Đang là sinh viên đại học, Trần Hạ Tiên (SN 1991, trú tại thị xã Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng) chỉ biết phấn đấu học hành để bố mẹ không phải lo lắng. Thế rồi cơ hội vừa kiếm tiền vừa được “xuất ngoại” đến bất ngờ, cô cùng người chị gái đã dính vào tội lỗi từ lúc nào không hay.

Hi vọng bừng sáng trong đôi mắt của nữ sinh viên năm nào.
Hi vọng bừng sáng trong đôi mắt của nữ sinh viên năm nào.

Chuyến “xuất ngoại” định mệnh

Chia sẻ với phóng viên, phạm nhân Trần Hạ Tiên xúc động khi kể về gia đình và con đường lầm lỗi của mình. Giờ đây, cô đang phải chấp hành bản án 20 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.

Ở trong trại giam, cô được cán bộ tin tưởng giao cho nhiệm vụ Trưởng ban tự quản phạm nhân. Với nhiệm vụ đó, cô sinh viên năm nào luôn cố gắng phấn đấu cải tạo tốt để sớm có cơ hội trở về làm lại cuộc đời.

Mở đầu câu chuyện, Tiên không kìm nén được những giọt nước mắt. Tiên nhớ về gia đình, nơi đó có bố mẹ, hai người em. Và cô cũng nhớ người chị gái cũng đang phải chịu án tù chung thân (cùng trong vụ án của Tiên).

Gia đình Tiên vốn có truyền thống ba đời tham gia cách mạng. Bố Tiên từng là Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Năm 1994, gia đình cô lên Lâm Đồng lập nghiệp.

Ngày đó, bố Tiên làm nghề chạy xe ba gác thuê, mẹ cô bán hàng kiếm tiền nuôi bốn con ăn học. Học xong cấp 3, chị gái cô là Trần Hà Duy (SN 1989) thi đỗ vào Trường Đại học Hồng Bàng. Hai năm sau, Tiên cũng thi đỗ vào Trường Đại học Văn Lang TP.Hồ Chí Minh. Thấy hai con gái quyết chí học hành, bố mẹ Tiên vừa mừng vừa lo khi hai con phải đi học xa nhà.

Trong thời gian đi học, chị em Tiên chỉ biết chú tâm vào học hành. Đặc biệt, cô chị gái của Tiên rất ham học ngoại ngữ nên thích giao lưu với người nước ngoài. Thế rồi, cuộc gặp định mệnh của chị gái đã đẩy hai chị em Tiên vào con đường lầm lỗi.

Thời điểm đó vào cuối năm 2007, trong một lần đón xe buýt đi học, Duy có quen với một người gốc Phi tên Francis và hai người trao đổi số điện thoại với nhau. Hơn 2 năm sau, bất chợt Francis gọi điện thoại cho Duy hỏi thăm sức khỏe và bảo có công việc kinh doanh tốt mà Duy có thể tham gia kiếm tiền.

Công việc này rất đơn giản đó là mang hàng mẫu gồm quần áo, giày dép cho đối tác ở nước ngoài về, mọi chi phí đi lại, ăn ở đều được “công ty” lo liệu. Về tiền công, nếu đi Malaysia sẽ được trả 500 USD/chuyến, đi Ấn Độ thì 1.000 USD.

Nghĩ đến khoản tiền công quá hậu hĩnh lại được ra nước ngoài để học hỏi, trao dồi thêm vốn ngoại ngữ nên Duy lập tức nhận lời. Và thế là những chuyến bay xuất ngoại dần trở nên quen thuộc. Sau nhiều lần kiếm tiền dễ dàng, Duy nghi ngờ “hàng mẫu” trên là mặt hàng phạm pháp nên đã nhắn tin cho Francis hỏi có phải vật trong đáy valy là ma túy hay không.

Lúc đó, Francis không hề chối bỏ sự thật, lúc này nữ sinh Đại học Hồng Bàng biết là mình đã tham gia vào đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Điều lo sợ hơn với Duy lúc đó là cô đã lôi kéo chính em ruột của mình Trần Hạ Tiên vào con đường tội lỗi.

Khi đó, Tiên cũng đang ở bên châu Phi để gặp gỡ Francis. Vì sợ Francis sẽ ra tay với em gái, Duy tiếp tục im lặng và nhắm mắt làm theo chỉ dẫn của Francis. Sau đó, khi Tiên trở về Việt Nam với chiếc va ly “đặc biệt” mà Francis đưa cho và đã bị cơ quan công an bắt giữ.

Hôm đó là ngày 18/7/2011, khi Tiên đáp chuyến bay từ Doha về Việt Nam, qua kiểm tra hành lý, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện trong đáy va ly của cô có giấu một bao nilon màu đen quấn băng keo, bên trong chứa chất rắn màu trắng dạng tinh thể.

Sau đó, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, giao Tiên và tang vật cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an xử lý. Kết quả giám định cho thấy bọc màu đen trong vali của Tiên là chất Methamphetamin (tiền chất ma túy) trọng lượng 4 kg.

