Sau những cơn mưa dầm dề, kéo dài lê thê hết tuần này sang tuần khác, ánh nắng bất chợt xuất hiện rồi vụt tắt bởi những đám mây đen xì vẫn ngự trị, trên những cánh rừng thông phía ngoại ô Đà Lạt, người người tìm vào rừng vui như trẩy hội. Họ bước vào mùa đi tìm nấm sữa, nấm gan bò để bán, hoặc đem về nấu ăn.

Từng đoàn người vào rừng thông đi tìm nấm sữa, nấm gan bò. Ảnh: N.Khắc Lịch
Từng đoàn người vào rừng thông đi tìm nấm sữa, nấm gan bò. Ảnh: N.Khắc Lịch

Mưa vẫn rả rích rơi, hơi lạnh hiện hữu trên từng cái xuýt xoa của lữ khách về chiều, dù bây giờ, Đà Lạt mới chỉ chớm thu. Thế nhưng, với không ít người, mưa có cái thú riêng của nó. Thậm chí, mưa vậy vẫn còn chưa đủ, phải kéo dài thêm nữa, lê thê suốt ngày đêm mới khiến họ hả hê. Sau những cơn mưa rả rích, điều kỳ diệu sẽ hiện hữu trên những cánh rừng thông. Nguyễn Định (31 tuổi), ngụ đường Vòng Lâm Viên, TP Đà Lạt, gọi điện cho tôi, khoái chí nói, nếu mưa kéo dài khoảng 1 tuần nữa thì tha hồ có nấm ăn. Chúng tôi vẫn thường gọi các loại nấm “lành” là lộc rừng mà tự nhiên ban phát cho con người nơi đây. Đó thực sự là những bữa tiệc dài dành cho những “tín đồ” mê loại thực phẩm này.

Đà Lạt vẫn mưa rả rích, ánh nắng trọn vẹn trong ngày trở thành thứ xa xỉ lớn ở xứ lạnh mùa này. Sau gần một tháng đổ mưa, rừng thông sản sinh ra hàng chục loại nấm. Ở Đà Lạt, ngoài tự nhiên có hai loại nấm phổ biến ăn được, chỉ mọc trên những đồi thông ít chịu sự tác động của con người, đó là nấm sữa (người địa phương quen gọi là nấm thông) và nấm gan bò.

Nấm chỉ thức giấc, vươn mình khỏi lớp rác mùn trên bề mặt đồi thông khi có mưa liên tục kéo dài, rả rích cả tháng và không có ánh nắng mạnh xuất hiện.

Trước lúc lên đường, Nguyễn Định, bạn tôi, bắc sẵn nồi cháo trắng, khi về chỉ cần rửa sạch nấm, cho vào nồi cháo trắng này khoảng 20 phút sau là được lên mâm. Đang cơn đói, lạnh tái người, bưng tô cháo nấm bốc khói ngun ngút, thơm lừng, ngọt ngậy lên húp hùm sụp thì khỏi phải nói. Ngon hết sảy!… Cứ nghĩ như thế đã thấy khoan khoái cả người.

Hai giờ chiều, mưa đã ngớt, chúng tôi lên đường vào rừng thông nơi tiếp giáp với huyện Lạc Dương. Sau gần một tháng mưa rả rích, các loại nấm rừng đua nhau đội lên khỏi mặt đất. Từng thảm nấm xuất hiện, đủ các loại màu sắc, kích thước. Nhưng người hái nấm ở Đà Lạt, ngoài nấm sữa và nấm gan bò, người ta không mấy quan tâm tới các loại nấm khác. Bởi hầu hết những loại nấm còn lại đều là nấm có chứa chất độc, hoặc là nấm lạ, không ai dám đụng tới. Rừng thông thường vắng tanh, nhưng ngày mưa dầm dề lại đông như trẩy hội. Tiếng cười nói, tiếng hú vang, tiếng khoe tìm được đám nấm ngon… những thanh âm rộn ràng vang lên giữa rừng như thể phá tan đi cái khổ ải của những ngày mưa dài.

