Đã hơn 10 năm trôi qua, việc giải quyết đất tái định canh cho các hộ dân bị thu hồi đất sản xuất phục vụ cho Dự án Bô xít Tân Rai (huyện Bảo Lâm) chưa hề có chút chuyển biến nào. Trong khi đó, hơn 150 ha đất quy hoạch cho Dự án tái định canh do Ban Quản lý Dự án Tổ hợp Bô xít – Nhôm (QLDATH) quản lý đang “bốc hơi” do bị xâm lấn, sang nhượng trái phép.

Gần như 100% diện tích khu tái định canh đang bị lấn chiếm, sang nhượng trái phép. Ảnh: H.Đường
Gần như 100% diện tích khu tái định canh đang bị lấn chiếm, sang nhượng trái phép. Ảnh: H.Đường

Quản lý lỏng lẻo, bị lấn chiếm

Năm 2006, 182 ha đất tại Tiểu khu 438B (thuộc tổ 23, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) được quy hoạch để bố trí đất sản xuất (tái định canh) cho những hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất phục vụ cho Dự án Bô xít Tân Rai theo Quyết định 2483/QĐ – UBND ngày 6/9/2006 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Khu tái định canh này, được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho Ban QLDATH Bô xít – Nhôm Lâm Đồng quản lý trực tiếp. Sau khi tiếp nhận khu tái định canh, Ban QLDATH Bô xít – Nhôm Lâm Đồng đã tiến hành giải tỏa thu hồi đất và triển khai các hạng mục công trình như xây dựng đường sá, cầu cống tại khu tái định canh. Sau đó, có 30 ha trong khu tái định canh đã được cấp cho 28 đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Hơn 150 ha còn lại để bố trí tái định canh cho những hộ dân từ nơi khác bị thu hồi đất sản xuất nằm trong khu vực Dự án Bô xít. Tuy nhiên, việc giải quyết tái định canh cho người dân còn tồn tại nhiều bất cập và thời gian thực hiện trì trệ, kéo dài.

Vì vậy, hơn 10 năm trôi qua, chưa có một hộ dân nào có đất sản xuất bị thu hồi được bố trí tái định canh. Trong khi đó, gần như 100% diện tích đất khu tái định canh với diện tích hơn 150 ha đang bị nhiều đối tượng lợi dụng lấn chiếm và sang nhượng trái phép khiến người dân bức xúc.

“Sau khi tiếp quản khu tái định canh tại Tiểu khu 438B, đơn vị đã triển khai xây dựng các hạng mục công trình như cầu cống, đường sá với tổng số vốn hơn 5,2 tỷ đồng và hoàn thành vào năm 2008. Sau đó, đơn vị đã nhiều lần có văn bản xin nghiệm thu, bàn giao cho UBND huyện Bảo Lâm để bố trí tái định canh cho người dân nhưng UBND huyện Bảo Lâm không đồng ý. Do đó, khiến thời gian kéo dài dẫn đến tình trạng đất khu vực tái định canh bị xâm chiếm trái phép. Thời gian đầu, khi đất tại khu tái định canh bị xâm chiếm, chúng tôi đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm tiến hành giải tỏa. Tuy nhiên, chúng tôi thừa nhận do lực lượng quá mỏng, trong khi đó diện tích đất bị lấn chiếm ngày một nhiều nên không thể giải quyết triệt để. Hiện nay, qua khảo sát của chúng tôi thì gần như 100% diện tích đất khu tái định canh đã bị người dân lấn chiếm, sang nhượng trái phép để trồng cà phê và bơ” – ông Nguyễn Đình Trí, Chánh Văn phòng Ban QLDATH Bô xít – Nhôm Lâm Đồng thừa nhận.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: “Liên quan đến khu tái định canh này, huyện đã nhiều lần phối hợp với Ban QLDATH Bô xít – Nhôm tổ chức các cuộc họp để bàn về việc bàn giao khu tái định canh nhưng không có kết quả. Nguyên nhân do Ban QLDATH Bô xít – Nhôm không chịu nhận mình là chủ dự án mà đổ lỗi cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng là chủ dự án. Không những vậy, trong các lần họp bàn giao thì đất khu tái định canh đã bị lấn chiếm gần hết mà chủ trương của huyện là nhận bàn giao mặt bằng sạch”.

Người dân chịu thiệt, trách nhiệm thuộc về ai?

