Nhằm xử lý triệt để vấn nạn “cò” lừa du khách làm ảnh hưởng đến du lịch của thành phố ngàn hoa, UBND TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã phân loại, chia nhỏ thành 4 loại “cò” đặc sản thường tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau để dẹp.

Qua đó, quá trình phân loại đã xác định 4 hình thức hoạt động của “cò đặc sản” gồm: Nhân viên của cơ sở kinh doanh trực tiếp làm “cò”; “Cò” tự do đón khách dẫn vào cơ sở kinh doanh dịch vụ (có thỏa thuận trước) để hưởng tiền “cò”; “Cò” bảo kê ép cơ sở kinh doanh phải chi tiền “cò” khi đưa khách vào; lái xe, hướng dẫn viên đưa khách đến cơ sở kinh doanh để hưởng tiền môi giới.

Quyết liệt dẹp vấn nạn "cò" đặc sản để trả lại sự thân thiện cho TP Đà Lạt.
Quyết liệt dẹp vấn nạn “cò” đặc sản để trả lại sự thân thiện cho TP Đà Lạt.

Ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, thừa nhận thực tế vấn nạn “cò” làm xấu hình ảnh Đà Lạt đã tồn tại gần 20 năm nay. Tuy nhiên chỉ hoạt động nhỏ lẻ, manh mún không rầm rộ, phức tạp như hiện nay. Trước thực trạng này, TP Đà Lạt sẽ tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý quyết liệt nơi “cò” thường hoạt động tại các địa điểm du lịch như: Thung lũng tình yêu, Chợ đêm Đà Lạt, khu du lịch thác Prenn, Vườn hoa thành phố… không để tái diễn các hoạt động kinh doanh, tiếp thị, môi giới, vi phạm pháp luật.

“Đặc biệt, tập trung điều tra, không để xảy ra tình trạng hình thành các tổ chức, băng nhóm đường dây tiếp thị, môi giới và xử lý triệt để tình trạng sử dụng lao động đi tiếp thị dạng “cò”. Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về đăng ký giá, niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết.” – ông Trình nhấn mạnh.

Đình Thi (Báo NLĐ, 10/7/2017)