Anh Nguyễn Nhỏ, điều khiển xe gắn máy chạy quanh những quả đồi thông thoai thoải, cỏ mọc xanh mướt. Sau khi đã phát hiện những vùng có nấm lành, anh điều khiển xe quay trở lại phía chúng tôi để chỉ điểm, cứ thế tìm tới chỗ có nấm mà hái. Có những đám, nấm sữa mọc tập trung, lên tới cả ký. Sở dĩ người ta gọi là nấm sữa bởi khi bị hái, loại nấm này tiết ra mủ màu trắng, đặc quánh như sữa. Tuổi đời của nấm này kéo dài chưa tới 48 tiếng đồng hồ sau đó nhanh chóng lụi tàn. Thời điểm nấm cho chất lượng tốt nhất là lúc đang còn ở hình dạng tròn, mới nổi lên khỏi mặt đất. Nấm già sẽ không còn giữ được hương vị thơm ngọt, và giòn. Với những người đi hái nấm ở Đà Lạt mùa này, những túi nấm nặng cả chục ký vẫn không quý bằng 1 kg nấm gan bò. Đi rừng ai cũng cầu mong cho gặp loại nấm này. Cây lớn có thể nặng tới nửa ký, cao khoảng 20 cm, thân mập ú, thịt chắc nịch. Các nhà hàng hạng sang tại Đà Lạt đều cố đặt các nhóm hái nấm săn tìm, mua loại nấm này để đáp ứng nhu cầu sành ăn của thực khách.

Một cụ ông đã ngoài 70 vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi tiến lại phía ông, có vẻ như ở vùng đó nấm nhiều, mình cụ ông này lấy không suể. Đúng vậy, chiếc làn nhựa của ông đã đầy ắp những cây nấm sữa vàng ươm, tươi rói, mủ vẫn còn ứa ra trắng nõn. Ông là Nguyễn Văn Bảy, nhà ngoài bìa rừng. Dù cuộc sống chẳng còn thiếu thốn gì nhưng suốt mấy chục năm qua, ông Bảy vẫn giữ thói quen đi hái nấm mỗi khi vào mùa. Ngày được ít ông chia cho con cháu mỗi người một mớ về ăn cho đã. Ngày nhiều, gia đình ăn không hết, ông Bảy đem ra chợ Đà Lạt bán. Ông thường kể lại với con cháu rằng, thời còn chiến tranh, hay những năm đất nước còn khó khăn, nhiều gia đình ở Đà Lạt đói rã cả họng, mùa mưa dầm dề, chẳng kiếm đâu ra tiền đong gạo, mua thức ăn. Chính loại nấm lành ở các cánh rừng thông bao quanh thành phố này là đấng cứu tinh cho những gia đình nghèo khó, cơ hàn, vượt qua ngày tháng cùng cực nhất của đời người.

Sau gần hai tiếng đồng hồ, nhóm chúng tôi đã lấy đầy 2 làn nhựa nấm với hơn 10 kg nấm. Trên đường trở về may mắn phát hiện gần 1 kg nấm gan bò ngay bên cạnh con đường mòn. Điều đó thật lý tưởng cho nồi cháo trắng ở nhà Nguyễn Định bắc trước khi đi đang chờ sẵn. Ai nấy đều phấn khích, háo hức để được thưởng thức món cháo nấm gan bò, nấm sữa. Chắc chắn, ngon phải biết!… Nấm sữa, nấm gan bò, ngoài nấu cháo, người ta còn có thể chế biến được rất nhiều món ăn hấp dẫn, như xào, nấu canh, hoặc ăn với lẩu… Chỉ cần nếm thử một lần thôi, cái vị thơm ngậy, ngọt đậm đà đượm chất núi rừng của loài nấm lành khiến người ta thòm thèm, nhớ mãi!… Mùa nấm qua rồi lại trông chờ cho mùa mưa năm sau mau tới để lại đi hái lộc rừng.

Ngô Khắc Lịch (Báo Lâm Đồng, 15/8/2017)