Trước tình trạng khu tái định cư đang bị xâm lấn trái phép, Ban QLDATH Bô xít – Nhôm Lâm Đồng đã phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm và UBND thị trấn Lộc Thắng ra thông báo đề nghị các hộ dân đang canh tác trên khu tái định canh tới kê khai để làm cơ sở xử lý, giải tỏa trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Thắng cho biết: “Từ khi Ban QLDATH Bô xít – Nhôm ra thông báo từ ngày 12/3/2017 đến nay, UBND thị trấn Lộc Thắng đã tiếp nhận hơn 30 trường hợp là các hộ dân đang canh tác trên khu tái định canh đến kê khai và chắc chắn con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các hộ dân đến kê khai đều mang theo giấy viết tay sang nhượng lại từ của những người khác lấn chiếm trước đó. Thời hạn tiếp nhận kê khai của người dân sẽ kết thúc vào ngày 31/3 và sau đó chúng tôi sẽ nộp danh sách về huyện và Ban QLDATH Bô xít – Nhôm để có phương án giải quyết, xử lý”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, đang có gần 200 hộ dân tại các tổ dân phố 18, 19, 20 và 21 (thị trấn Lộc Thắng) có đất sản xuất bị thu hồi để phục vụ cho Dự án Bô xít Tân Rai, nhưng vẫn chưa được bố trí tái định canh. Ông Phan Bá Thường, Tổ trưởng tổ 21 (thị trấn Lộc Thắng) cho hay: “Theo thống kê, tổ 21 có đến gần 100 hộ dân bị thu hồi đất sản xuất phục vụ cho Dự án Bô xít nhưng chưa được bố trí tái định canh. Chúng tôi không hiểu vì sao, khu tái định canh đã có từ lâu nhưng người dân lại không được bố trí tái định canh để ổn định cuộc sống. Từ trước đến nay, người dân chúng tôi chưa một lần nhận được thông báo hướng dẫn nào về việc làm đơn xét cấp đất tái định canh từ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều hộ dân tự làm đơn xin cấp tái định canh nhưng không nhận được trả lời”.

Ông Nguyễn Viết Biêu, ngụ tổ 21 (thị trấn Lộc Thắng) phản ánh: “Năm 2009, gia đình tôi bị thu hồi 2 ha đất sản xuất nông nghiệp để phục vụ cho Dự án Bô xít. Khi bị thu hồi đất, cơ quan chức năng và Ban QLDATH Bô xít – Nhôm đã hứa sẽ cấp đất tái định canh cho gia đình chúng tôi nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Suốt thời gian qua, gia đình tôi đã nhiều lần làm đơn xin được cấp đất tái định canh nhưng vẫn không nhận được hồi âm từ chính quyền địa phương nên chúng tôi rất bức xúc. Không có đất sản xuất, cả 4 người trong gia đình tôi phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống”.

Tương tự hoàn cảnh của gia đình ông Biêu còn có hàng trăm hộ dân khác đang sống trong cảnh thiếu đất sản xuất. Ông Lê Quang Quốc, ngụ tại tổ 20 (thị trấn Lộc Thắng) mong muốn: “Sau khi bị thu hồi đất sản xuất từ năm 2007 đến nay, gia đình không còn một tấc đất để canh tác nên cả gia đình phải đi làm thuê kiếm sống. Không có đất sản xuất, cuộc sống của gia đình tôi bị lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. Người dân chúng tôi mong muốn địa phương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhanh chóng có giải pháp để bố trí đất tái định canh giúp chúng tôi ổn định cuộc sống”.

“Trước tình trạng khu tái định canh đang bị lấn chiếm, sang nhượng trái phép, UBND huyện đã ra thông báo yêu cầu Ban QLDATH Bô xít – Nhôm Lâm Đồng phối hợp với cơ quan chức năng địa phương để tiến hành kiểm tra thực tế hiện trạng. Hiện tại, Ban QLDATH Bô xít – Nhôm cũng đang tích cực triển khai các biện pháp để khắc phục hậu quả. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ triển khai các phương án, giải pháp tiếp theo để hỗ trợ Ban QLDATH Bô xít – Nhôm thu hồi lại đất khu tái định canh. Còn việc nhận bàn giao đất thì huyện luôn nhất quán chủ trương tiếp nhận khi toàn bộ khu tái định canh không còn bị lấn chiếm. Sau đó, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND tỉnh có phương án để giải quyết” – ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm.

Điều tra: HẢI ĐƯỜNG (Báo Lâm Đồng, 22/3/2017 )