Bất chấp lệnh cấm theo các văn bản số 2472/UBND-LN ngày 26/4/2018 và số 2586/UBND-ÐC ngày 4/5/2018 của UBND tỉnh Lâm Ðồng, đối tượng vẫn ngang nhiên sử dụng máy xúc san gạt đất lâm nghiệp trái phép để khai thác đá thạch anh. Ðiều đáng nói, sự việc này đã được cơ quan chức năng TP Bảo Lộc phát hiện từ lâu, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý?

Hiện trường người vi phạm ngang nhiên sử dụng máy xúc san gạt đất trái phép để khai thác đá thạch anh
tại TK 474 (xã Đại Lào). Ảnh: H.Đ

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ bạn đọc, phóng viên (PV) Báo Lâm Đồng đã có mặt tại Tiểu khu (TK) 474 (thuộc địa phận Thôn 3, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc) để tìm hiểu và ghi nhận vụ việc. Theo ghi nhận, tại thời điểm chúng tôi có mặt tại hiện trường phát hiện một máy xúc đang hoạt động san gạt, đào xới đất cả một quả đồi. Xung quanh khu vực này được bao phủ bởi một diện tích rừng trồng (gồm cây thông và keo lá chàm) rộng lớn. Bên cạnh là 2 hố sâu từ 10 – 15 mét, với đường kính rộng hàng chục mét đã và đang bị đào xới.

Tại khu vực này, đối tượng vi phạm còn xây dựng 1 căn nhà cấp 4 và trại chăn nuôi heo kiên cố. Cùng với đó là hàng tấn đá thạch anh đã được các đối tượng khai thác sắp xếp ngăn nắp; trong đó, có một số khối lượng đá đã được đóng vào bao tải.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2014 trở về trước, tại khu vực các đối tượng đang san gạt, đào xới đất khai thác đá thạch anh thuộc đất lâm nghiệp và được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp cho ông Nguyễn Quốc Lân (ngụ Thôn 3, xã Đại Lào) một phần diện tích để quản lý, bảo vệ và trồng rừng. Bao quanh khu vực đất được giao cho ông Lân là diện tích đất lâm nghiệp được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp quyền sử dụng cho Công ty Nguyên liệu giấy Tân Mai trồng rừng kinh tế. Sau đó, căn cứ vào Văn bản số 83/UBND ngày 7/1/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng “về việc chấp thuận ranh giới, diện tích đất để lập Dự án xây dựng Công viên Nghĩa trang Bảo Lộc”, ngày 22/1/2014, UBND TP Bảo Lộc đã ban hành Thông báo số 69/TB – UBND về “chủ trương thu hồi đất để xây dựng Dự án Công viên Nghĩa trang Bảo Lộc”. Theo đó, 55,68 ha đất lâm nghiệp tại TK 474 đã được thu hồi bàn giao lại cho Công ty cổ phần Công viên Nghĩa trang Bảo Lộc làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Từ thời điểm này, hơn 55 ha đất thuộc TK 474 được đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, diện tích cây lâm nghiệp (gồm cây thông và chàm) do Công ty Nguyên liệu giấy Tân Mai và ông Nguyễn Quốc Lân trồng trước đó vẫn còn nguyên chưa khai thác. Vì vậy, toàn bộ diện tích cây lâm nghiệp tại TK 474 vẫn thuộc quyền quản lý, bảo vệ của Công ty Nguyên liệu giấy Tân Mai và Hạt Kiểm lâm Bảo Lộc.

Đáng nói hơn, trong thời gian được giao nhận đất để quản lý và trồng rừng, ông Nguyễn Quốc Lân đã phát hiện tại khu vực giáp ranh giữa đất của mình và đất của Công ty Nguyên liệu giấy Tân Mai có một khối lượng đá thạch anh lớn. Ngay sau đó, một người tên Lập đã cùng nhau hợp tác để khai thác đá thạch anh. Theo ông Phạm Mạnh Phát, cán bộ kiểm lâm phụ trách trực tiếp TK 474 (thuộc Hạt Kiểm lâm Bảo Lộc), với vai trò quản lý của mình, nhiều năm về trước, ông Phát đã phát hiện hành vi san gạt đất để khai thác đá của ông Lân và ông Lập. Tuy nhiên, do đất khu vực này đã được đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng nên ông Phát không đủ thẩm quyền xử lý. Ông Phát cho biết: “Sau khi phát hiện đất tại khu vực này bị san gạt để khai thác đá, tôi đã báo cáo với thủ trưởng đơn vị cùng UBND xã Đại Lào, Phòng Tài nguyên – Môi trường và Công an TP Bảo Lộc để kiểm tra, xử lý. Mới đây, tôi đã vào kiểm tra hiện trường thì phát hiện họ đã san gạt, đào xới rộng và sâu hơn, tác động vào một phần diện tích đất của Công ty Nguyên liệu giấy Tân Mai. Về việc này, do người vi phạm đã tác động đến tài nguyên đất và tài nguyên khoáng sản nên việc kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan như Tài nguyên – Môi trường và Công an. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà đến hiện tại việc san gạt đất khai thác đá tại đây vẫn còn tiếp diễn. Theo tôi, việc xử lý vi phạm liên quan đến san gạt đất không quá quan trọng, mà vấn đề quan trọng là khối lượng đá thạch anh bị khai thác trái phép gây thất thoát tài nguyên…”.

Sau khi nắm được thông tin vụ việc, UBND xã Đại Lào đã cử cán bộ vào kiểm tra và lập biên bản hiện trường vụ việc. Ông Phạm Công Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lào khẳng định: “Ngay sáng 13/6, chúng tôi đã cử cán bộ vào lập biên bản hiện trường vụ việc san gạt đất để khai thác đá thạch anh tại TK 474. Tại thời điểm kiểm tra, chúng tôi không phát hiện các tang vật và người vi phạm tại hiện trường. Tuy nhiên, chúng tôi đã lập biên bản hiện trường bị san gạt, đào xới và sẽ báo cáo UBND TP Bảo Lộc trong thời gian sớm nhất để có biện pháp kiểm tra, xử lý theo quy định”.

Hải Đường (Báo Lâm Đồng, 15/6/2018)