Rất nhiều cơ sở lưu trú tại Đà Lạt vẫn còn phòng trống, dù ngày 30/4 là thời gian cao điểm về nhu cầu phòng nghỉ của du khách.

Đà Lạt không còn khan hiếm chỗ nghỉ như khách dự đoán trước đợt lễ 30/4-1/5. Việc tạo ra những cơn sốt phòng nghỉ ảo để đẩy giá phòng lên cao trước các đợt lễ, tết, đã không còn xa lạ ở thành phố này. Sáng 29/4, chúng tôi liên lạc với khách sạn bình dân M.H trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, trung tâm TP Đà Lạt thì được trả lời khách đã đặt hết phòng trong đợt nghỉ lễ năm nay.

Nhiều cơ sở lưu trú tại Đà Lạt treo bảng còn phòng trong sáng ngày 30/4.
Nhiều cơ sở lưu trú tại Đà Lạt treo bảng còn phòng trong sáng ngày 30/4.

Thế nhưng sáng sớm ngày 30/4, khách sạn M.H lại treo bảng còn phòng. Qua điện thoại, giọng một nữ trực buồng phòng của khách sạn cho biết hiện vẫn còn 2 phòng trống, mỗi phòng 2 giường, giá cho thuê là 1 triệu đồng/phòng/đêm. Giá này vẫn cao hơn gấp đôi so với ngày thường. Tôi hỏi: “Sao hôm qua anh gọi bên em trả lời là khách đã đặt kín hết phòng đợt lễ này rồi”. Nữ nhân viên này nói: “Những ngày lễ, bên em luôn dành lại mấy phòng để bắt khách lẻ”.

Tương tự, sáng ngày 30/4, nhiều cơ sở lưu trú dọc đường Bùi Thị Xuân, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Ba Tháng Hai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa của TP Đà Lạt đồng loạt treo bảng thông báo còn phòng. Mặc dù “ế” phòng, chủ các cơ sở lưu trú đưa ra giá không hề rẻ, thậm chí rất cao so với ngày thường. Phòng đơn dao động ở mức 600.000-700.000 đồng/phòng/đêm, phòng đôi ở mức trên dưới một triệu đồng/phòng/đêm.

Nhiều cơ sở lưu trú tại Đà Lạt treo bảng còn phòng trong sáng ngày 30/4.
Nhiều cơ sở lưu trú tại Đà Lạt treo bảng còn phòng trong sáng ngày 30/4.

Theo phó giám đốc một công ty du lịch tại Đà Lạt, vào những dịp lễ, tết, hầu như các cơ sở lưu trú dạng bình dân, nhỏ lẻ ở thành phố này bao giờ cũng để lại vài phòng để bắt khách lẻ mà không cho đặt phòng hết từ trước. Trong trường hợp khách đổ lên Đà Lạt tăng đột biến, xảy ra tình trạng “cháy” phòng nghỉ nghiêm trọng thì những phòng còn lại này thực sự “hái ra tiền”, bởi chủ tha hồ hét giá mà vẫn có khách thuê.

Đi chơi ngày lễ tại Đà Lạt du khách đã gặp rất nhiều bất tiện, từ việc di chuyển khó khăn cho tới các dịch vụ ăn nghỉ. Họ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị “chặt chém” bởi một bộ phận không nhỏ những người làm dịch vụ du lịch theo kiểu chộp giật.

Đợt lễ năm nay, tại Đà Lạt một bất cập nữa tiếp tục xảy ra. Ngày 30/4, trong khi nhiều cơ sở lưu trú ở nội đô thành phố vẫn còn nhiều phòng trống, không ít “cò du lịch” lại canh trực ở cửa ngõ đi vào Đà Lạt, khi thấy từng nhóm khách lẻ, đi xe gắn máy, họ lập tức tiếp cận, mời mọc, giới thiệu chỗ ngủ nghỉ.

h1_rvxs

Các cửa ngõ vào thành phố đông đúc phương tiện giao thông

h1_acvn

Một nữ du khách trẻ tuổi tên Hiền, ngụ tại TP Phan Rang -Tháp Chàm, cho biết khoảng 10h ngày 30/4, nhóm của chị gồm 6 người, đi trên 3 xe gắn máy vừa tới vòng xoay Đài truyền hình Lâm Đồng thì có người đàn ông khoảng 40 tuổi tiếp cận, nói bây giờ Đà Lạt đã hết sạch phòng nghỉ. “Ông ấy nói tối hôm qua nhiều du khách đã phải ngủ ngoài xe hoặc thức thâu đêm ngoài trời lạnh”, chị Hiền thuật lại. Người này nói khách sạn của anh còn 2 phòng trống vì sáng nay khách mới trả.

Tin lời, nhóm của chị Hiền theo người đàn ông trên tới một cơ sở lưu trú trên đường Bùi Thị Xuân thuê một phòng với giá 1,4 triệu đồng. Khi đã giao tiền, nhóm du khách này mới biết người đàn ông kia không phải là chủ khách sạn mà chỉ là người “đi cò”. Và phòng nghỉ nhóm chị Hiền thuê thực chất có giá 900.000 đồng. Như vậy, chỉ trong vòng vài chục phút, “cò du lịch” kia đút túi 500.000 đồng nhờ ăn chênh lệch giá phòng.

Trước thực trạng trên, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đang có động thái chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ du lịch, quyết tâm dẹp bỏ nạn cò kéo, mồi chài, lừa lọc, dọa nạn du khách. Tuy nhiên, trước khi mọi chuyện đi vào nề nếp và môi trường du lịch Đà Lạt được trong sạch trở lại, du khách hãy thận trọng để tránh bị lừa như trường hợp trên.

Thạch Thảo (Theo Zing)