Dù đã đạt trường chuẩn quốc gia nhưng nhiều phòng học của trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (tỉnh Lâm Đồng) hiện đang bị xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, huyện Bảo Lâm
Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, huyện Bảo Lâm

Dù đã đạt trường chuẩn quốc gia nhưng nhiều phòng học của trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) hiện đang bị xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Hơn hai tháng qua, ban giám hiệu nhà trường đã phải đóng cửa các phòng học này nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.

Không nằm trên địa bàn vùng sâu, trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng gần với trụ sở UBND xã Lộc Ngãi và giáp ranh trung tâm thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm.

Khuôn viên trường nhìn bề ngoài rất khang trang với khoảng sân rợp bóng cây xanh và 3 dãy phòng học xây dựng theo hình chữ U. Tuy nhiên, ngoài một dãy nhà hai tầng được xây dựng từ năm 2006 còn khá mới và chắc chắn, hai dãy còn lại với 9 phòng học đang trong tình trạng xuống cấp.

Hiệu trưởng trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, cô Lê Thị Hồng Minh cho biết: “Những năm trước, hai dãy phòng này xuống cấp nặng và nhà trường đã thay mái ngói cũ nát bằng tôn để tiếp tục tận dụng dạy học.

Tuy nhiên, sau đợt hè vừa rồi các phòng bị hư hỏng nặng hơn nên nhà trường buộc phải đóng cửa toàn bộ 9 phòng học từ đầu năm học này, để đảm bảo an toàn cho các em học sinh”.

Theo nhà trường, hai dãy nhà trên được xây dựng từ những năm 80. Sau hơn 30 năm sử dụng, vách tường các phòng bị nứt toác, bong tróc từng mảng, trần nhà như muốn sụp xuống, những khung cửa sổ bằng gỗ bị mối mọt, thậm chí dùng tay không cũng dễ dàng phá được vách tường gần các khung cửa sổ.

Để cảnh báo nguy hiểm cho học sinh không đến gần, nhà trường đã treo biển có dòng chữ “Khu vực nguy hiểm cấm vào” và chăng dây xung quanh. Từ khi hai dãy nhà trên bị đóng cửa, thầy và trò trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng lại rơi vào tình trạng thiếu phòng học. Cả trường hiện chỉ còn 8 phòng học và một số phòng chức năng, phòng hiệu bộ.

Để đảm bảo cho công tác giảng dạy, các phòng chức năng được tận dụng làm phòng học cho học sinh và khu vực văn phòng cũng được “ghép” chung với nhau để cán bộ, giáo viên trong trường cùng sử dụng. Do huy động tất cả các phòng còn lại để phục vụ công tác giảng dạy nên các giáo viên trong giờ ra chơi không có chỗ nghỉ ngơi.

Theo cô Lê Thị Hồng Minh, những năm học trước, trường Đinh Tiên Hoàng thực hiện chương trình giảng dạy theo mô hình trường học mới (VNEN) rất hiệu quả, nhưng đến năm học này do thiếu phòng học nên nhà trường phải chuyển sang chương trình hiện hành.

Thầy Nguyễn Hùng Chinh, giáo viên trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng cũng chia sẻ: “Công tác dạy và học đều bị xáo trộn rất bất tiện, vì thiếu phòng học nên nhiều học sinh phải học trái buổi ở một số môn học như Tin học, Anh văn. Bên cạnh đó, việc sinh hoạt chuyên môn của chúng tôi cũng gặp khó khăn và buộc phải đưa vào cuối tuần mới có thể tổ chức được”.

Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng là một trong những trường đầu tiên của huyện Bảo Lâm được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm 2005 và được công nhận lại vào năm 2013. Toàn trường hiện có 435 học sinh/17 lớp từ khối lớp 1 đến lớp 5.

Do được xây dựng từ hơn 30 năm trước, hệ thống cơ sở vật chất của trường ngày càng xuống cấp và hầu như năm nào cũng phải tu sửa, chỉnh trang cơ sở vật chất. Tuy nhiên, đến năm học 2016 – 2017 này, việc nâng cấp đã không còn ý nghĩa và trường phải đóng cửa hai dãy nhà đã quá rệu rã, chờ rót kinh phí để xây dựng phòng học mới.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Lâm cho biết: “Hiện chúng tôi đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chấp thuận đầu tư xây dựng 6 phòng học, các phòng bộ môn và khu văn phòng cho nhà trường.

Một mặt chúng tôi cũng đề xuất với huyện tháo gỡ khó khăn trước mắt, bố trí nguồn kinh phí gần 9 tỷ đồng trong năm 2017 cho trường Đinh Tiên Hoàng xây dựng 6 phòng học, nhằm đảm bảo công tác giảng dạy cho nhà trường”.

Trong khi chờ duyệt kinh phí để xây dựng phòng học mới, thầy và trò trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng vẫn tiếp tục dạy và học trong điều kiện thiếu thốn về cơ sở vật chất. Không chỉ gây bất tiện cho công tác giảng dạy mà tình trạng trên còn khiến nhiều phụ huynh lo lắng cho con em bị nguy hiểm rình rập từ hai dãy nhà xuống cấp.

Phụ huynh Nguyễn Hữu Sang (thôn 2, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm) bày tỏ: “Tôi thấy con mình học trong các phòng học xuống cấp như vậy không yên tâm. Tất cả phụ huynh chúng tôi mong muốn nhà trường xây dựng cơ sở vật chất càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cũng như chất lượng giảng dạy, học tập cho con em”./.

Nguyễn Dũng/TTXVN