Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, Đỗ Hữu Quyết (SN 1990, Lâm Đồng) lập gia đình và ra ở riêng. Với số vốn “hồi môn” ít ỏi để khởi nghiệp, giờ đây Quyết đã sở hữu đàn bò sữa cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chúng tôi có dịp đến thăm trang trại chăn nuôi bò sữa của anh Đỗ Hữu Quyết (thôn 8, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc). Nhìn đàn bò sữa có tới 25 con (15 con đang khai thác sữa và 10 con bê cái), chúng tôi không khỏi bất ngờ vì một chàng thanh niên 9x như Quyết lại sở hữu một đàn bò khá đông và giá trị như vậy.

Anh Đỗ Hữu Quyết tâm sự, năm 2010, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh lập gia đình và ra ở riêng. Vợ chồng anh bắt đầu khởi nghiệp chỉ vỏn vẹn có 7 triệu đồng từ tiền “hồi môn” của bố mẹ cho.

Anh Đỗ Hữu Quyết bên trang trại bò sữa của gia đình mình
Anh Đỗ Hữu Quyết bên trang trại bò sữa của gia đình mình

Khi ấy, phong trào chăn nuôi bò sữa ở địa phương bắt đầu phát triển, anh đã mạnh dạn làm chuồng trại và mua 2 bê con về nuôi. Hai năm sau, bê con phát triển và bắt đầu sinh sản rồi cho thu hoạch sữa. Tuy nhiên, trong buổi ban đầu đã “nghèo” lại gặp phải cái “eo”, 1 con bò không đạt yêu cầu sản xuất sữa nên anh đành phải bán thịt. Không nản chí, anh tiếp tục vay mượn 15 triệu đồng để mua thêm 2 con bê sữa.

Trong quá trình chăn nuôi bò sữa, anh Đỗ Hữu Quyết chịu khó tìm hiểu tài liệu, sách báo; tham gia các lớp tập huấn, hội thảo và lên tới huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) để tham quan, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, cách phòng chống dịch bệnh…

Nhờ cần cù chịu khó, cuối cùng việc chăn nuôi bò sữa của anh dần dần mang lại hiệu quả. Từ đó, đàn bò và quy mô chuồng trại của anh ngày càng gia tăng và hiện nay tổng đàn bò sữa đã tăng lên 25 con. Để chủ động nguồn thức ăn cho bò, anh đã đầu tư phát triển 1,7 ha đất trồng cỏ. Ngoài ra, anh cũng đã trang bị thêm máy băm cỏ, máy vắt sữa…

“Đất đai ở khu vực xã Đại Lào phần lớn khô cằn, nhiều sỏi đá, cây trồng khó phát triển. Nông dân muốn phát triển kinh tế thì chỉ có cách là chăn nuôi bò sữa, vừa cho thu nhập từ con bò sữa mà lại có nguồn phân chuồng để bón cho cây trồng”, anh Nguyễn Hữu Quyết chia sẻ.

Ngoài chăm sóc đàn bò của gia đình, Đỗ Hữu Quyết còn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ dịch vụ thú ý cho nông dân chăn nuôi bò sữa ở địa phương
Ngoài chăm sóc đàn bò của gia đình, Đỗ Hữu Quyết còn nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ dịch vụ thú ý cho nông dân chăn nuôi bò sữa ở địa phương

Hiện tại, đàn bò của anh Nguyễn Hữu Quyết tuy chưa khai thác sữa 100% nhưng đã cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm, sau khi trừ hết chi phí. Từ nghèo khó, chỉ sau vài năm khởi nghiệp, anh Đỗ Hữu Quyết đã vươn lên khá giả.

Ngoài việc làm giàu cho chính mình, anh Quyết còn hỗ trợ (bán giá rẻ) cho người thân, họ hàng bê con để giúp họ thoát nghèo. Không những vậy, anh còn chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ dịch vụ thú y cho một số hộ nông dân chăn nuôi bò sữa ở địa phương. Đồng thời, anh Đỗ Hữu Quyết còn tích cực tham gia công tác xã hội tại xã Đại Lào.

Hiện tại, anh Đỗ Hữu Quyết đang giữ vai trò làm Bí thư Chi đoàn và Phó Bí thư Chi bộ thôn 8, xã Đại Lào (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng). Trong những năm qua, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác được giao.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy- Chủ tịch UBND xã Đại Lào (TP Bảo Lộc), đánh giá cao về thanh niên Đỗ Hữu Quyết, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng có ý chí dám nghĩ, dám làm. Ngoài ra, Quyết còn là một đảng viên trẻ và mẫu mực của địa phương.

Từ hai bàn tay trắng, chỉ trong vòng 6 năm, Đỗ Hữu Quyết đã lập nên cơ nghiệp và tạo sức “lan tỏa” trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trang trại chăn nuôi bò sữa của anh Đỗ Hữu Quyết là một mô hình tiêu biểu, góp phần thúc đẩy phong trào chăn nuôi bò sữa ở địa phương mà nhất là tại thôn 8 (xã Đại Lào).

Ngọc Hà (Báo Dân Trí, 15/2/2017)