Nghe tin em bị bắt, Duy từ Campuchia về Việt Nam đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Tính đến khi bị bắt Duy đã vận chuyển tổng cộng 7,5 kg còn Trần Hạ Tiên đã vận chuyển 4,04 kg. Và thế là giấc mơ học hành của hai chị em Tiên từ đó bị bỏ dở. Chị em cô không thể nghĩ được rằng, chính giấc mơ và cơ hội được “xuất ngoại” đó đã đẩy hai người vào con đường tội lỗi.

“Lúc mình bị công an bắt, mình rất sợ hãi. Cảm giác của mình lúc đó như vô thức vậy. Lúc đó mình nghĩ không còn khả năng sống nữa, mình cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Khi cơ quan công an hỏi mình đã kể lại hết tiến trình sự việc”, phạm nhân Trần Hạ Tiên nhớ lại.

“Sau cơn mưa, trời lại sáng”

Tiên nhớ lại, ngày cô mới vào Trại giam An Phước (Tổng cục VIII) thụ án, cô vô cùng tuyệt vọng. Tiên nghĩ rằng cuộc đời của mình thế là hết, cô đã phải nếm trải một sự thật đầy cay đắng mà đến nằm mơ cô cũng chưa bao giờ thấy.

Chính sự nhẹ dạ cả tin, chị em Tiên đã phải trả cái giá quá đắt. “Kể từ khi vào trại giam thụ án, bố mẹ động viên mình rất nhiều. Ngoài những bố mẹ lên thăm thì còn viết thư gửi vào trại cho mình. Mình có lỗi với bố mẹ nhiều…”, Tiên rưng rưng nước mắt khi nhắc về bố mẹ.

Tiên cũng chia sẻ, kể từ khi biết chị em cô bị vướng vòng lao lý, cô chưa bao giờ có một lời oán trách chị gái, mặc dù cô biết rằng chính Duy là người đã kéo cô vào con đường lầm lỗi ấy. Cô nhớ lại, ngày xử án, căn phòng hôm đó chật kín người dự khán, phần lớn họ là những sinh viên đang trong thời gian thực tập, chuẩn bị bước vào đời.

Còn hai chị em Tiên đứng trước vành móng ngựa mà không dám ngoảnh mặt nhìn xuống khán phòng. Lúc đó chị em cô sợ sẽ bắt gặp ánh mắt đau đớn của bố mẹ và những người thân. Thế nhưng, cuối cùng hai chị em cô cũng phải ngước xuống nhìn bố mẹ, đó như một sự ân hận và một lời xin lỗi muộn màng.

Chứng kiến cảnh bố mẹ và người thân khóc cạn nước mắt khi hai đứa con sắp phải đối mặt với bản án nghiêm khắc của pháp luật, chị em Tiên chỉ biết khóc ròng. Giá như chị em Tiên không vướng chân vào con đường tội lỗi thì có lẽ cuộc đời cả hai đã khác. Sau nhiều phiên tòa xét xử, cuối cùng tòa tuyên phạt Trần Hạ Tiên mức án 20 năm tù, Trần Hà Duy mức án tù chung thân cùng về tội “vận chuyển trái phép chất ma túy”.

Nữ phạm nhân Trần Hạ Tiên tâm sự, gia đình và bạn bè hiểu được hoàn cảnh nên rất thương và thường xuyên xuống thăm cô. Chính bởi vậy, Tiên luôn lấy đó là nguồn động lực để tiếp tục cải tạo tốt. Bản thân Tiên luôn suy nghĩ rằng, sẽ có ngày cô được trở về với gia đình, được hòa nhập với xã hội.

“Sau cơn mưa trời lại sáng” – đó là suy nghĩ của Tiên khi nói về tương lai của mình sau này. Câu nói ấy chứa đựng bao khát khao, dù giờ đây cô đang phải ở một nơi mà chưa bao giờ muốn đến. Cô sinh viên năm nào hi vọng rằng cái ngày được trở về ấy không còn xa nữa, để cô có thể viết tiếp lên những “trang giấy trắng” còn đang dang dở ấy.

“Qua sự việc này mình mong muốn các bạn trẻ đừng nhìn cuộc sống xã hội này một màu. Thực tế nó là muôn màu vạn trạng, bởi vậy mình phải suy nghĩ, nhìn nhận nó theo chiều hướng hai mặt. Chỉ vì suy nghĩ thiếu chín chắn mà mình phải chịu hậu quả như bây giờ.

Ở trong trại giam, các cán bộ cũng hiểu hoàn cảnh phạm tội nên cũng giúp đỡ, động viên mình rất nhiều. Thời gian thụ án trong trại giam mình đã trưởng thành hơn rất nhiều, mình sẽ phấn đấu cải tạo tốt để được sự khoan hồng của Đảng và nhà nước”, phạm nhân Trần Hạ Tiên tâm sự.

Ngọc Tiến – Nhã Vy (Báo Pháp Luật, 24/08/2016)