Trồng ớt sừng bò Hà Lan khổng lồ, một cây trồng mới của xứ rau Đà Lạt có thể ăn tươi, làm nước ép giải khát đang được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Thu hoạch ớt sừng. Ảnh: D.Quỳnh
Thu hoạch ớt sừng. Ảnh: D.Quỳnh

Thăm trang trại của anh Lê Văn Út, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương được anh cho biết, giống ớt này được nhập từ Hà Lan với giá trị được tính từng hạt. Trồng ớt sừng bò không dễ do thời gian để có một cây ớt trưởng thành khá dài. Là loài cây ngoại nhập, ớt sừng bò yếu ớt trước một số bệnh thường thấy trên cây ớt như bệnh héo xanh. Vì vậy, trang trại của anh đã phải ghép chồi ớt sừng bò non lên gốc ớt dại. Từ nhân giống bằng hạt, ghép chồi vào gốc ớt dại cho tới khi cây ớt cho ra những trái đầu tiên, thời gian mất gần 8 tháng nếu so với 4 tháng nếu trồng trực tiếp từ hạt. Tuy nhiên, thành quả là những trái ớt rất lớn, có trái nặng tới 0,4 kg, màu sắc đỏ và vàng rực rỡ. Nếu chăm tốt, cây ớt sẽ cho trái liên tục trong vòng 12 tháng, năng suất trung bình xấp xỉ 20 trái/gốc.

Tương tự, trang trại anh Nguyễn Định, phường 8, Đà Lạt cũng trồng ớt sừng bò lớn theo phương pháp ghép chồi trên gốc ớt dại. Đặc biệt, cả hai trang trại trên đều ứng dụng một biện pháp phòng chống bọ trĩ khá đặc biệt. Bọ trĩ là giống côn trùng chích hút gây hại rất nhiều trên cây ớt mà để diệt bọ trĩ, nhiều nhà vườn phun thuốc khá dày, ảnh hưởng tới chất lượng cây trồng. Ngược lại, dưới sự hướng dẫn của kỹ sư nông nghiệp, hai trang trại trên đã ứng dụng biện pháp thiên địch tự nhiên hiệu quả là trồng ngò nhung cạnh luống ớt. Ngò nhung, hay còn gọi là ngò tây, trồng xen luống ớt khiến loài bọ trĩ giảm tới 90% mật độ, vườn ớt gần như không còn bọ trĩ hại lá non, hoa và quả non. Không chỉ là thiên địch tự nhiên với bọ trĩ, ngò tây còn là loài gia vị được sử dụng khá thông dụng trong phong cách nấu ăn, pha chế đồ uống kiểu Âu. Vì vậy, tiền thu được từ việc bán ngò tây không ít với giá 20 ngàn đồng/kg. Như chị Trần Thu Hà, quản lý trang trại cho hay, nếu trồng ngò dày hơn, tiền bán ngò đủ chi phí chăm sóc cho vườn ớt, trong khi cây ngò tây đã giúp vườn ớt sạch bệnh rất nhiều, gần như không còn phải chăm sóc sâu bệnh hại.

Ở châu Âu, trái ớt sừng bò lớn được sử dụng với công dụng tương tự trái cây, chứ ít dùng như rau tươi, chị Võ Bích Nhuần, cán bộ Công ty Hạt giống Phù Sa, đơn vị nhập trực tiếp hạt giống ớt sừng bò cho hay. Giống ớt này là một sản phẩm mới của hãng Enza Hà Lan với lượng vitamin rất dồi dào, thịt trái dầy, mọng nước và vị ngọt đặc trưng, hoàn toàn không còn vị nồng, the the của ớt chuông. Ớt được dùng để ăn sống, trộn salad, làm nước trái cây. Chị Nhuần cho hay, hiện ớt sừng bò khổng lồ mới chỉ được trồng tại Đà Lạt (như Dalat GAP, Kiến Huy Farm, Nguyễn Định) do đây là loài cây cao cấp, cần chăm sóc khá riêng biệt. Vì dinh dưỡng cao và sử dụng dễ dàng, có vị ngọt ngon miệng, ớt sừng bò được khách hàng tại các thị trường lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội rất ưa chuộng. Bản thân Công ty Hạt giống Phù Sa cũng nhập lại ớt thành phẩm từ các trang trại trên Đà Lạt để cung cấp cho khách hàng. Cùng với ớt sừng bò, nhiều trang trại tại Đà Lạt đang đi theo một xu thế mới, là trồng và cung cấp những sản phẩm đặc biệt cho khách hàng, giảm nhập khẩu rau xanh cao cấp và mang lại thu nhập tốt cho người nông dân.

DIỆP QUỲNH (Báo Lâm Đồng, 26/12/2016)