Dù có giá 100.000 đồng/kg nhưng sản phẩm cà trái cây trồng bằng sữa và trứng gà tại Đức Trọng (Lâm Đồng) luôn đắt hàng.

Chị Phạm Thị Xuân Thủy (Đức Trọng, Lâm Đồng) là người đã đưa giống cà trái cây từ Nhật về trồng thử nghiệm tại Việt Nam. Đây là một sản phẩm khá mới vì nguyên liệu để cung cấp dinh dưỡng cho cây là hỗn hợp trứng gà, sữa bò, sữa bột và mật mía.

Để trồng thử nghiệm sản phẩm này, chị Thủy cùng nhóm đầu tư nhà kính khung sắt không gỉ. Ngoài ra chị cần lắp đặt hệ thống tưới nước tự động nhỏ giọt có chức năng di chuyển phân bón đến cây. Chi phí ban đầu cho hệ thống này khoảng 350 triệu đồng cho diện tích 1.000 m2.

Cà trái cây được trồng trong hệ thống nhà kính và tưới nước tự động nhỏ giọt. Ảnh: NVCC.
Cà trái cây được trồng trong hệ thống nhà kính và tưới nước tự động nhỏ giọt. Ảnh: NVCC.

Đầu tư là vậy nhưng đợt đầu, do điều kiện khí hậu cũng như địa hình ở Việt Nam khác Nhật Bản, liều lượng pha chế ở Nhật cho trái tốt còn ở Việt Nam cây không thể hấp thu chất dinh dưỡng, còi cọc và không ra hoa.

Chị Thủy tiếp tục mày mò để cho ra công thức pha chế với tỷ lệ hợp lý giữa sữa bò, sữa bột, trứng gà và mật mía. Hỗn hợp này được lên men trong một tuần, sau đó cung cấp cho hệ thống tưới nhỏ giọt của trang trại, đồng thời, kết hợp với giá thể mùn, trấu và sâu dừa.

Dinh dưỡng được cung cấp cho cây vào giai đoạn bắt đầu ra hoa, làm tăng độ ngọt của quả khi thu hoạch. Vì vậy, sản phẩm cho ra có độ thanh ngọt chứ không chua như loại cà chua bình thường.

“Sử dụng phân bón là sữa và trứng gà, cây sẽ đặc biệt khỏe, khi đó sâu bệnh khó xâm nhập, cây phát triển tốt hơn và không cần sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật”, chị chia sẻ.

Ban đầu cà trái cây chỉ được trồng thử nghiệm trong diện tích nhỏ, chị Thủy và nhóm bạn đem bán cho một số bạn bè. “Nhiều bạn nữ có thể ăn nửa ký cà trái cây trong vòng nửa tiếng. Từ đó mình và nhóm nảy ra ý tưởng biến sản phẩm này thành loại trái cây dùng hàng ngày, xuất hiện như món tráng miệng trong bữa ăn của gia đình Việt”, anh Tuấn, Trưởng dự án, cho biết.

Trải qua giai đoạn thử nghiệm khó khăn, sản phẩm này lại vấp phải rào cản đầu ra. Hình dạng giống với trái cà chua thông thường nên khách hàng mặc định sản phẩm này là cà chua, không xem là một loại trái cây. Bên cạnh đó, khi mặc định là cà chua thì với giá thành 100.000 đồng/kg sẽ khó chấp nhận.

Khắc phục khó khăn đầu ra, anh Tuấn và nhóm lợi dụng điểm đặc biệt của sản phẩm này là cung cấp dinh dưỡng bằng sữa, trứng và mật mía để thu hút truyền thông. Tiếp đến, anh đem sản phẩm đến các phiên chợ xanh – tử tế, phiên chợ sạch. Dần dần, nhiều người người biết đến sản phẩm, mua về dùng thử và nhiều khách hàng đến tận trang trại để tham quan.

Giải thích về cà trái cây có giá lên tới 100.000 đồng/kg, anh Tuấn cho biết sản phẩm này được trồng trong nhà kính, hệ thống tưới tự động nên chi phí đầu tư khá cao. Bên cạnh đó, hỗn hợp để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng cũng cao hơn loại phân hóa học trồng theo cách truyền thống. Trang trại lại không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm cho ra hoàn toàn tươi, sạch.

“Nếu nghĩ nó là cà chua thì giá có thể mắc, nhưng vì nó là cà trái cây, dùng như các loại trái cây bình thường nên giá thành như vậy là không hề cao”, anh Tuấn nói.

Hiện tại, trang trại cà trái cây cho năng suất 10 tấn 1.000 m2. Ảnh: NVCC.
Hiện tại, trang trại cà trái cây cho năng suất 10 tấn 1.000 m2. Ảnh: NVCC.

Vượt qua các giai đoạn khó khăn, lượng khách sử dụng cà trái cây ngày một tăng lên, trang trại thường xuyên không có đủ hàng để bán. Hiện tại mô hình cho năng suất 10 tấn trên 1.000 m2 và thu về 120 triệu đồng. Trang trại cũng đang mở rộng diện tích trồng lên 4.000 m2.

Đồng thời mô hình cũng nhân rộng ra các tỉnh, trước mắt sẽ thử nghiệm ở Củ Chi 500 cây, TP.HCM 500 cây và Cần Thơ 30 cây.

Để đảm bảo đầu ra, trang trại tiến hành chuyển giao sản xuất, liên kết những nơi kinh doanh thực phẩm sạch tạo thành đầu mối mạnh, kết hợp truyền thông và phân phối sản phẩm.

Anh Tuấn cho biết trong cà trái cây chứa hàm lượng chất chống oxi hóa, ngăn ngừa ung thư và đặc biệt ung thư tuyến tiền liệt ở đàn ông. Tuy những dinh dưỡng này chưa qua kiểm định nhưng trong thời gian tới, khi mô hình ổn định hơn, anh cùng nhóm sẽ tiến hành gửi kiểm định thành phần dinh dưỡng cũng như các yếu tố có trong cà trái cây.

Phạm Oanh (Theo Zing, 11/10/2016)