng Suối Cạn, Lâm Hà, lau lách ngập đầu. Rừng xơ xác sau chiến tranh. Dấu chân thú dữ còn vương bên dấu giày của bọn phun-rô, đi đâu cũng gặp gai xấu hổ với ruồi vàng… Muôn vàn khó khăn, nhưng chúng tôi đã vượt qua, lập nền móng cho một vùng quê mới”, bà Xung tiếp lời.

Mồng 6 Tết năm 1976, hơn 120 thanh niên thuộc Tổng đội Thanh niên tiền trạm Gia Lâm tạm biệt Thủ đô Hà Nội vào nam Tây Nguyên khai hoang mở đất, xây dựng một vùng quê mới giữa đại ngàn. Rồi lần lượt bảy tổng đội lao động tiền trạm Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì, các khu phố Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm… mang theo tên đất, tên làng lần lượt lên đường. Đến tháng 8-1978, đã có gần 2.700 thanh niên đi tiền trạm vào vùng Nam Ban. Trong hành trang của họ, không chỉ có cuốc xẻng, dao rựa, mà còn có những ước mơ về một vùng quê trù phú.

Đang nắm tay bà xã thong dong trên cung đường nhựa chạy dọc thị trấn Nam Ban, ông Nguyễn Văn Tính (56 tuổi, Gia Lâm, TP Hà Nội) bồi hồi: “Xúc động lắm. Từ một vùng hoang vu, lâu lâu mới gặp được một người đồng bào bản địa ngày nào, giờ Nam Ban, huyện Lâm Hà không khác gì phố thị”. Tháng 10-1976, chàng trai tròn 16 tuổi Nguyễn Văn Tính đã xung phong đi tiền trạm. Hằng ngày, trên vùng đất mới, họ cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi giữa bạt ngàn hoang vu. Cũng là duyên số, sau cái nắm tay thật chặt dắt nhau qua suối, anh Tính và cô gái cùng quê đi tiền trạm đã cảm mến nhau. “Đây là cô gái tiền trạm Trần Thị Là, vợ mình. Sau hai năm thực hiện xong nhiệm vụ mở đất, chúng mình đã cưới nhau”, ông Tính thổ lộ.

Hà Nội mới trên cao nguyên

Hương cà-phê thoảng đưa. Nam Ban bàng bạc sương giăng. Trong căn nhà mới xây theo kiểu truyền thống miền bắc, ánh điện tỏa sáng hắt ra phía hàng cau trước ngõ, tại tổ dân phố Đông Anh. Cụ Nguyễn Quốc Miên, xấp xỉ tuổi tám mươi, quê gốc huyện Đông Anh, TP Hà Nội, đang quây quần cùng con cháu. Nhấp ngụm trà, cụ nói: “Cái tên Lâm Hà được ghép từ hai chữ đầu của Lâm Đồng và Hà Nội, ý nghĩa lắm. Và ngày 28-10-1987, đánh dấu sự ra đời của huyện mới Lâm Hà trên miền đất đỏ ba-dan. Nửa đời người mình gắn bó với miền đất này, được chứng kiến sự thay da, đổi thịt trên từng thớ đất, ngọn cỏ. 40 năm tìm về ký ức, miền đất hoang vu ngày nào giờ đã thẳm xanh…”.

Qua 11 năm, từ 1976 đến 1987, vùng quê mới Lâm Hà đã đón hơn 5.100 hộ dân, với gần 23.700 người con Hà Nội, Kinh Bắc vào sinh cơ lập nghiệp. Giờ đây, dân số huyện Lâm Hà đã hơn 140 nghìn người, gồm 31 dân tộc anh em từ khắp mọi miền của Tổ quốc sinh sống tại 14 xã, hai thị trấn. Trong đó, phần lớn là người dân gốc TP Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ), vùng Kinh Bắc vào xây dựng vùng kinh tế mới sau khi đất nước thống nhất. Cụ Miên bảo, trên bản đồ Lâm Hà dễ thấy rằng, Nam Ban nằm giữa, quê mới của dân nội thành Hà Nội; phía bắc là xã Mê Linh (người huyện Mê Linh), phía nam là xã Gia Lâm; phía đông là Đông Thanh (huyện Đông Anh và Thanh Trì), phía tây là xã Nam Hà. Và những cái tên rất máu thịt với những người đi mở đất, như xã Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ…

Qua 40 năm xây dựng và phát triển, từ vùng đất hoang hóa sau chiến tranh, rừng núi hoang vu, Lâm Hà đã trở thành vùng quê trù phú. Trong câu chuyện tiếp đoàn cựu thanh niên tiền trạm huyện Gia Lâm, TP Hà Nội thăm lại vùng đất từng in dấu chân họ, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài cho biết: “Đến nay, toàn huyện có hơn 42,2 nghìn ha cà-phê, 1.750 ha dâu, 312 ha chè và 160 ha rau, hoa công nghệ cao; đường nhựa, bê-tông đã đến hầu hết các xã, thôn, buôn; đời sống người dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 45 triệu đồng/năm. Lâm Hà đặt mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020”.

“Trong 10 năm gần đây, Lâm Hà được TP Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng đầu tư 350 công trình, dự án, với số tiền hơn 800 tỷ đồng; 10 chương trình mục tiêu hơn 85 tỷ đồng và 17 công trình xây dựng nông thôn mới gần 79 tỷ đồng. Những thành tựu của quá trình 40 năm xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, đã minh chứng cho sự quan tâm, đầu tư hiệu quả của T.Ư, TP Hà Nội; thể hiện sự gắn bó giữa Lâm Đồng và Hà Nội, bằng tình cảm, trách nhiệm để xây dựng vùng đất mới Hà Nội trên cao nguyên”, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà chia sẻ.

Mai Văn Bảo (Báo Nhân Dân, 23/10/2016)