10 gia đình thuê mặt bằng kinh doanh trò chơi ở Công viên Kim Đồng, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng đang bức xúc trước việc UBND huyện này thu hồi mặt bằng nhưng không bố trí nơi để họ tiếp tục kinh doanh.

Phải tháo gỡ các trò chơi mà không có nơi lắp đặt, tài sản tiền tỷ của 10 hộ này đang đối diện với nguy cơ thành đống phế liệu.

Công viên Kim Đồng (Công viên) của thị trấn Liên Nghĩa được thành lập năm 2000, bên cạnh tượng đài liệt sỹ của huyện với ý nghĩa là nơi ghi công các anh hùng liệt sỹ, phía sau là điểm vui trơi giải trí dành cho các cháu thiếu nhi…

Trò chơi tiền tỷ nguy cơ thành phế liệu.

Khi công viên được xây dựng, Trung ương Đoàn TNCS HCM bố trí vốn đầu tư cụm 6 trò chơi thiếu nhi và giao cho Huyện Đoàn Đức Trọng quản lý, khai thác.

Do chưa bố trí được kinh phí để đầu tư các trò chơi, nên sau đó đơn vị chủ quản Công viên là Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng (Trung tâm) huyện Đức Trọng đã kêu gọi đầu tư lắp đặt các loại trò chơi dành cho thiếu nhi theo hình thức xã hội hóa.

Từ năm 2002 đến nay đã có 10 hộ dân tại địa phương thuê lại mặt bằng ở Công viên với tổng diện tích hơn 4.000m2 , chia thành 36 quầy để đầu tư, kinh doanh 21 loại trò chơi dành cho thiếu nhi.

Tuy nhiên, đến nay tất cả các loại trò chơi của 10 gia đình này đang có nguy cơ trở thành đống sắt vụn khi UBND huyện Đức Trọng có chủ trương thu hồi mặt bằng, nhưng lại chưa sắp xếp được vị trí khác cho các hộ này thuê.

Ông Mai Công Phụng (trú tại đường Thống Nhất, thị trấn Liên Nghĩa) cho biết, năm 2003, gia đình ông là hộ đầu tiên thuê mặt bằng với Trung tâm huyện Đức Trọng tại Công viên để lắp đặt các loại trò chơi dành cho thiếu nhi.

Thời hạn thuê mặt bằng là 5 năm. Do mặt bằng của Công viên ở trung tâm huyện nên hàng năm Sở Tài chính Lâm Đồng có điều chỉnh giá đất nên sau hợp đồng 5 năm, Trung tâm chuyển sang ký hợp đồng với ông Phụng từng năm một.

Nghĩ rằng được thuê mặt bằng dài hạn, gia đình ông Phụng đã dốc hết tiền bạc và vay mượn thêm để đầu tư nhiều loại trò chơi hiện đại dành cho thiếu nhi lắp đặt tại Công viên này để kinh doanh. Được biết, đến thời điểm này gia đình ông Phụng đã đầu tư khoảng 3 tỷ đồng vào các loại trò chơi.

Tiền thuê mặt bằng trong năm 2017 là 86 triệu đồng. Tuy nhiên, tháng 7/2017, gia đình ông Phụng cùng 9 hộ khác đang thuê mặt bằng kinh doanh trò chơi dành cho thiếu nhi tại đây nhận được thông báo từ Trung tâm sẽ thu hồi mặt bằng.

Theo đó, sau khi hết hợp đồng được ký từng năm, ngày 1/1/2018, Trung tâm sẽ thanh lý hợp đồng và thu hồi mặt bằng.

Đây thực sự là “tin sốc” đối với 10 hộ đang thuê mặt bằng tại Công viên, bởi lẽ các trò chơi dành cho thiếu nhi đều được lắp đặt cố định, tốn kém và chiếm nhiều diện tích. Khi bị di dời mà chưa có mặt bằng mới để lắp đặt, các hộ không biết để những trò chơi này ở đâu.

“Phải tháo gỡ ra mà không có chỗ để lắp đặt lại thì những loại trò chơi này sẽ sớm thành đống phế liệu!…”, ông Phụng nói.

Bà Bạch Nguyệt Hải, một người bị thu hồi mặt bằng lo lắng cho biết, khối trò chơi đến thời điểm này gia đình bà đã đầu tư khoảng 8 tỷ đồng, nhưng mỗi tuần chỉ kinh doanh được hai đêm cuối tuần, đó là chưa kể 6 tháng mùa mưa không có khách.

Nay bị thu hồi mặt bằng, gia đình bà sau khi tháo dỡ không biết để ở đâu và để “đắp đống” thì chắc chắn các trò chơi sẽ sớm bị hư hỏng, trở thành sắt vụn là điều không thể tránh khỏi…

Ngày 18/7/2017, UBND huyện Đức Trọng có Văn bản số 1403/UBND trả lời đơn của ông Mai Công Phụng và các hộ dân cho biết, lý do thu hồi lại mặt bằng tại Công viên là do những ngày lễ, tết, lượng người dân tập trung về đây đông đã ảnh hưởng tới an toàn giao thông, an ninh trật tự, mỹ quan công viên…

Cũng theo UBND huyện này, hiện đang rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch khu Trung tâm văn hóa – thể thao tại khu vực Nam sông Đa Nhim và tổ dân phố 12, thị trấn Liên Nghĩa, trong đó có khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em.

Tuy nhiên, những hộ đang thuê mặt bằng để kinh doanh cho biết, hiện khu Trung tâm văn hóa – thể thao của huyện mới chỉ được UBND huyện quy hoạch chứ chưa có mặt bằng để các hộ chuyển các trò chơi tới lắp đặt.

“Chúng tôi sẵn sàng di dời khi UBND huyện Đức Trọng sắp xếp được chỗ mới để lắp đặt các trò chơi và tiếp tục kinh doanh… Bây giờ mà di dời, chúng tôi không biết chuyển đi đâu vì đây là những trò chơi chiếm nhiều diện tích, không có kho nào bỏ vừa, bán tháo đi cũng không ai mua”, bà Bạch Nguyệt Hải buồn bã nói.

Các hộ đang thuê mặt bằng tại đây cho biết, trước ngày nhận được thông báo thu hồi mặt bằng, họ không hề được cơ quan chức năng mời lấy ý kiến, trình bày tâm tư, nguyện vọng.

“Nhà nước cho thuê mặt bằng để lắp đặt các loại trò chơi theo hình thức xã hội hóa, hàng năm chúng tôi đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, nhưng khi thu hồi mặt bằng chúng tôi lại không được họp để đối thoại. Việc thu hồi lại mặt bằng cũng phải thực hiện theo kế hoạch, lộ trình chứ không thể đột ngột như thế.

Điều này quá bất công và mất dân chủ!..”, các hộ dân bức xúc. Trước những bất cập trên, các hộ kinh doanh tiếp tục đề nghị UBND huyện Đức Trọng tổ chức đối thoại, đồng thời quy hoạch một khu công viên khác cho các hộ chuyển trò chơi tới lắp đặt và tiếp tục kinh doanh.

Tuy nhiên, đến nay nguyện vọng chính đáng của những hộ trên vẫn chưa được UBND huyện Đức Trọng đáp ứng.

Trung Thứ (Pháp Luật Plus, 11/3/2018)